Chưa có dịch đã bị ảnh hưởng

13/03/2014 04:00

Dịch cúm gia cầm mới xuất hiện ở 2 huyện giáp ranh là Thanh Hà và Gia Lộc đã khiến các hộ chăn nuôi ở Tứ Kỳ lao đao...


Người nuôi lao đao

Thời điểm này, trang trại của gia đình chị Phạm Thị Oanh ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo vẫn còn khoảng 500 con gà ri và gà lai chọi đã "quá lứa" mà vẫn chưa bán được. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua gà đã khó tiêu thụ, nhưng từ khi dịch cúm gia cầm xuất hiện ở các huyện lân cận lại càng khó bán hơn. Thương lái chỉ thu mua gà với số lượng cầm chừng, mỗi lần vài chục kg. Không chỉ khó bán, giá 2 loại gà nêu trên cũng chỉ còn 60-65 nghìn đồng/kg, giảm 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm chưa xuất hiện dịch cúm. "Đàn gà tiêu thụ chậm, mỗi ngày gia đình tôi mất gần 1 triệu đồng tiền mua thức ăn cho chúng. Đó là còn chưa kể chi phí mua thuốc, vắc-xin phòng bệnh...", chị Oanh buồn rầu nói.

Trang trại của bác Nguyễn Văn Nhân ở thôn Trạch Lộ, xã Hà Kỳ là một trong những nơi chăn nuôi gà trắng quy mô lớn ở huyện Tứ Kỳ, số lượng luôn dao động khoảng 7.000 - 8.000 con. Sáng 9-3, khi chúng tôi đến trang trại chỉ thấy các dãy chuồng bị bỏ trống. Bác Nhân giải thích: "Sau Tết gia đình tôi chỉ còn nuôi khoảng 3.000 con gà trắng, dự định một thời gian nữa mới xuất chuồng. Nhưng khi nghe tin dịch cúm gia cầm xuất hiện ở huyện Thanh Hà, rồi huyện Gia Lộc tôi rất lo lắng nên đã bán chạy với giá 29 nghìn đồng/kg. Lứa gà này, gia đình tôi bị lỗ 18 triệu đồng". Hiện tại, gia đình bác Nhân đang vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng và nghe ngóng xem tình hình dịch bệnh diễn biến thế nào trước khi đầu tư nhập đàn mới.

Giá cá ở TP Hải Dương tăng 

Theo một số tiểu thương ở các chợ Kho Đỏ, Phú Yên, Thanh Bình (TP Hải Dương), giá các loại cá đều đã tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg so với trước khi xuất hiện dịch cúm gia cầm. Hiện tại, cá trắm giá 65 nghìn đồng/kg, cá chép loại to 60 nghìn đồng/kg, cá trôi 50 nghìn đồng/kg, cá mè 30 nghìn đồng/kg, cá rô phi 35 nghìn đồng/kg.

Nguyên nhân giá cá tăng là do nhiều gia đình chọn mua đồ thủy sản thay thế gia cầm trong khi đang có dịch cúm.

VQ

Gia đình anh Vũ Văn Hùng ở thôn Bỉnh Di, xã Kỳ Sơn nuôi 3.000 con gà lai chọi và gà lấy trứng thương phẩm. Hiện tại, mỗi ngày đàn gà của gia đình anh đẻ 1.500-1.600 quả trứng. Anh Hùng cho biết: "Gia đình tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch bệnh nên các thương lái rất tin tưởng khi lấy hàng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm tại các huyện giáp ranh nên trong khoảng 10 ngày nay, trứng gà bán ra khá chậm và bị mất giá so với quãng trước. Giá trứng gà lai chọi giống hiện nay là 4.000 đồng/quả, giảm 2.000 đồng; trứng thương phẩm 1.200 đồng/quả, giảm 500 đồng. Giai đoạn này, mỗi ngày gia đình tôi bán được khoảng 1.500-1.600 quả trứng, trừ chi phí bị lỗ hơn 1,1 triệu đồng".

Điều đáng nói hơn là mặc dù giá gia cầm giảm, nhưng giá thức ăn chăn nuôi không hề giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi chồng chất nỗi lo.

Người ăn dè chừng

Những ngày này, tại chợ Yên - chợ trung tâm của huyện Tứ Kỳ, các gian hàng bán gà, vịt, ngan làm sẵn luôn trong tình trạng rất ít người hỏi mua. Chị Nguyễn Thị Luân, một người bán thịt gà làm sẵn trong chợ Yên cho biết: "Thông thường mỗi phiên chợ, cửa hàng của tôi tiêu thụ 15-20 con gà làm sẵn, vậy mà từ khi có dịch cúm xuất hiện chỉ bán được 5 con là cùng. Mấy phiên chợ gần đây tôi chuyển sang bán thêm thịt lợn, chứ cứ bán mỗi gà thì chắc chắn lỗ".

Rõ ràng dịch cúm đã tác động rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng. "Các thành viên trong gia đình tôi rất thích ăn thịt gà, nhưng từ khi nghe tin có dịch cúm gia cầm xuất hiện ở các huyện giáp ranh đến nay chúng tôi cũng lo và chuyển sang dùng cá, thịt lợn hoặc thịt bò... bác Nguyễn Thị Miên ở xã Tây Kỳ nói.



Các cửa hàng bán thịt gia cầm làm sẵn ở chợ Yên (Tứ Kỳ) những ngày này luôn trong tình trạng ế ẩm


Việc người dân huyện Tứ Kỳ nói riêng, người dân các nơi khác trong tỉnh nói chung lo lắng, sử dụng các loại thực phẩm khác để thay thế thực phẩm chế biến từ gia cầm cho thấy ý thức phòng dịch của người dân đã được nâng lên. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm đang được khống chế và giám sát chặt chẽ. Do đó, người tiêu dùng không nên lo lắng và vội vàng tẩy chay các sản phẩm gia cầm, mà hãy sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện "ăn chín, uống sôi" trong chế biến thực phẩm hằng ngày. Các ngành, địa phương ngoài việc tích cực tuyên truyền, định hướng cho người dân và người tiêu dùng, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ và mua bán gia cầm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ ngành chăn nuôi.



TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa có dịch đã bị ảnh hưởng