Ông Đoàn Đình Uý (sinh năm 1958) là Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Cường (xã An Đức, Ninh Giang).
Ông Uý thường xuyên ra đồng hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác lúa
Ông Uý là người có công đầu trong việc mở ra dịch vụ khảo nghiệm giống lúa mới cho HTX, mang lại nhiều lợi ích cho xã viên.
Năm 2000, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Cường bắt đầu khảo nghiệm giống lúa đầu tiên, đó là giống Bắc ưu 903 (lúa lai). Việc khảo nghiệm thành công tạo động lực cho HTX tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích khảo nghiệm giống lúa mới ở những vụ tiếp sau. Ông Uý thường xuyên lặn lội đi xa để khảo sát những mô hình mới ở các địa phương khác. Mặt khác, ông tích cực liên hệ với đối tác để cùng làm khảo nghiệm. Khi đối tác đã đồng ý, ông và Ban Quản lý HTX lại bận rộn với việc chọn hộ dân, quy vùng sản xuất, họp bàn, tổ chức tập huấn kỹ thuật. Ông thường xuyên ra đồng, lội ruộng để đánh giá tình hình sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu, bệnh, phát hiện ra các phẩm chất của giống mới. Đến cuối vụ, ông lại bắt tay vào việc phối hợp với đối tác đánh giá kết quả khảo nghiệm để có cơ sở khuyến cáo cho nông dân, nhà quản lý nông nghiệp.
Những năm gần đây, mỗi năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Cường phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan khảo nghiệm 15-18 giống mới. Do làm bài bản, hiệu quả nên HTX đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều cơ quan, đơn vị như: Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty Giống cây trồng tỉnh, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Công ty Giống cây trồng miền Nam, Công ty Giống cây trồng Trung ương... Trong vụ chiêm xuân này, HTX phối hợp khảo nghiệm 12 giống lúa mới, trong đó có 3 giống lúa nhiều triển vọng là NB01, TBR27, NH8. Nông dân khảo nghiệm giống mới thường được trợ giá 50% tiền mua giống, một số đơn vị còn hỗ trợ thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ khảo nghiệm giống lúa mới, HTX còn phối hợp với đơn vị liên quan ứng dụng các kỹ thuật, vật tư nông nghiệp mới trong canh tác như: dùng giàn sạ hàng để gieo thẳng, cấy mạ non, sử dụng một số loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới. Nông dân tham gia khảo nghiệm giống đều được tập huấn về kỹ thuật. Do vậy, trình độ, kinh nghiệm canh tác được nâng cao. Đặc biệt, từ kết quả khảo nghiệm, nông dân xã An Đức tiếp cận với các loại giống mới có nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng, kháng sâu, bệnh, thị trường ưa chuộng. Vụ mùa 2012, HTX phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo nghiệm giống lúa mới RVT. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giống này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 3 ngày, năng suất cao hơn 32% so với giống Bắc thơm 7, chất lượng gạo ngon, tiêu thụ dễ dàng. Nhờ những ưu điểm trên nên tới vụ chiêm xuân này, nông dân địa phương đã mở rộng diện tích gieo cấy RVT đạt khoảng 44 ha, chiếm 28% diện tích gieo cấy của HTX. Hiện nay, giống này bán được giá (khoảng 9.000 đồng/kg thóc), thị trường ưa chuộng. Các giống mới cũng giúp cơ cấu trà lúa, phương thức gieo cấy ở địa phương chuyển biến tích cực theo hướng giảm trà xuân sớm và cấy mạ dược, tăng trà xuân muộn, cấy mạ non hoặc gieo vãi. Từ năm 2010 về trước, xã An Đức vẫn còn nhiều diện tích trà xuân sớm. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, xã An Đức đã không còn trà lúa này, chỉ còn lúa xuân trung, xuân muộn.
Thực tế cho thấy, việc khảo nghiệm cũng có thể xảy ra rủi ro vì nhiều yếu tố khác nhau. Để việc khảo nghiệm có tính an toàn và thành công, trước khi đưa một giống mới để nông dân canh tác, ông Uý và các thành viên Ban Quản lý HTX đều đã tự khảo nghiệm trước tại ruộng lúa nhà mình. Thế nên, nhiều người dân địa phương thường hay gọi đây là những giống lúa “cán bộ”. “Cán bộ” có nghĩa là người cán bộ phải gương mẫu làm trước, rủi ro thì chịu, còn thành công mới có cơ sở để khuyến cáo nông dân. Đấy là một việc làm vì lợi ích của dân, sẵn sàng chịu thiệt thòi về phần mình. Nhưng cẩn trọng đến mấy cũng không ai dám chắc sẽ không có thất bại. Quan trọng hơn là có trách nhiệm nhận thất bại và rút ra những bài học cần thiết. Ông Uý nhớ lại: “Trong vụ chiêm xuân 2006-2007, chúng tôi khảo nghiệm giống lúa TH3-4. Tuy nhiên, HTX đã chỉ đạo gieo cấy sớm nên khi lúa trỗ bông gặp rét, hạt lúa lép, năng suất thấp. Chúng tôi đã nhận khuyết điểm với dân là chỉ đạo chưa sát thực tế và đền bù thiệt hại cho dân”.
Đang trò chuyện với chúng tôi, nhìn bầu trời mưa phùn, ông liền bảo: “Trời ẩm ướt thế này, bệnh đạo ôn sẽ gây hại mạnh. Tôi sẽ sớm thông báo cho nông dân và chuẩn bị thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng kịp thời”.
Ngoài tổ chức thực hiện các mô hình, ông Uý luôn chỉ đạo sát sao sản xuất nông nghiệp để hạn chế rủi ro, giành những vụ mùa thắng lợi. Hiện nay, nhiều nông dân ở một số xã trong huyện Ninh Giang rất thích cấy giống BC15 vì giống này cho năng suất cao, gạo ngon, dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không khuyến cáo canh tác giống này ở vụ chiêm xuân vì dễ nhiễm bệnh đạo ôn. Khuyến cáo là vậy nhưng nông dân vẫn mua giống về để canh tác. Ở xã An Đức, ông Uý đã kiên quyết không nhập giống này về bán để thực hiện đúng chỉ đạo của cơ quan chức năng, đồng thời để ngăn chặn khả năng xảy ra rủi ro cho nông dân.
Những cố gắng không mệt mỏi của ông Uý vì nông dân đã được nhiều cơ quan chức năng ghi nhận. Năm 2009, tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất, ông Uý là đại diện duy nhất ở tỉnh ta được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất lúa sáng tạo toàn quốc”. Trong nhiều năm qua, ông Uý đã được Liên minh HTX tỉnh, UBND huyện Ninh Giang khen thưởng vì thành tích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp và phát triển HTX.
MINH ANH