Đã tồn tại khoảng 300 năm, nếu không được tu sửa kịp thời, chùa Hiền ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) có nguy cơ sụp đổ. Khi đó, một công trình thờ tự với lối kiến trúc độc đáo, là trung tâm sinh hoạt, tín ngưỡng của người dân sẽ bị mất đi.
Chùa Hiền đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ
Kiến trúc độc đáo
Chùa Hiền được xây dựng vào năm nào đến nay chưa có tài liệu nào xác định được. Tuy nhiên, qua văn bia “Trung hoa bài tự” lưu giữ tại chùa thì suy luận di tích được xây dựng vào thời hậu Lê cuối thế kỷ XVIII, cách đây khoảng 300 năm. Theo sử sách ghi lại, chùa Hiền đã được tu bổ, tôn tạo lại vào thời nhà Nguyễn. Chùa gồm 5 gian tiền đường, 3 gian ống muống, 3 gian hậu cung nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín. Nhà tiền đường làm bằng gỗ lim, lợp ngói mũi truyền thống. Tiền đường gồm 6 vì kèo liên kết kiểu "kèo cầu cánh máng", được tạo dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống bằng chất liệu gỗ tứ thiết. Hệ thống giằng ngang cửa ngôi chùa có lối ghép "thượng tam, hạ tứ". Phần tường được xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói vẩy cá truyền thống, hệ thống đao mái uốn cong, 4 đao góc của chùa được đắp theo lối đao guột, các đầm đao mềm mại. Chùa gồm 8 mái tạo thành chữ công khá độc đáo, trong đó mái gian đầu, gian cuối quay hướng đông, tây, còn lại quay hướng nam, bắc. Chỉ quan sát bộ mái của chùa có thể thấy đó là một công trình có giá trị nghệ thuật.
Nối với tiền đường là 3 gian ống muống, bộ vì được kiến tạo kiểu "kèo cầu cánh máng" như ở 5 gian tiền đường. Các vì kèo này có hệ thống kẻ liền bổng với hai hàng cột gỗ lim vững chắc tạo thành hai lối đi ở hai bên thông xuống 3 gian hậu cung.
Nhiều phần mái đã hỏng, mỗi khi trời mưa chùa bị dột
Tòa hậu cung có kiến trúc giống như tòa tiền đường, chỉ thu nhỏ lại thành 3 gian. Với những nét độc đáo trong kiến trúc, năm 2006 chùa Hiền được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Xuống cấp nghiêm trọng
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, dù tồn tại hàng trăm năm nhưng chùa Hiền trước đây khá vững chắc, các nét kiến trúc cổ kính vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, trận vỡ đê Thanh Hồng năm 1996 làm chùa bị ngập sâu hơn 1 m nên kết cấu thay đổi. "Chùa làm bằng gỗ lim khá nặng, nước ngập sâu nên nền chùa, các chân tảng đá kê dưới các cột gỗ bị chìm xuống, gỗ dùng để làm tường bị hỏng. Chùa đã được nhân dân đóng góp tu sửa lại bằng cách đổ bê tông lên trên tảng đá, tạo chân đế cho cột gỗ, các thanh gỗ xung quanh chùa cũng được thay bằng gạch chỉ", Bí thư Chi bộ thôn Nhân Hiền Lê Công Nhận cho biết.
Từ năm 2006 đến nay, chùa Hiền chưa được tu sửa. Trải qua thời gian, phần mái đã hư hỏng nặng, kèo cầu cánh máng, cầu phong, li tô, hoành bị kéo giãn từng mảng, một số cây cột bị mục nát, đao nóc bị kéo nứt làm phần mái dột nát. Mỗi khi trời mưa, người trông coi chùa lại phải lấy chậu hứng nước. Phần nền của ngôi chùa đã bị hỏng, bong tróc. Để đi lại, làm lễ thuận tiện, người dân đã phải mua các tấm thảm trải lên trên. Tường xung quanh chùa cũng bong tróc từng mảng. Hệ thống điện chắp vá, không bảo đảm an toàn.
Phần cột chùa Hiền bị mục nát
"Hằng ngày chúng tôi vẫn đến thắp hương, đọc kinh, dọn dẹp tại chùa nhưng cũng rất lo lắng bởi công trình không được an toàn", bà Nguyễn Thị Sinh, người dân thôn Nhân Hiền cho biết.
Ngày 2.8, UBND huyện Thanh Hà đã họp về tình trạng xuống cấp của chùa Hiền. Tại cuộc họp các ý kiến đều đánh giá, công trình đã xuống cấp rất nghiêm trọng và cần có biện pháp khắc phục ngay nếu không sẽ ảnh hưởng đến giá trị di tích cũng như không bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. UBND huyện xin được thực hiện một số hoạt động như xử lý chống thấm dột, chằng chống, gia cố tạm thời để bảo đảm an toàn cho người và các đồ thờ tự, di vật, cổ vật trong tòa tam bảo. Ban quản lý di tích họp bàn để thông báo với nhân dân tạm thời đóng cửa di tích và di dời các đồ thờ tự, di vật, cổ vật nếu xét thấy không bảo đảm an toàn cho nhân dân, khách thập phương...
Khó khăn lớn nhất trong công tác tu sửa chùa Hiền hiện nay là cần nguồn kinh phí hàng tỷ đồng trong khi sức đóng góp của nhân dân có hạn bởi người dân ở khu vực này không đông. Đặc biệt, thôn Nhân Hiền có 2 chùa, 2 miếu đều xuống cấp cần tu sửa. "Chúng tôi mong ngành chức năng sớm có phương án sửa chữa và hỗ trợ kinh phí để giảm bớt khó khăn cho nhân dân, đồng thời gìn giữ công trình văn hóa tâm linh của địa phương", ông Lê Văn Hiền, cán bộ văn hóa xã Thanh Quang nói.
THANH HÀ