Chùa Cao Lý

11/06/2013 08:49

Tọa lạc tại thôn Cao Lý, Cao Thắng (Thanh Miện), chùa Cao Lý có niên đại khoảng 200 năm, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa lâu đời của người dân.



Chùa Cao Lý hiện còn lưu giữ 2 tấm sắc phong thời Lý


Chùa Cao Lý có tên chữ là Phúc Diên Tự, mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc về nơi lưu giữ điều phúc lành dài lâu. Chùa nằm trên diện tích hơn 3.000 m2, là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa và theo giáo lý của đạo Phật Việt Nam, khuyên răn con người làm việc thiện để sống tốt hơn trong cộng đồng của mình.

Căn cứ vào kết quả khảo sát, quy mô kiến trúc và ý kiến của các cụ cao niên trong làng thì chùa Cao Lý xưa là một di tích lớn gồm có nhiều hạng  mục công trình khác nhau. Trong đó có khu chùa chính, một nhà tổ 7 gian quay hướng đông nam nằm ở phía sau, một nhà khách nằm ở phía tây nam. Trải qua nhiều biến cố lịch sử nên gian nhà khách đã không còn. Gian nhà Mẫu mới được khôi phục lại trong thời gian gần đây bằng nguồn vốn công đức của nhân dân và khách thập phương. Tại khuôn viên của chùa có nhà thờ mẫu, trong đó có tượng mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn.

Vào thời Nguyễn, chùa Cao Lý được tu bổ, tôn tạo nhiều lần, song rất tiếc không còn văn bia nào được lưu lại. Chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh truyền thống, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Tiền đường dài 11,5m, rộng 4,7m, bao gồm 6 vì kèo với kết cấu kiểu “con chồng giá chiêng” truyền thống. Hoành mái mở rộng theo thức “Thượng ngũ, hạ ngũ”. Mỗi vì kèo gồm cột quân, xà lách, kẻ chuyền, câu đầu, trụ, con vành, đấu gối đều được tạo từ chất liệu gỗ tứ thiết còn khá tốt. Nối liền các vì kèo là hệ thống xà, hoành, thương lương, gộp mái, lá mái, tàu. Những chi tiết này được chế tác tiêu chuẩn và vững chắc.

Tuy nội thất không có chạm khắc gì đặc biệt nhưng ngoại thất được tập trung vào trang trí đôi rồng kìm ngậm bờ nóc, chầu về trung tâm, mái lợp ngói vảy cá truyền thống. Đáng chú ý là phía trước có đôi cột trụ lồng đèn cân đối, đình trụ có đôi nghê chầu đắp nổi, phần nề ngõa cũng được xây dựng chắc chắn, tường xây bằng gạch chỉ.

Tòa hậu cung gồm 3 gian dài 5,3 m, rộng 5,25 m, có 3 vì kèo. Các chi tiết mộc chủ yếu là bào trơn, đóng bén nhưng chắc chắn. Tường xây gạch, mái lợp ngói vảy cá.

Về bài trí thờ tự, chùa Cao Lý được chia thành tiền đường và thượng điện. Bên trái tiền đường là ban thờ Trần Hưng Đạo, bên phải thờ Đức Ông - người giàu tâm đức đã hiến ruộng đất cho Thích Ca để hành đạo, sau này trở thành thần thổ địa, được Phật giáo cho cai quản tài sản của chùa.

Trước đây, chùa có quy mô lớn, song do nhiều nguyên nhân số di vật còn lại không nhiều, hầu hết đều được bổ sung, công đức trong những năm gần đây. Nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân địa phương đã bỏ nhiều công sức và tiền của để tu sửa nhiều hạng mục công trình, từng bước hoàn thiện, trả lại dáng vẻ ban đầu cho ngôi chùa. Hiện tại, chùa còn bảo tồn được khá nhiều di tích lịch sử của thời Nguyễn, đặc biệt có 12 pho tượng hầu hết có niên đại vào thế kỷ 19, 2 tấm sắc phong  từ thời nhà Lý. Lễ hội chùa Cao Lý diễn ra từ ngày mùng 9 đến 11-3 âm lịch, có nhiều trò chơi dân gian, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2007.

THANH GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chùa Cao Lý