Chống suy dinh dưỡng cho trẻ em

03/11/2011 07:36

Những năm qua với sự nỗ lực của ngành y tế, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em đã có những cải thiện đáng kể.



Theo dõi cân nặng cho trẻ tại Trạm Y tế xã Thái Thịnh (Kinh Môn)


Tỉnh ta hiện có khoảng 129 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi. Những năm qua với sự nỗ lực của ngành y tế và sự quan tâm của các cấp chính quyền và đoàn thể, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em đã có những cải thiện đáng kể.

Theo số liệu của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, tỷ lệ trẻ em  dưới 5 tuổi SDD luôn ở mức thấp so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Cụ thể, năm 2005, tỷ lệ trẻ SDD cân nặng của trẻ là 24,7% (toàn quốc là 25,2%); tỷ lệ SDD cân nặng theo chiều cao toàn quốc là 29,6%, tại Hải Dương là 26,9%. Năm 2011 tỷ lệ trẻ SDD cân nặng là 16,6%, (toàn quốc là 17,5 %); tỷ lệ SDD chiều cao là 26,6% (toàn quốc là 29,3%). Hiện nay, mỗi năm tỷ lệ trẻ SDD trên địa bàn tỉnh giảm trên 1%.

Tuy nhiên, tỷ lệ SDD vẫn ở mức rất cao so với quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Tỷ lệ trẻ em SDD có sự khác biệt giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ SDD cân nặng theo tuổi thấp nhất là ở TP Hải Dương (14,3%); cao nhất là ở Thanh Hà (18,3%). Nhóm tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là  từ 6-24 tháng tuổi (nhóm tuổi bắt đầu chuyển từ chế độ bú sữa mẹ sang chế độ ăn sam, nếu chế độ ăn sam không đúng sẽ tác động lớn đến tình trạng dinh dưỡng ở nhóm tuổi này). Các nguyên nhân của SDD trực tiếp là ăn uống, bệnh tật, các yếu tố về chăm sóc và nguyên nhân gốc rễ là sự nghèo đói. Mặt khác, trình độ, nhận thức về vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ còn nhiều hạn chế, có sự chênh lệch rõ nét giữa vùng nông thôn và thành thị.

Để phấn đấu đạt chỉ tiêu số trẻ bị SDD dưới 5 tuổi trong tỉnh dưới 15% đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ. Sở Y tế huy động sự tham gia của mạng lưới y tế địa phương và sự phối hợp của các ban, ngành trong các hoạt động dinh dưỡng. Cơ cấu lại mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng dựa trên hệ thống y tế thôn, đội. Lấy y tế thôn, đội làm nòng cốt trong việc tập huấn chuyên môn và lồng ghép hoạt động phòng, chống SDD trẻ em với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia của ngành y tế. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác truyền thông về dinh dưỡng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Triển khai đúng thời gian, đủ đối tượng các thông điệp truyền thông phù hợp. Sử dụng biểu đồ tăng trưởng như một công cụ để theo dõi phát triển, diễn biến sức khỏe của trẻ em, đồng thời là  công cụ để đưa các thông tin giáo dục truyền thông dinh dưỡng đến hộ gia đình. Phấn đấu mỗi trẻ em đều có biểu đồ tăng trưởng do hộ gia đình theo dõi. Tăng cường công tác tuyên truyền về chăm sóc dinh dưỡng cho các bà mẹ có con nhỏ. Duy trì hoạt động sản xuất sữa đậu nành tại các trường mầm non, các gia đình đóng góp kinh phí để các cháu được uống sữa đậu nành thường xuyên...

Vì sự phát triển bền vững giống nòi, vấn đề phòng, chống SDD là khâu thiết yếu và rất cần có sự quan tâm đặc biệt, đầu tư hợp lý của các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng.

NGUYỄN ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống suy dinh dưỡng cho trẻ em