Chùa Huề Trì ở xã An Phụ là một ngôi chùa cổ được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh nhưng hiện chùa đã xuống cấp nghiêm trọng.
Sau lần trùng tu vào cuối thế kỷ 19, chùa Huề Trì chỉ được tu sửa nhỏ
Chùa Huề Trì ở xã An Phụ là một trong số ít những ngôi chùa cổ của huyện Kinh Môn. Năm 2011, chùa được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hạng mục của chùa đã xuống cấp nghiêm trọng.
Dấu ấn kiến trúc“Khi trời mưa, trong chùa có khoảng 20 điểm dột, tôi thường phải lấy thau chậu để hứng nước nhưng nước mưa ngấm vào làm mục các vì kèo vẫn là điều khiến tôi lo nhất”.
|
|
Chùa Huề Trì được nhân dân địa phương khởi dựng từ khá sớm, cho đến nay chưa có tài liệu nào cho biết chính xác thời gian chùa được xây dựng. Tài liệu còn lại trên bia đá cho biết chùa đã được trùng tu, tu sửa vào các năm: Tự Đức năm thứ 23 (1870), Hàm Nghi nguyên niên (1885), Thành Thái nguyên niên (1889), Khải Định Ất Sửu (1925).
Chùa Huề Trì trước đây có quy mô kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, bao gồm 7 gian tiền đường, 1 gian cổ giải, 2 gian ống muống, 3 gian hậu cung, hai dãy hành lang phía nam và phía bắc. Ngoài ra chùa còn có khá nhiều công trình phụ trợ như nhà tổ, nhà tăng, sân vật, khu nhà bếp, khu vườn tháp và một số công trình khác. Nhưng trải qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, nhiều công trình nay không còn. Hiện tại, các công trình cũ cơ bản chỉ còn kiến trúc kiểu chữ “công”, bao gồm 7 gian tiền đường đao tàu déo góc, 1 gian cổ giải, 2 gian ống muống, 3 gian hậu cung và 5 gian hành lang phía nam. Trong những năm gần đây, nhân dân đã khôi phục lại 5 gian hành lang phía bắc và 2 gian nối vào 5 gian hành lang phía nam. Tuy nhiên do nguồn kinh phí có hạn nên các công trình này còn khá khiêm tốn.
Về kết cấu kiến trúc, tòa tiền đường gồm 7 gian dài 19,86m, rộng 7,97m gồm 8 vì kèo. Ở phía nam là gian nhà được tạo ra kiểu chái bồ câu, tại đây có 4 thanh kẻ góc và 2 vì kèo cầu nhỏ đơn giản nhưng lại tạo ra không gian thờ tự rộng rãi. Ở gian dĩ phía bắc, chỉ có 3 thanh kẻ góc với 2 vì kèo, trong đó có 1 thanh thuộc vì kèo của tòa tiền đường, 1 thanh thuộc vì kèo của dãy hành lang phía nam. Các vì kèo còn lại có kết cấu kiểu chẻ chuyền chồng chóp, tại đây có một số mảng chạm khắc. Chất liệu mộc là gỗ tứ thiết, móng tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống. Trên bờ nóc và bờ cánh có một số bức phù điêu. Các vì kèo phía ngoài gian cổ giải có bức chạm “Lưỡng long chầu nguyệt” với sự tinh xảo ở từng chi tiết được bố trí sát nóc tạo nét sinh động cho công trình.
Tượng của chùa Huề Trì chủ yếu được bài trí trong hậu cung, ống muống và tiền đường. Hiện nay chùa có 7 lớp tượng, các pho tượng đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhỡn là pho tượng đẹp nhất chùa. Tượng cao 112cm, được tạc ở tư thế ngồi trên bệ cao 2 tầng, bệ có nhiều bức chạm hoa lá sơn son thếp vàng tinh xảo. Tượng ngồi ở tư thế bán kiết già, bàn chân phải dài đẹp, đặt lên đùi trái. Trong lòng có đôi bàn tay lồng vào nhau, 1 đôi tay giơ trước ngực, kết ấn liên hoa, 2 bên có 18 đôi tay đối xứng. Ngoài 7 lớp tượng chính, còn một số nhóm tượng như tượng “thần An Phụ” (theo cách gọi của địa phương) được đặt tại gian phía bắc tòa hậu cung, tượng hai nữ tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh đặt trong khám thờ tại gian phía nam tòa hậu cung.
Thăm chùa Huề Trì, du khách sẽ được mãn nhãn với những đường nét chạm khắc tinh tế, những di vật, đồ thờ tự có giá trị. Không chỉ là một di tích tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc mà nơi đây còn ghi dấu lịch sử khi trở thành nơi hoạt động cách mạng trong những năm tháng kháng chiến.
Tấm bạt được căng ngay phía trên nơi thờ Đức Thanh Đề để tránh mưa dột
Thiếu kinh phí tu sửaTừ sau lần trùng tu vào cuối thế kỷ 19 đến nay, chùa Huề Trì chưa có lần nào tu sửa lớn, chỉ có một số lần tu sửa nhỏ với mục đích chống xuống cấp. Hiện nay, phần mái ngói của chùa đã bị xô lệch khá nhiều, ngay phần mái hiên đã có nhiều khoảng trống do ngói rơi vỡ. Để tạm thời gắn các viên ngói có nguy cơ rơi vỡ người ta đã phải chít xi măng. Phần mái có kết cấu 8 máng xối, trong đó có 3 máng xối bị dột lớn mỗi khi có mưa. Nước mưa theo hệ thống máng xối chảy xuống, ngấm trực tiếp vào tường và các vì kèo phía bên trong. Qua quan sát có thể nhận thấy các vì kèo bị sẫm màu do ngấm nước lâu ngày. Thanh gỗ nối giữa các vì kèo tại cửa Phật đã bị mục ruỗng một đầu, một thanh bê tông được dùng làm trụ đỡ cho vì kèo này tránh đổ sập nhưng chỉ là biện pháp tạm thời. Những vết nứt không còn hiếm gặp trên tường. Những cột quân, cột trụ bằng gỗ lim đã bị cong, vênh đang được đóng cố định với những thanh gỗ tạp để san bớt sức nặng.
Dẫn chúng tôi đến gian thờ Đức Thanh Đề, cụ Lê Thị Kẹo (83 tuổi)- thủ nhang của chùa chỉ cho chúng tôi thấy tấm bạt được căng ngay phía trên pho tượng, dễ nhận thấy nhiều chỗ dột khác vì ánh sáng từ bên ngoài xuyên qua lớp ngói vào phía trong gian thờ. Cụ Kẹo cho biết: “Khi trời mưa, trong chùa có khoảng 20 điểm dột, tôi thường phải lấy thau chậu để hứng nước nhưng nước mưa ngấm vào làm mục các vì kèo vẫn là điều khiến tôi lo nhất. Ở gác chuông cũng tiềm ẩn nguy hiểm bởi các thanh vì kèo đã không còn chắc chắn lại phải chịu thêm sức nặng của chuông".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chủ tịch UBND xã An Phụ cho biết, UBND xã đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để tu sửa chùa nhưng vẫn chưa có thông tin phản hồi. Hằng năm, số tiền công đức tại lễ hội chùa và nguồn xã hội hóa chỉ dưới 50 triệu đồng trong khi muốn trùng tu, tôn tạo lại chùa phải mất vài tỷ đồng. Với số tiền ít ỏi này, xã chỉ biết ưu tiên tu sửa các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng nhất, còn lại phải áp dụng các biện pháp tình thế như: đảo ngói, thay thế một số chi tiết mộc đã mục gẫy, chám vá tường, chêm gỗ vào các đầu nối vì kèo, gắn kết các viên gói bằng xi măng... Đến nay, việc trông nom chùa chủ yếu nhờ vào cụ thủ nhang đã già yếu, chính quyền địa phương đã nhiều lần tìm sư trụ trì cho chùa nhằm bảo đảm việc trông coi và có thể đứng ra vận động xã hội hóa để có kinh phí tu sửa nhưng khó khăn.
Chính quyền địa phương mong muốn trong thời gian tới sẽ sớm được UBND tỉnh cấp kinh phí để chống xuống cấp, đồng thời khôi phục các hạng mục công trình đã mất, từng bước trả lại dáng vẻ ban đầu cho ngôi chùa cổ.
HUYỀN TRANG