Chưa có sự thống nhất giữa các điều luật trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

29/10/2021 16:01

Sáng 29.10, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận vào dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Sỹ Hoàn tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) 

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn bày tỏ sự nhất trí việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với những lý do như trong tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu thấy một số vấn đề cần quan tâm. 

Thứ nhất, còn chưa có sự thống nhất giữa các điều luật trong dự thảo và giữa dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành.  

Đại biểu dẫn chứng: khoản 2 điều 9 quy định về loại hình bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

a) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, 

b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

d) Các loại bảo hiểm bắt buộc khác đáp ứng quy định tại khoản 1 điều này do Quốc hội quy định.

Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 134 dự thảo lại có quy định: "Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm".

Như vậy, ở đây, có thể hiểu bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của cá nhân khi cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm và tổ chức khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bắt buộc hay không? Nếu coi là bắt buộc thì tại khoản 2 điều 9 cần liệt kê đầy đủ cả các trường hợp bảo hiểm bắt buộc trong các hoạt động đã được quy định cụ thể trong luật này, đó là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm và tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Ví dụ 2, đại biểu nêu: "Tại điểm đ khoản 1 điều 75 dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động “sau khi thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục phá sản”. Trong khi đó, khoản 1 điều 45 Luật Phá sản quy định: “Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”.

Và điều 47 Luật Phá sản 2014 quy định: "Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản".

Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì thủ tục chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là thủ tục sau khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản và doanh nghiệp vẫn có quyền tiến hành hoạt động kinh doanh dưới sự giám sát của Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho đến khi Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản. 

Do đó, quy định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (giai đoạn sau khi quyết định mở thủ tục phá sản) là chưa phù hợp với Luật Phá sản. 

Tương tự như vậy, tại khoản 2 điều 103 dự thảo quy định “khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm”, theo đại biểu Hoàn cũng là không phù hợp với tinh thần của Luật Phá sản.

Trường hợp dự thảo muốn quy định thủ tục phá sản riêng biệt đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm so với các doanh nghiệp khác hiện đang quy định tại Luật Phá sản thì cần sửa đổi bổ sung điều khoản loại trừ trong Luật Phá sản để đảm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Tại khoản 2 điều 83 dự thảo quy định: “Cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát”. Đại biểu cho rằng quy định này chưa tương thích với Luật Doanh nghiệp 2020. Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ quy định bắt buộc có Ban Kiểm soát đối với Công ty TNHH là doanh nghiệp nhà nước còn “trường hợp khác do công ty quyết định”.

Do vậy, để đảm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề nghị cân nhắc về quy định này tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hoặc phải sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, một số quy định trong dự thảo chưa phù hợp hoặc cần được nghiên cứu, chỉnh sửa bổ sung như:

Khoản 8 điều 4 quy định “Tư vấn là hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm, đề phòng, hạn chế tổn thất trên cơ sở thu phí của doanh nghiệp bảo hiểm”. Ở đây,  cơ quan soạn thảo đã sử dụng chính từ cần giải thích cho việc giải thích từ ngữ đó là chưa hợp lý.

Hay như tại khoản 4 điều 13 dự thảo sử dụng cụm từ "quyền yêu cầu bồi hoàn" là chưa phù hợp. Theo đại biểu Hoàn, hành vi gây thiệt hại của người thứ ba sẽ dẫn tới quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại của người được bảo hiểm. Khi doanh nghiệp bảo hiểm thế quyền người được bảo hiểm thì quyền đó vẫn phải là quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vì vậy, đề nghị thay thế cụm từ “quyền yêu cầu bồi hoàn” bằng cụm từ “quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại” tại quy định này.

Trên cơ sở phân tích những quy định nêu trên, đại biểu Hoàn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo cũng như sự thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.

PV 

(0) Bình luận
Chưa có sự thống nhất giữa các điều luật trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)