Chưa cuốn hút thanh niên

08/09/2013 06:05

Một thực tế đáng báo động là các tổ chức đoàn tại các vùng nông thôn ngày càng ít đoàn viên tham gia sinh hoạt...


Tổ chức đoàn ở khu vực nông thôn rất khó huy động đoàn viên tham gia
 các phong trào tình nguyện


Hiện nay, không chỉ những đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nông thôn đi làm ăn xa, mà cả ĐVTN ở nhà cũng thờ ơ với phong trào đoàn. Một thực tế đáng báo động là các tổ chức đoàn tại các vùng nông thôn ngày càng ít đoàn viên tham gia sinh hoạt.

Hoạt động đoàn vắng thanh niên

Nhiều năm qua, thị trấn Nam Sách được coi là một trong những đơn vị làm tốt công tác đoàn và phong trào thanh niên của huyện Nam Sách cũng gặp rất nhiều khó khăn về lực lượng. Thị trấn hiện có 1.700 ĐVTN sinh hoạt tại 9 chi đoàn thôn, khu dân cư, trong đó chỉ có khoảng 170 ĐVTN tham gia sinh hoạt thường xuyên. Tuy nhiên, khi vận động ĐVTN tham gia các hoạt động tình nguyện của tổ chức đoàn gặp nhiều hạn chế. Nếu tổ chức hoạt động tình nguyện cần nguồn nhân lực, Đoàn thị trấn phải rà soát hết quân số của từng khu dân cư để giao chỉ tiêu nhân lực phù hợp. Đa số các đoàn viên tham gia các buổi tình nguyện vẫn là cán bộ của các chi đoàn. Anh Trần Đình Hải, Bí thư Đoàn thị trấn chia sẻ: “Do không có lực lượng dẫn tới việc tổ chức các hoạt động đoàn đều bị hạn chế. Khi đảm nhận việc vớt vật cản, rác thải, bèo trên kênh T3 đoạn qua thị trấn, chủ yếu vẫn là cán bộ chi đoàn tham gia”.

Một thực trạng chung đang diễn ra ở hầu hết các xã, thị trấn ở khu vực nông thôn là cứ có hoạt động tình nguyện thì chủ yếu huy động lực lượng học sinh tại các trường THCS cùng tham gia. Đối với lực lượng ĐVTN tại các thôn thì hầu như chỉ có 1 đội hình tham gia tất cả các phong trào tình nguyện của địa phương. Ngay từ việc xây dựng Ban Chấp hành chi đoàn các thôn, khu dân cư một số nơi cũng đã gặp nhiều khó khăn do không người tham gia, đôi khi Phó Bí thư Đoàn xã phải kiêm nhiệm Bí thư Chi đoàn... Anh Nguyễn Văn T. ở xã Thanh Lang (Thanh Hà) kinh doanh nhỏ tại địa phương cho biết: “Bây giờ phong trào đoàn ở địa phương không còn được như trước đây, anh em nào cũng bận làm ăn, không có nhiều thời gian để tham gia sinh hoạt đoàn". Cùng chung suy nghĩ với anh T., anh Bùi Xuân V. ở xã Hiệp Cát (Nam Sách) cho biết: “Nhiều người bằng tuổi tôi trong làng, xã đều đi làm ăn xa cả. Tôi mở cửa hàng sửa xe tại nhà nhưng cũng không có thời gian tham gia phong trào đoàn. Hoạt động đoàn bây giờ chủ yếu là dành cho các em học sinh”.

Cần có những giải pháp đồng bộ


Theo anh Nguyễn Văn Cung, Bí thư Huyện đoàn Kim Thành, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do số lượng ĐVTN đi làm ăn xa, hoặc làm việc trong các doanh nghiệp thường xuyên phải tăng ca không có thời gian tham gia sinh hoạt Đoàn. Bên cạnh đó, nhận thức về sinh hoạt Đoàn, hội của một bộ phận ĐVTN chưa đúng, luôn xem nhẹ và cho rằng mất thời gian. Nhiều ĐVTN chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia các hoạt động tình nguyện, các hoạt động xã hội, coi đó chỉ là việc làm của tổ chức đoàn. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng hoạt động của các chi đoàn khu vực nông thôn còn nhiều yếu kém. Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả thiết thực nên chưa thu hút được ĐVTN tham gia. Hơn nữa, năng lực, trình độ tổ chức, điều hành các phong trào, hoạt động của một số bí thư chi đoàn ở cơ sở còn hạn chế. Mặt khác, nhiều chi đoàn còn xem nhẹ việc duy trì sinh hoạt đoàn hai chiều ở vùng nông thôn, nên càng gặp khó khăn về nhân lực. Anh Trần Đình Hải, Bí thư Đoàn thị trấn Nam Sách cho biết thêm: “Để ĐVTN vào sinh hoạt trong tổ chức, đoàn cần tạo điều kiện cho họ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đoàn thị trấn đã đề nghị 3-4 năm nay thành lập tổ vay vốn ưu đãi nhưng chưa được khiến việc tập hợp, đoàn kết ĐVTN gặp nhiều khó khăn”.

Để khắc phục tình trạng này, các cấp bộ đoàn trong tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ, vừa để tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực, vừa tạo sự đổi mới trong hoạt động đoàn, phong trào thanh niên tại khu vực nông thôn. Trước hết, các cấp bộ đoàn cần duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt hai chiều trong đoàn viên để bảo đảm số lượng đoàn viên. Các bí thư chi đoàn cũng cần phải nâng cao trình độ, năng lực của bản thân trong việc tổ chức các hoạt động Đoàn, hội để thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Đoàn các xã, thị trấn có thể phối hợp với Đoàn trường đại học, cao đẳng, khối cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tình nguyện tại địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn, hội phải thực sự là tổ chức của ĐVTN, có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ ĐVTN trong giải quyết việc làm, vay vốn phục vụ học tập và phát triển kinh tế, giáo dục kỹ năng sống. Các cấp bộ đoàn cần xây dựng các câu lạc bộ phù hợp với từng đối tượng ĐVTN như câu lạc bộ “Gia đình trẻ”, câu lạc bộ “Thanh niên phát triển kinh tế”… tạo nhiều sân chơi bổ ích thu hút ĐVTN tham gia…

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa cuốn hút thanh niên