Chủ động, hiệu quả hơn

14/03/2012 09:05

Do chủ động trong công tác phòng, chống khi có dịch xảy ra nên đã hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi...


Tiêm phòng là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm
Trong ảnh: Tiêm phòng cho lợn ở xã Hồng Quang (Thanh Miện)


Năm 2011, dịch lợn tai xanh xuất hiện tại hộ anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng). Từ đây dịch đã lan ra 6 xã trong huyện. Tuy nhiên, chỉ sau 15 ngày, tỉnh ta đã khống chế được dịch, không phát sinh lợn ốm, chết, số lợn ốm đã được chữa và có dấu hiệu hồi phục tốt. Trong đợt dịch này, Cẩm Giàng là  huyện duy nhất có 111 con bị chết và tiêu hủy.

Năm nay, dịch cúm gia cầm xuất hiện đầu tiên tại hộ ông Nguyễn Văn Oánh, ở thôn Văn Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện), ngày 25-1. Sau khi xét nghiệm dương tính với vi-rút H5N1, toàn bộ đàn vịt đẻ của ông Oánh bị tiêu hủy. Đến ngày 19-2, trên địa bàn tỉnh xuất hiện thêm một ổ dịch tại hộ ông Thiều Văn Đoan ở thôn Tân Thành, xã Tân Phong (Ninh Giang), được phát hiện và xử lý kịp thời. Tổng số gia cầm, thủy cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy của cả tỉnh đến ngày 19-2 hơn 4.000 con, chủ yếu là vịt. Đã 23 ngày trôi qua, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện thêm gia cầm, thủy cầm chết.

Theo ông Phạm Thế Thoại, Chi cục phó Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Tỉnh ta đã chủ động hơn trong việc phòng và dập dịch trên đàn gia súc, gia cầm. Năm 2003, khi dịch cúm gia cầm và 2007 dịch lợn tai xanh xuất hiện, chúng ta còn rất lúng túng. Việc huy động nhân lực vào công tác phòng, chống dịch, thống kê số lượng gia súc, gia cầm, xử lý gia súc, gia cầm ốm, chết còn chậm. Chưa biết cách tiêu độc, khử trùng nên chỉ một thời gian ngắn dịch lây lan trên diện rộng. Chưa đưa ra phác đồ điều trị cho lợn nên những con ốm cũng bị tiêu huỷ. Đến năm 2010, dịch tai xanh vẫn còn lan rộng tại 65 xã, thị trấn của 4 huyện là Bình Giang, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ và Gia Lộc với tổng số 9.890 con bị bệnh, 2.265 con được điều trị khỏi, 7.391 con với tổng trọng lượng 236.908 kg bị tiêu hủy.  

Thời gian qua, tỉnh ta luôn chú trọng kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từ tỉnh đến cơ sở. Vào thời điểm chuyển mùa, các ngành chức năng đều có công văn yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Một năm hai lần, tỉnh thực hiện “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường” trên phạm vi toàn tỉnh, qua đó tăng khả năng tiêu diệt mầm bệnh. Khi có dịch, với mỗi vùng cụ thể tỉnh đề ra những biện pháp riêng. Đối với hộ bị dịch sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ gia súc, gia cầm, phun thuốc tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Những vùng có dịch và vùng nguy cơ cao đều được ưu tiên tiêm phòng vắc-xin. Đợt cúm gia cầm vừa qua, tỉnh ta được cấp 200 nghìn liều vắc-xin cúm gia cầm. Tỉnh đã phát cho huyện Thanh Miện 150 nghìn liều, Bình Giang 50 nghìn liều. Trong đợt dịch lợn tai xanh 2011, tỉnh cũng cấp  5.000 liều cho vùng bị dịch, vùng có nguy cơ cao, ưu tiên đàn lợn nái và lợn đực giống. Tại những vùng có dịch, tỉnh thành lập các chốt kiểm dịch, nhằm ngăn chặn không cho vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào vùng dịch. Tất cả các phương tiện vận chuyển ra, vào vùng dịch đều được phun thuốc sát trùng. Trong thời gian có dịch, các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống, yêu cầu các chủ hộ ký cam kết thực hiện 5 không: không thả rông gia súc, gia cầm; không mua, bán gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch và không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi. Các địa phương tổ chức điều tra nắm số lượng, quy mô đàn, số hộ chăn nuôi, tình hình chăn thả và diễn biến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm, tổng hợp và đưa ra biện pháp quản lý đàn, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Những địa phương chưa xuất hiện dịch cũng thực hiện đồng loạt các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh, phân công cán bộ kỹ thuật giám sát dịch bệnh xuống các thôn, xóm, chú trọng các địa phương có ổ dịch cũ, các chủ hộ chăn nuôi với số lượng lớn. Hạn chế nhập đàn trong thời gian bị dịch, hoặc nếu nhập đàn thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng về cách ly, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại.


Việc phòng và dập dịch nhanh sẽ bảo vệ được đàn gia súc, gia cầm và tạo tâm lý ổn định cho người chăn nuôi
Trong ảnh: Nuôi gà thả đồi tại phường Cộng Hòa (Chí Linh)


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế. Tại một số địa phương, công tác tiêm phòng vẫn chưa được chú trọng nên  khi lợn ốm khó chữa khỏi. Một số người chăn nuôi nhập vật nuôi không rõ nguồn gốc. Chính quyền một số địa phương chưa chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh. Khi dịch xuất hiện chưa chủ động báo cáo, việc huy động nhân lực vẫn còn chậm; kiểm soát gia súc, gia cầm ra, vào vùng dịch còn lỏng lẻo; chưa phân loại được tình trạng dịch bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời.

Dịch bệnh lây lan trên diện rộng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho những hộ bị tiêu hủy mà còn làm giá gia súc, gia cầm giảm, thậm chí không tiêu thụ được. Những hộ nằm sát khu vực có dịch luôn trong tình trạng lo lắng, thấp thỏm. Sau khi có dịch, nhiều hộ không còn vốn để tái đàn. Từ đó dẫn đến số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giảm, ảnh hưởng tới giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung và của từng hộ chăn nuôi nói riêng. Việc thực hiện nhanh, đồng loạt các biện pháp trong dập dịch có ý nghĩa lớn trong việc hạn chế thiệt hại và tạo tâm lý ổn định đối với người chăn nuôi.

Công bố hết dịch cúm gia cầm


Ngày 12 - 3, UBND tỉnh quyết định công bố hết dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã Ngô Quyền (Thanh Miện). UBND tỉnh chỉ đạo huyện Thanh Miện, xã Ngô Quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm phòng, chống dịch; đề phòng tái phát ổ dịch cũ và phát sinh ổ dịch mới.

Dịch cúm gia cầm xuất hiện tại xã Ngô Quyền ngày 8-2, làm gần 4.000 con gia cầm, thủy cầm mắc bệnh bị chết hoặc tiêu hủy. Xã đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm: tiêu hủy toàn bộ gia cầm bị ốm, chết; lập chốt kiểm dịch; tổ chức phun tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn xã. Từ ngày 18-2 đến nay, trên địa bàn xã không phát sinh thêm gia cầm, thủy cầm ốm, chết.

HOÀNG MINH



THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động, hiệu quả hơn