Một số trường đại học, cao đẳng công lập hiện không có cơ quan chủ quản chính thức. Điều này khiến hoạt động của trường gặp không ít khó khăn.
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ TP Hồ Chí Minh thực hành cắt may
Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp dệt may Hà Nội, Trường Cao đẳng (CĐ) Công nghệ TP Hồ Chí Minh (trước là Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vinatex TP Hồ Chí Minh), Trường CĐ Công nghiệp dệt may Nam Định được Chính phủ tạm giao cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) quản lý từ năm 2015. Từ đó đến nay, các trường này nằm trong tình cảnh lửng lơ, không có cơ quan chủ quản.
Trong khi nhiều trường mong muốn bỏ cơ quan chủ quản thì 3 trường này lại thiết tha mong có cơ quan quản lý chính thức. Vì không có cơ quan chủ quản, nhiều năm qua các trường gặp rất nhiều khó khăn cả về tài chính và cơ chế hoạt động, tham gia các dự án.
Khó chồng khó
Năm 2019, Trường CĐ Công nghiệp dệt may Nam Định nợ hơn 200 giảng viên, nhân viên 11 tháng lương. Mãi đến đầu năm 2020, người lao động mới được thanh toán lương khi trường vay tiền của Vinatex để trả.
Tuy nhiên, tình trạng này tiếp tục kéo dài qua năm 2020. Từ tháng 5 -12.2020, 162 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường tiếp tục bị nợ lương. Trường sau đó được Vinatex tạm ứng để trả 6 tháng lương cho giáo viên, nhân viên.
Theo trường, những năm qua công tác tuyển sinh khó khăn, nguồn thu giảm mạnh. Quan trọng hơn, kể từ khi Vinatex được cổ phần hóa, trường lâm vào cảnh lửng lơ, không có cơ quan chủ quản. Điều này khiến trường không được hỗ trợ kinh phí hoạt động, không được tham gia các dự án.
Tương tự, ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội cho biết trường có cơ sở vật chất cũng như thế mạnh về ngành dệt may nhưng không thể tham gia các dự án nghiên cứu, đào tạo của ngành.
Theo ông Hiệp, theo quy định trường muốn tham gia phải có đơn vị chủ quản là bộ, ngành hay cơ quan được công nhận là dự toán cấp 1. Vinatex không được coi là đơn vị dự toán cấp 1 nên dĩ nhiên trường không thể tham gia được. Đây chỉ là một trong những điểm vướng khi trường không có cơ quan chủ quản chính thức.
"Trường có quyết định tự chủ từ năm 2015, hoạt động rất tốt. Do đó, trường không cần ngân sách hay hỗ trợ tài chính từ cơ quan chủ quản. Trường cần có cơ quan chủ quản để có thể thực hiện, tham gia đầy đủ vai trò, nhiệm vụ cũng như phát huy thế mạnh của trường" - ông Hiệp nói.
Trong khi đó, vì không có cơ quan chủ quản nên nhiều năm qua, Trường CĐ Công nghệ TP Hồ Chí Minh tự chủ mà không có quyết định chính thức nào. Ông Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết trường hoàn toàn tự lo lương và các khoản thu nhập cho người lao động. Vì không có cơ quan chủ quản nên đề án tự chủ của trường cũng không được duyệt.
Hỗ trợ đặt hàng đào tạo 2,8 triệu đồng/sinh viên Theo ông Hồ Ngọc Tiến, đã rất lâu trường không được cấp kinh phí hoạt động từ Vinatex. Từ năm 2015 - 2020, trường có tham gia dự án phát triển nhân lực ngành dệt may của tập đoàn. Đây là hình thức đào tạo theo đặt hàng. Với mỗi sinh viên ngành dệt may được đào tạo, trường được Vinatex hỗ trợ 2,8 triệu đồng/năm. Sinh viên các ngành khác không được hỗ trợ. Theo ông Tiến, đề án này kéo dài đến hết năm 2020. Năm nay, trường sẽ không còn được hỗ trợ phần kinh phí này. |
2 lần bị từ chối tiếp nhận
Trước năm 2015, các trường nói trên trực thuộc Vinatex (Bộ Công thương). Tuy nhiên năm 2015, tập đoàn này cổ phần hóa, các trường này được đề xuất giao về Bộ Công thương nhưng bộ này từ chối tiếp nhận.
Trong lúc chờ sắp xếp, Chính phủ tạm giao Vinatex quản lý các trường này. Trong công văn trả lời Bộ Công thương về phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Vinatex, Chính phủ ý kiến: Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội tiếp tục hoạt động theo cơ chế tự chủ theo Quyết định số 769 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Giao Bộ Công thương chỉ đạo triển khai tái cơ cấu, sắp xếp lại và đẩy mạnh tự chủ đối với Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vinatex TP Hồ Chí Minh và Trường CĐ nghề Kinh tế - kỹ thuật Vinatex (năm 2017 đổi tên thành Trường CĐ Công nghiệp dệt may Nam Định) theo quy định tại Nghị định số 16/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn 2016 - 2020. Khi có đủ điều kiện, Bộ Công thương tiếp tục sắp xếp theo quy định.
Tại hội nghị giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động cuối năm 2019, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex cho rằng: tập đoàn được Chính phủ tạm giao quản lý 3 trường đào tạo, trong đó có Trường CĐ Công nghiệp dệt may Nam Định.
Do công tác tuyển sinh của Trường CĐ Công nghiệp dệt may Nam Định gặp khó khăn, nguồn thu hạn chế, dẫn đến tình trạng hơn 200 cán bộ công nhân viên bị nợ lương. Tập đoàn có khả năng để hỗ trợ cho nhà trường nhưng do chỉ được tạm giao quản lý, vướng về cơ chế khi hỗ trợ nhà trường. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế quản lý chính thức đối với nhà trường.
Nơi tiếp nhận, nơi từ chối Gần đây, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Nam Định về việc tiếp nhận các trường. Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội cho biết Hà Nội đã từ chối tiếp nhận trường. "Tôi không biết vì sao thành phố từ chối. Trường có cơ sở vật chất rất tốt, hoạt động tự chủ hiệu quả, đào tạo chất lượng, chỉ cần cơ quan chủ quản chính thức chứ không cần ngân sách hoạt động. Tỉnh Nam Định cũng đã từ chối tiếp nhận Trường CĐ Công nghiệp dệt may Nam Định". Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh có tham khảo ý kiến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc tiếp nhận Trường CĐ Công nghệ TP Hồ Chí Minh. "Chúng tôi có ý kiến đồng ý tiếp nhận. Sở Nội vụ tham mưu với UBND thành phố để có quyết định nhận hay không" - ông Sự nói. |
Theo Tuổi trẻ