Chủ động bảo vệ sức khỏe, ứng phó với nắng nóng

16/05/2019 16:52

Miền Bắc hiện đang bước vào một đợt nắng nóng mới với mức nhiệt có thể lên đến 39, 40 độ C.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa hè năm nay sẽ gay gắt và khắc nghiệt hơn nhiều năm. Nắng nóng gay gắt, kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em và người cao tuổi. Các cơ quan chức năng đã có những khuyến cáo để người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, ứng phó với nắng nóng.

Nắng nóng gay gắt ngay từ đầu mùa hè

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng (Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia), do tác động của El Nino, nền nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè năm nay có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ khoảng 0,5-1 độ C, trong các đợt nắng nóng cũng nhiều khả năng đạt mức cao, có thể lên tới 39-42 độ C.

Ngay từ những ngày đầu tháng 4 vừa qua, khu vực các tỉnh tây bắc Bắc Bộ, vùng núi và ven biển Trung Bộ ghi nhận đã có nắng nóng 38-39 độ C. Nhiều khu vực đã ghi nhận có nắng nóng trên 40 độ C như: khu vực Sơn La 40-42 độ C; khu vực Mường Lay (Điện Biên) 40 độ C... Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn, nền nhiệt trên các khu vực trong tháng 4 đều cao hơn so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là ở Trung bộ.

Dự báo, các đợt nắng nóng có khả năng tập trung nhiều trong tháng 4 và 5 ở phía tây Bắc Bộ, từ tháng 5-6 ở phía đông Bắc Bộ, từ tháng 5-8 tại khu vực bắc và trung Trung Bộ.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn, trong những đợt nắng nóng sắp tới thì nền nhiệt cao lịch sử ở một số nơi nhất là khu vực Tây Bắc và các huyện vùng núi phía Tây miền Trung có khả năng cao sẽ lặp lại. Các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và các huyện miền núi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị vẫn có khả năng tiếp tục ghi nhận nắng nóng lên mức kỷ lục.

Cảnh báo gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan

Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm nền nhiệt toàn cầu tăng lên khiến những đợt không khí lạnh ít đi. Vì vậy, mùa đông diễn ra ngắn, những đợt không khí lạnh không quá mạnh; còn mùa hè kéo dài hơn và cũng nắng nóng hơn. 

Sự ấm lên toàn cầu cũng là nguyên nhân cho các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, siêu bão, mất cân bằng sinh thái… Chuyên gia khí tượng thế giới đã nhận định rằng bão và siêu bão sẽ xuất hiện nhiều bất thường và khó đoán hơn. Sóng nhiệt không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại về kinh tế với các hiểm họa như hạn hán, cháy rừng...

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, từ năm 2015 tới 2018 là 4 năm nóng nhất được ghi nhận. Đây là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu dài hạn trên toàn cầu đang tiếp tục diễn ra và ngày càng phức tạp. 

Các Trung tâm dự báo hàng đầu trên thế giới đều đưa ra nhận định rằng năm 2019 sẽ nắng nóng kỷ lục, thậm chí nóng nhất trong lịch sử quan trắc của cả nhân loại, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C. Đồng thời, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra. Đặc biệt, các nhà khí hậu cũng dự báo, nóng kỷ lục nhất sẽ diễn ra ở Vương quốc Anh, với nhiệt độ trung bình của năm 2019 tăng 0,96 độ C; Australia cũng được dự báo sẽ đón mùa hè năm 2019 trong nắng nóng kỷ lục.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Ba Lan vừa qua, các nhà khí tượng đã khẳng định xu thế nóng lên của Trái đất và kêu gọi các nước cùng nhau bảo vệ bầu khí quyển. Mọi nước đều phải tham gia Bộ Quy tắc ứng xử giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, giữ nhiệt độ trung bình của Trái đất không tăng quá 2 độ C đến năm 2050.

Chủ động bảo vệ sức khỏe, ứng phó với nắng nóng

- Để bảo vệ sức khỏe, tránh bị mất nước

Nên uống nước nhiều hơn 2-3 lần so với ngày thường; Ăn những loại thực phẩm chứa nhiều nước như cà chua, rau diếp, củ cải, dưa chuột, nho, các loại quả mọng... để ngăn sự mất nước; mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, thấm mồ hôi.  Các trang phục sáng màu sẽ hấp thụ nhiệt ít hơn các trang phục tối màu. 

Khi ra đường nên mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang, đeo kính và sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời.         

Hạn chế ra ngoài vào lúc nắng nóng cao điểm (từ 10h-16h). Nếu ở ngoài nắng nóng về cần dừng lại 5-10 phút ở bóng râm cho ngừng tiết mồ hôi rồi mới bước vào phòng có điều hòa để tránh bị sốc nhiệt.

- Cách giúp nhà mát mẻ hơn trong những ngày nắng nóng

Bên cạnh sử dụng điều hòa, còn có những cách khác để làm nhà cửa mát mẻ hơn trong những ngày nắng nóng, như: 

Luôn kéo rèm cửa; có thể sử dụng phim cách nhiệt trên cửa sổ, thêm các lớp cách nhiệt bên dưới mái tôn, sơn cách nhiệt …

Mở cửa đúng thời điểm và mở các cánh cửa đối diện nhau vào buổi tối, giúp lấy gió mát tự nhiên, làm giảm cảm giác oi bức; Sử dụng quạt trần, quạt điều hòa, quạt phun sương hay đơn giản chỉ là đặt một bát đá lạnh đặt trước quạt cũng sẽ giúp giảm nhiệt trong phòng.

Để làm mát giường ngủ có thể không dùng đệm hay sử dụng đệm lò xo, đệm làm từ xơ sợi tự nhiên, ga trải giường bằng vải cotton giúp thấm mồ hôi tốt hơn và làm mát da.

Có thể đặt thêm những chậu cây xanh trong nhà; một giàn cây dây leo ngoài ban công cũng có tác dụng lớn giúp làm giảm nhiệt độ bên trong ngôi nhà.

Lên lịch nấu nướng, dọn dẹp khoa học tránh bật bếp nấu nướng quá nhiều... 


Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động bảo vệ sức khỏe, ứng phó với nắng nóng