Bạo hành phụ nữ là một hiện tượng xã hội mang tính toàn cầu. Vì thế đã có chiến dịch toàn cầu chống bạo hành phụ nữ.
Thế giới cũng đã lấy ngày 25 - 11 hằng năm làm Ngày quốc tế vì một thế giới không có bạo lực với phụ nữ.
Mọi người đều hiểu rằng bạo hành phụ nữ là hành động đánh đập, tra khảo, ép buộc, đày đọa phụ nữ bằng vũ lực, lời nói hoặc tâm lý để ép buộc họ phải quy thuận theo những yêu cầu nào đó. Nói đến bạo hành phụ nữ là nói đến gia đình, đến quan hệ vợ chồng là cơ bản. Trong gia đình, người vợ thường ở thế yếu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì vậy, họ thường bị người chồng bạo hành, mà hậu quả việc bạo hành thì khôn lường: từ việc người phụ nữ luôn đau khổ, buồn rầu, héo hắt, ăn không ngon ngủ không yên cho đến thân thể bị bầm dập, danh dự bị bôi nhọ. Khủng khiếp hơn nữa là bị tra tấn kéo dài hoặc bị giết chết từ chính bàn tay người chồng mà họ từng đầu gối tay ấp.
Nguyên nhân dẫn đến bạo hành phụ nữ có cả ở phía người vợ và người chồng. Có người vợ ngoại tình. Có người lười làm, chăm ăn diện, lại thích chơi bời đàn đúm. Có người ăn nói lếu láo, cư xử vô lễ hoặc cờ bạc... Tuy vậy, đa số nguyên nhân thuộc về người chồng. Đó là những người đàn ông tính khí cục cằn, thô lỗ, bậy bạ, gia trưởng, chuyên quyền độc đoán hoặc cờ bạc, rượu chè, chơi bời dẫn đến nợ nần, bế tắc; hoặc do ức chế trong việc làm ăn, trong quan hệ với bạn bè; có người muốn bỏ vợ để lấy người khác... Song chung quy lại tất cả đều từ nhận thức tư tưởng sai lầm mà bạo hành chỉ là hành động thể hiện tư tưởng mà thôi. Khi chồng bạo hành vợ thì tất yếu hạnh phúc bị rạn nứt, gia đình bất an, thậm chí tan vỡ; con cái bị tổn thương về tâm hồn không thể lấy lại được.
Hành động bạo lực với phụ nữ bị cả loài người lên án. ở nước ta, việc ngăn chặn bạo hành phụ nữ được Đảng, Nhà nước và các đoàn thể luôn quan tâm. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Các cơ quan thực thi luật pháp như công an, tòa án sẵn sàng vào cuộc. Các đoàn thể nhất là Hội Phụ nữ các cấp luôn coi trọng việc giáo dục các "đức ông chồng" vũ phu, bảo vệ phụ nữ, ngăn chặn bạo hành. Có nơi học tập nước ngoài làm những "nhà tạm lánh" để bảo vệ những phụ nữ đang bị bạo hành ở mức độ cao, có nguy cơ tàn phế hay tử vong. Những việc làm nói trên đã mang lại không ít tác dụng trong việc ngăn chặn bạo hành phụ nữ. Tuy vậy, hiện tượng phụ nữ bị bạo hành vẫn còn khá nhiều và ở mức độ tàn bạo. Điều này đọc trên các báo viết, báo điện tử sẽ thấy quá rõ. Vậy tại sao? Chính những người vợ bị bạo hành quá sợ chồng nên không dám tố giác, hoặc do "sĩ diện" sợ "xấu chàng hổ ai" mà đành cam chịu. Cơ quan đoàn thể ở địa phương vừa né tránh sự việc, sợ liên lụy đến mình hoặc quá máy móc ngồi chờ có đơn tố giác mới vào cuộc, mà quên mất "giữa đường thấy sự bất bằng mà tha". Các làng xóm, khu phố, khu dân cư chưa dấy lên được phong trào toàn dân chống bạo hành phụ nữ, cũng như pháp luật của ta chưa ra tay mạnh mẽ, đủ sức răn đe, ngăn chặn. Có thể nói gọn lại là việc chống bạo hành phụ nữ chúng ta làm chung chung, chiếu lệ, chưa có những biện pháp hữu hiệu.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, xin nhấn mạnh ba biện pháp nhằm loại trừ hành động bạo hành phụ nữ: Đó là:
Làm dấy lên phong trào toàn dân chống bạo hành, bảo vệ phụ nữ. Việc chống bạo hành phải đi đôi với việc bảo vệ phụ nữ mới có kết quả. Phong trào này phải mạnh mẽ, duy trì liên tục, phải thấm vào từng thôn, xóm, từng gia đình, từng cá nhân ở mọi lứa tuổi, phải thành tiếng nói lương tri, tiếng nói nhân đạo, để lên án, ngăn chặn những kẻ có tư tưởng bạo hành. Thực thi phong trào này có nhiều biện pháp như giáo dục, tuyên truyền, vận động, trấn áp... Có người bảo làm gì phải to chuyện thế. Tôi lại nghĩ khác: Trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị bạo hành. ở Việt Nam theo cách tính toán của quốc tế mà kênh VTV1 đã đưa tin lúc 6 giờ sáng ngày 18-2-2014, tôi ước tính có tới chục triệu phụ nữ bị bạo hành. Chuyện đó sao gọi là nhỏ?
Ngăn chặn từ xa việc bạo hành phụ nữ. Các nguyên nhân dẫn đến bạo hành phụ nữ có nguyên nhân trực tiếp, có nguyên nhân gián tiếp, có chủ quan, có khách quan... Nếu biết ngăn ngừa từ xa, ắt sẽ không thành bạo hành. Chẳng hạn một anh chồng cứ rượu say là tìm cách hành hung vợ. Nếu biết làm cho anh ta uống ít đi, không say thì hẳn sẽ không có bạo hành. Biện pháp này do xã hội giúp đỡ cũng có nhưng chủ yếu là ở gia đình. Từ bố mẹ chồng, anh em, đến con cháu cùng biết tìm ra nguyên nhân để ngăn chặn từ xa, chắc sẽ có kết quả tốt hơn.
Ai cũng biết đàn ông trong gia đình thường là người bạo hành vợ vì họ khỏe hơn lại mang tư tưởng "quyền làm chồng" nên họ dễ dàng "thượng cẳng chân hạ cẳng tay". Nhưng họ với họ thì lại bình đẳng, dễ nói chuyện hơn. Đa số người chồng là những người đàn ông tử tế, biết vì vợ vì con, biết tôn trọng phụ nữ. Nếu trên thế giới 1/3 số phụ nữ (làm vợ) bị bạo hành thì cũng có nghĩa là 1/3 số người chồng là kẻ bạo hành. Vậy người đàn ông tốt vẫn chiếm đa số. Lại có những người chồng, với bên ngoài thì rất "đầu gấu" nhưng lại rất hiền với vợ, thậm chí bị vợ mắng vẫn chịu. Vậy thì tại sao trong các thôn xóm, khu dân cư... lại không tập hợp, tổ chức cánh đàn ông thành câu lạc bộ không có bạo hành phụ nữ. Nếu câu lạc bộ này ra đời, trong các cuộc sinh hoạt, họ nói với nhau dễ hơn, áp lực tập thể với anh nào còn có tính bạo hành phụ nữ chắc chắn có tác dụng tốt. Thậm chí họ có thể ký cam kết với nhau thực hiện quy ước không bạo hành một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, dễ cảm thông. Đồng thời, chính họ nhắc nhở nhau, ngăn chặn từ xa nạn bạo hành của những người chồng nóng nảy cục cằn.