Là Chủ tịch Hội, ông Tùy luôn khuyến khích hội viên vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, tích cực vận động hội viên đóng góp xây dựng địa phương...
Trên diện tích hơn 1 mẫu, ông Tùy quy hoạch ao, chuồng hợp lý, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao
Đến thăm trang trại của ông Mai Ngọc Tuỳ ở thôn Quốc Tuấn, xã Lê Hồng (Thanh Miện) mới thấy hết nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu của người cựu thanh niên xung phong sinh năm 1950. Ông Tuỳ cho biết, trước đây, khu vực này là một cánh đồng trũng, cấy lúa bấp bênh. Năm 2004, ông quyết định ra khu chuyển đổi đồng Soi. Ngay từ những ngày đầu ra khu chuyển đổi, ông đã cùng vợ con nhanh chóng bắt tay đào ao, xẻ đất, quai đắp đường, trồng cây ăn quả. Mấy năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên năng suất không cao, thu nhập không ổn định. Sau nhiều ngày trăn trở, ông quyết định vay mượn vốn để đầu tư lớn. Với diện tích hơn 1 mẫu, ông quy hoạch thành 2 ao, một ao nuôi thả cá thương phẩm và 1 ao chuyên ương cá giống. Do diện tích ao rộng, ông tập trung vào nuôi ghép các loại cá như trắm, chép, trôi, rô phi... Ngoài ra, ông còn xây dựng hệ thống chuồng trại như: lợn nái, lợn thịt, vịt đẻ... Trên bờ, ông bố trí trồng các loại cây ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch như chuối, cam, ổi... Việc xây dựng hệ thống chuồng trại theo hướng khoa học cũng như mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã giúp trang trại của gia đình ông ngăn chặn được dịch bệnh, tiết kiệm chi phí trong nuôi trồng. Mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 50- 60 triệu đồng từ mô hình kinh tế này.
Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu sử dụng rắn trên thị trường lớn, ông Tuỳ đã dành nhiều thời gian để bắt rắn. Đây là một trong những nghề nguy hiểm, nên ông Tuỳ rất cẩn thận. Không chỉ thiết kế từng loại bẫy, ông còn am hiểu đường đi lối lại, thời gian xuất hiện cũng như khẩu vị của rắn. Hiện tại, ông đang nuôi hơn 80 con rắn. Rắn được ông nuôi chủ yếu là rắn cạp nong, hổ mang và rắn ráo. Ông cho biết, từ năm 2006 đến nay, ông đã xuất bán hơn 100 bộ ra thị trường (mỗi bộ gồm 3 con hoặc 5 con). Với giá bán 450 nghìn/kg rắn ráo, 750 nghìn/kg rắn cạp nong, 1,1 triệu đồng/kg rắn hổ mang… mỗi năm ông cũng thu được 30 - 40 triệu đồng.
Là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã, ông Tùy luôn chủ động nắm bắt và tìm hiểu hoàn cảnh sống của từng hội viên; thường xuyên gặp gỡ, động viên và khuyến khích hội viên vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình; tích cực vận động hội viên và các tổ chức đóng góp xây dựng địa phương... Với tinh thần luôn xung phong ấy, ông Mai Ngọc Tuỳ đã được Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh tặng giấy khen trong học tập và làm theo gương Bác.
NẾT HOÀNG