Báo Nhân dân số 170 (từ ngày 6 đến 10-3-1954) đã đăng bài “Chống nạn giấy tờ” của Bác Hồ (bút danh C.B), đả phá mạnh mẽ lối làm việc quan liêu, giấy tờ.
Bác coi đây là một “nạn” cần chống tại các cơ quan công quyền của Nhà nước để nhân dân bớt bị phiền hà, nhũng nhiễu; đất nước phát triển, tiến bộ.
Trong bài báo này, Bác đã phê bình rất thẳng thắn nạn giấy tờ, tình trạng làm việc luộm thuộm, thiếu tính khoa học ở nhiều cơ quan nhà nước. Theo Bác, từ các Bộ ở Trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều. Như Bộ Nội vụ: một bản thông tư (về biên chế) dài 26 trang; một biên bản (về hội nghị củng cố xã) dài hơn 100 trang... Bộ Tài chính, riêng Vụ Ngân sách, một tháng đòi hỏi hơn 10 báo cáo, có báo cáo dài hơn 10 trang; bản thống kê dài 53 cột.
Thời điểm bấy giờ, Bộ Canh nông là một bộ có quan hệ nhiều nhất với nông dân, cho nên Bác nêu nhiều thí dụ hơn: giấy tờ quá nhiều, quá dài. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm 1953) kèm thêm tài liệu phụ lục, dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột. Quá chậm trễ, chỉ thị của Bộ Canh nông về việc giữ gìn cho trâu bò khỏi rét: mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Rồi không đúng nguyên tắc, cách làm luộm thuộm, kém giữ bí mật.
Nguyên nhân của bệnh giấy tờ, theo Bác: Vì không sát thực tế, không gần gũi quần chúng. Cán bộ chỉ lo viết cho nhiều chỉ thị, thông tư... Nhưng không lo việc làm phải ăn khớp với lời nói, chỉ thị phải có thể thực hành. Cán bộ nhầm tưởng rằng cứ gửi nhiều thông tư, chỉ thị là xong việc, mà không theo dõi, đôn đốc giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế.
Bác nêu cách chống nạn giấy tờ: Mỗi cán bộ cần phải thiết thực phụ trách công tác thực tế, mọi việc phải làm cho có kết quả thiết thực. Phải gần gũi quần chúng, học tập quần chúng, để hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng, phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế. Phải mở rộng dân chủ, thực hiện thật thà tự phê bình và phê bình từ trên xuống, từ dưới lên, nhất là từ dưới lên. Người lưu ý, “nhân dân rất mong các Bộ thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ và đôn đốc cấp dưới cũng thi đua như vậy. Đó là một cách để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”.
Bài viết của Bác cách đây gần 60 năm nhưng tinh thần của bài báo vẫn nóng hổi. Bệnh hành chính với những loại giấy tờ rườm rà, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau đã và đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, gây phiền hà, bức xúc trong nhân dân. Việc sửa đổi lề lối làm việc, chống nạn giấy tờ, cải cách hành chính đang được toàn xã hội quan tâm.
HẠO NHIÊN(biên soạn)