Nhiều doanh nghiệp đang có biểu hiện né tránh quy định bắt buộc tại Nghị định 60 của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc...
Công ty TNHH Michigan Hải Dương phối hợp với cơ quan bảo hiểm tổ chức đối thoại về chế độ bảo hiểm cho người lao động
Sợ thiệt
Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành cách đây hơn 4 năm. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, trong những năm qua, số các doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ (ĐTĐK) tại nơi làm việc chỉ đạt khoảng 50%. Chất lượng các cuộc ĐTĐK cũng không mấy khả quan vì nhiều doanh nghiệp tổ chức chỉ mang tính hình thức. Cụ thể, việc tổ chức ĐTĐK chưa bảo đảm về số lần (quy định 3 tháng/lần), chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định, nội dung đối thoại còn sơ sài, thiếu sự chủ động trao đổi, đối thoại từ phía người lao động (NLĐ). Việc ĐTĐK cũng chỉ được tổ chức tại các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở. Còn lại, theo nhận định của cơ quan chức năng việc tổ chức ĐTĐK ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất hiếm.
Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: “Do lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ giá trị của việc đối thoại nên không tổ chức định kỳ, sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất. Một số nội dung quan trọng như xây dựng định mức lao động, thang bảng lương… không đưa vào đối thoại. Bên cạnh đó có nhiều cuộc đối thoại chất lượng kém vì NLĐ ngại đề xuất ý kiến. Cán bộ công đoàn cơ sở hưởng lương của người sử dụng lao động nên chỉ tổ chức mang tính hình thức”.
Như vậy, nguyên nhân số lượng và chất lượng ĐTĐK còn hạn chế đến từ 2 phía, cả từ người sử dụng lao động và NLĐ. Nhưng theo phân tích thì chủ yếu vẫn thuộc về người sử dụng lao động. Theo nhận định của bà Nhung, đa phần chủ doanh nghiệp cho rằng ĐTĐK là cơ hội để NLĐ đòi hỏi các chế độ, nhất là những chế độ cao hơn luật mà một số doanh nghiệp lân cận đang áp dụng. Do ĐTĐK có sự tham gia của 3 bên: NLĐ, tổ chức đại diện NLĐ (công đoàn) và chủ sử dụng lao động nên nhiều ý kiến của NLĐ sau khi bàn bạc sẽ được chấp nhận, vì thế chủ doanh nghiệp cho rằng mình bị thiệt.
Cách đây chưa lâu, đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã làm việc tại tỉnh ta về quan hệ lao động. Sau khi xem xét tình hình, đoàn đã đưa ra kết luận, quan hệ lao động ở Hải Dương vẫn còn nhiều phức tạp. Điều này thể hiện rõ nhất là tỷ lệ các cuộc đình công vẫn ở tốp cao trong cả nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến đình công chính là do doanh nghiệp không tổ chức ĐTĐK hoặc có tổ chức nhưng không kịp thời, hiệu quả.
Giải pháp hài hòa quan hệ lao động
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, qua thanh tra việc thực thi pháp luật lao động tại 30doanh nghiệp có đông công nhân lao động, sở đã nêu 575 kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Toàn tỉnh cũng xảy ra 9 vụ ngừng việc tập thể, với sự tham gia của hơn 8.000 lao động. Điều này cho thấy còn nhiều vi phạm trong quan hệ lao động do NLĐ và người sử dụng lao động không làm tốt chức năng đối thoại, tìm cách tháo gỡ, giải quyết.
Những vướng mắc, vi phạm này có thể được giải quyết nếu doanh nghiệp thực hiện tốt ĐTĐK. Thời gian qua, ở Hải Dương một số Công ty TNHH như: Kefico Việt Nam, Laurelton Diamonds Việt Nam, Điện tử Iden… đã tổ chức tốt việc đối thoại tại nơi làm việc. Có doanh nghiệp còn tổ chức đối thoại 1lần/tháng. Đối thoại đã được coi là một trong những yếu tố làm hài hòa quan hệ sản xuất, giúp các công ty trên ổn định về nhân lực, NLĐ có thu nhập cao so với mặt bằng chung…
NGỌC THANH
Điều 11 Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định pháp luật; không bố trí địa điểm và bảo đảm các điều kiện vật chất khác cho việc đối thoại tại nơi làm việc; phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không tiến hành đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng một lần. |