Chưa đáp ứng yêu cầu

13/12/2013 04:54

Tuy đạt nhiều kết quả, song việc đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị vẫn chưa hết khó khăn.



Những lớp bồi dưỡng kỹ năng làm việc cho cán bộ xã theo hướng "cầm tay chỉ việc" được học viên đánh giá cao


Mỗi năm toàn tỉnh có hàng chục nghìn lượt cán bộ, đảng viên, hội viên tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ tại 12 Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) các huyện, thành phố, thị xã. Trước yêu cầu ngày càng cao của công việc, đối tượng người học đa dạng, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị (LLCT) đã trở thành vấn đề cấp thiết.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

“Khi giảng viên nói như đọc những nội dung đã viết sẵn trong tài liệu thì người học thường hay tranh thủ nói chuyện riêng, trao đổi kinh nghiệm công tác với nhau trong giờ học” - bà Nguyễn Thị B, cán bộ Hội Người cao tuổi ở TP Hải Dương chia sẻ về thực tế khi tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức tại TTBDCT thành phố. Không riêng bà B, nhiều cán bộ cơ sở đã từng đi học ở các TTBDCT đều thừa nhận chuyện người giảng cứ giảng, còn học viên thì mỗi người một việc, có người nghe, song cũng có người tranh thủ mở điện thoại đọc báo, gửi tin nhắn hoặc nói chuyện riêng. Đây là thực tế đã từng diễn ra ở nhiều lớp bồi dưỡng LLCT. Theo anh Nguyễn Hữu Phóng, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hồng (Thanh Hà), cách giảng dạy LLCT ở các trung tâm hiện nay vẫn cơ bản là phương pháp thuyết trình. Mỗi lớp bồi dưỡng thường có khá đông học viên. Vì thế, nếu nội dung bài giảng xa rời thực tế, không gắn với công việc của người học và giảng viên không đưa ra nhiều ví dụ sinh động, ít đặt câu hỏi cho học viên thì hiệu quả giờ học thường không cao, người học ít tập trung nghe giảng. Bản thân những cán bộ như bà B hay anh Phóng đều mong muốn được tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức phù hợp, gắn trực tiếp với công việc mà họ đang đảm nhiệm với phương pháp giảng dạy dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất. Vì thế, đổi mới phương pháp giáo dục LLCT là yêu cầu bức thiết của thực tiễn.

Tháng 10-2012, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 58 về việc đổi mới phương pháp giáo dục LLCT tại các TTBDCT huyện, thành phố, thị xã giai đoạn 2012-2016. Theo đó, việc đổi mới được thực hiện theo hướng coi trọng đúng mức phương pháp giáo dục LLCT sáng tạo, nhằm phát huy khả năng sáng tạo của giảng viên và tính tích cực chủ động của học viên. Cùng với phương pháp truyền thống (thuyết trình), các TTBDCT đã lựa chọn, kết hợp nhiều phương pháp mới trong giảng dạy như: tổ chức làm việc theo nhóm, nêu vấn đề và nghiên cứu tình huống thực tiễn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tập huấn, mời giảng viên của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh giảng mẫu một số bài theo phương pháp mới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên các TTBDCT cấp huyện. TTBDCT của các huyện Thanh Hà, Thanh Miện, TP Hải Dương và thị xã Chí Linh được chọn thí điểm áp dụng phương pháp mới trong giảng dạy LLCT để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Theo Phòng Giáo dục LLCT (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), sau 1 năm thực hiện kế hoạch, nhiều đơn vị đã tích cực triển khai, áp dụng phương pháp mới trong giảng dạy và bước đầu thu được kết quả tích cực. Điển hình như TTBDCT huyện Thanh Hà đã soạn 64 giáo án điện tử của 13 chương trình cơ bản làm cơ sở để đội ngũ giảng viên tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Trung tâm cũng mở lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy mới cho 82 người là giảng viên kiêm chức, chuyên trách, báo cáo viên các tổ chức cơ sở đảng, giáo viên dạy giáo dục công dân ở các trường THPT, THCS trong huyện. Huyện Cẩm Giàng thành lập ban chỉ đạo về đổi mới phương pháp giảng dạy. Huyện Nam Sách có chương trình hỗ trợ giảng viên trong giảng dạy... Theo khảo sát học viên sau các khóa bồi dưỡng, việc đổi mới phương pháp bước đầu được học viên ghi nhận. Qua hội thi giảng viên LLCT giỏi cấp huyện vừa qua, nhiều giảng viên đã áp dụng thành công phương pháp mới trong giảng dạy. Một số trung tâm, tỷ lệ giảng viên sử dụng phương pháp trình chiếu, kết hợp với thuyết trình, nêu tình huống... đạt tới 80-90%.

Cần đồng bộ

Tuy đạt nhiều kết quả, song việc đổi mới phương pháp giáo dục LLCT vẫn chưa hết khó khăn. Đồng chí Trần Quốc Việt, Giám đốc TTBDCT huyện Thanh Hà cho biết: “Học viên của các TTBDCT huyện rất đa dạng, tham gia nhiều chương trình bồi dưỡng kiến thức khác nhau. Nhiều người đi học không phải vì chưa biết, chưa nắm chắc kiến thức về lĩnh vực được bồi dưỡng mà chỉ đơn giản họ thuộc đối tượng phải tham gia. Việc tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng không hề đơn giản. Trong khi đó, mỗi trung tâm chỉ có từ 2-4 giảng viên chuyên trách, còn lại là giảng viên kiêm chức. Giảng viên chuyên trách có lợi thế đa số đều có nghiệp vụ sư phạm, có điều kiện nghiên cứu các vấn đề lý luận nhưng lại ít được va chạm với thực tiễn. Ngược lại, giảng viên kiêm chức có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhưng không phải ai cũng có khả năng sư phạm. Hơn nữa, công việc chính của họ không phải giảng dạy nên việc chuyên tâm nghiên cứu để đổi mới phương pháp gặp nhiều khó khăn”.

Một vấn đề nữa các trung tâm đang gặp phải là về cơ sở vật chất. Đổi mới phương pháp giảng dạy không đơn thuần chỉ là sử dụng máy chiếu, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, mà còn sử dụng nhiều biện pháp khác như làm việc theo nhóm. Phương pháp này chỉ áp dụng hiệu quả khi lớp học có ít học viên, có bảng ghim... song thực tế sĩ số của các lớp bồi dưỡng LLCT thường rất đông (trên dưới 100 người/lớp).

Cuối cùng, nếu đổi mới phương pháp giảng dạy không gắn liền với đổi mới nội dung, chương trình thì hiệu quả cũng không cao. Tại Trường Chính trị tỉnh, qua tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ Phó Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong năm 2013 cho thấy, việc đổi mới chương trình theo hướng đi vào những vấn đề thiết thực, cụ thể đối với người học bằng cách “cầm tay chỉ việc” đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều học viên thừa nhận, khi tham gia xử lý tình huống giải quyết đơn thư khiếu nại mà giảng viên nêu mới thấy đúng là mình thiếu kiến thức, vì quy định pháp luật chỉ có một song mỗi người lại áp dụng một kiểu khác nhau. Những bài học chuyên đề như thế đã giúp họ rất nhiều trong công việc.

Như vậy để việc đổi mới phương pháp giáo dục LLCT mang lại hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường biên chế giảng viên chuyên trách cho các TTBDCT, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên chuyên trách tăng cường đi thực tế, tìm hiểu các vấn đề thực tiễn trong các hội nghị giao ban bí thư chi bộ, tiếp xúc cử tri... Đối với đội ngũ giảng viên kiêm chức, nên trưng dụng với tư cách là các báo cáo viên cho từng chuyên đề. Cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới giảng dạy tại các trung tâm. Đồng thời có kế hoạch, nghiên cứu, đổi mới nội dung các chương trình giảng dạy tại các TTBDCT, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, gắn trực tiếp với công việc của đối tượng học. Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay.

THANH MAI

(0) Bình luận
Chưa đáp ứng yêu cầu