Thời gian qua, nhiều chương trình liên kết tín dụng gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nên hiệu quả chưa tương xứng với kỳ vọng.
Mới có 2 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn vốn từ "gói" 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản
Ít đơn vị tham gia“Không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NNNT theo quy định của Chính phủ là một trong những trở ngại khiến công ty khó mở rộng quy mô sản xuất”.
|
|
Là một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc cho vay "gói" 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, nhưng đến nay Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bắc Hải Dương mới cho 1 doanh nghiệp và 11 khách hàng cá nhân vay tổng số tiền 11 tỷ 351 triệu đồng. Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 18 (Licogi 18), chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp (giai đoạn 1) ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) vay 10 tỷ đồng với dự định xây dựng 9 tòa chung cư, mỗi tòa 5 tầng, tổng mức đầu tư mỗi tòa nhà khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, dãy nhà 5 tầng với 82 căn hộ được hoàn thành từ cuối năm 2014, nhưng đến nay chủ đầu tư mới bán được 22 căn, trong đó có 11 hộ dân mua nhà tại dự án này được vay 1 tỷ 351 triệu đồng. Do tốc độ bán rất chậm nên chủ đầu tư chưa dám đầu tư vào các dãy nhà tiếp theo.
Ngoài BIDV Bắc Hải Dương, trên địa bàn tỉnh mới có thêm BIDV Hải Dương tham gia cho vay "gói" 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản. BIDV Hải Dương đã ký hợp đồng cấp vốn cho Dự án nhà ở xã hội Tuệ Tĩnh do Công ty CP Đầu tư Thành Đô làm chủ đầu tư. Trong đó, chủ đầu tư được BIDV Hải Dương cho vay gần 8 tỷ đồng và 27 khách hàng mua nhà được vay gần 5 tỷ đồng. Hiện tại, lượng khách hàng đăng ký mua căn hộ của dự án tương đối lớn. Tuy nhiên, số lượng khách hàng đủ điều kiện vay vốn theo quy định lại không nhiều. Vì vậy, dư nợ của chương trình này chưa đạt cao như kỳ vọng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm khuyến khích mô hình sản xuất liên kết quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã ban hành quyết định về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) theo nghị quyết của Chính phủ. Quyết định này quy định một số cơ chế tín dụng đặc thù như lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thị trường khoảng 1- 1,5%/năm, ngân hàng thương mại có thể xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát được dòng tiền trong trường hợp khách hàng vay không đủ tài sản bảo đảm... Các bộ đã thống nhất lựa chọn 28 doanh nghiệp tiêu biểu trên toàn quốc thực hiện 31 dự án sản xuất và chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Số tiền các ngân hàng thương mại đã ký kết với các doanh nghiệp tham gia chương trình lên tới hơn 5.627 tỷ đồng. Tuy nhiên, mô hình trên chưa có mặt tại tỉnh ta. Cơ chế đã có, quy định cũng rất rõ ràng nhưng vẫn chưa có bất cứ tổ chức tín dụng nào trên địa bàn tham gia vào chương trình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc), mặc dù là một trong những doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản lớn nhất tỉnh nhưng công ty chưa bao giờ nhận được sự bảo lãnh của chính quyền để được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, công ty phải tự xây dựng mối liên kết với nông dân trong và ngoài tỉnh để đầu tư vốn, giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc nông sản. Không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NNNT theo quy định của Chính phủ là một trong những trở ngại khiến công ty khó mở rộng quy mô sản xuất.
Vì sao?Đối với chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, do hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu vực lân cận chưa hoàn thiện, hệ thống trường học và trung tâm thương mại chưa được xây dựng khiến người mua nhà còn e ngại. Nguồn đất thổ cư ở những khu vực chung quanh rất dồi dào, giá hợp lý nên rất ít người chọn mua căn hộ thuộc dự án. Trong khi đó, phần lớn công nhân trong khu công nghiệp hoặc người thu nhập thấp có công việc không ổn định, thu nhập thực tế lại không bảo đảm trả nợ khi vay vốn. Nhiều lao động ngoại tỉnh không muốn gắn bó lâu dài với công việc nên nhu cầu về một chỗ ở ổn định không lớn. Một nguyên nhân khác là quy định cam kết của các thành viên trong gia đình chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho người mua nhà khi xin xác nhận vay vốn ở ngân hàng. Ngoài ra, giá thành căn hộ khá cao cũng khiến người mua nhà e dè khi quyết định mua. Vì vậy, hạ tầng phải được xây dựng hoàn thiện, thủ tục hành chính cần đơn giản, tránh máy móc, cứng nhắc, mức vay tăng lên là giải pháp để công nhân và người thu nhập thấp có điều kiện mua nhà, chủ đầu tư nhanh chóng giải phóng nguồn hàng, có điều kiện tiếp tục triển khai các dự án tiếp theo.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các chương trình liên kết trong lĩnh vực NNNT đạt kết quả thấp do các hoạt động thu mua, chế biến nông sản, thực phẩm còn nhiều bất cập. Vai trò của chính quyền địa phương trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản còn mờ nhạt, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Còn ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NNNT vì đây là lĩnh vực nhiều rủi ro... Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc NHNNVN chi nhánh Hải Dương cho rằng: Một điểm mới quan trọng trong Nghị định 55 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Đây là nội dung phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nội dung chính sách hỗ trợ tập trung vào quy định mức vay không có tài sản bảo đảm và cơ chế xử lý khoản nợ khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Với các chính sách này thì các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX sẽ yên tâm hơn khi làm đầu mối thực hiện các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các tổ chức tín dụng sẽ đẩy mạnh cho vay chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực NNNT. Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tín dụng của ngân hàng với chính sách khuyến công, khuyến nông tại khu vực nông thôn. Cải tiến phương thức cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phù hợp với đối tượng khách hàng. Tập trung nguồn vốn cho vay kịp thời đối với sản xuất, thu mua, đặc biệt thu mua phục vụ xuất khẩu, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản. Tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình kết nối tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp, ngân hàng với các trang trại, HTX, kết nối nông dân với doanh nghiệp, thị trường theo các mô hình liên kết.
VỊ THỦY