Chọn thực phẩm lành cho ngày Tết

17/01/2017 17:08

Đang vào cao điểm mua sắm cho dịp Tết, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân nên chú ý lựa chọn thực phẩm ăn Tết để khỏe mạnh trong những ngày sau Tết.

Chọn thực phẩm lành cho ngày tết

Bên cạnh các thực phẩm truyền thống, trong mâm cỗ ngày Tết nên thêm rau xanh
để đủ chất dinh dưỡng - Ảnh: Châu Anh

Theo TS Phạm Thị Thúy Hòa, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, món Tết truyền thống của Việt Nam đã bảo đảm bốn nhóm thực phẩm là đạm, đường, tinh bột và chất béo, đồng thời đủ chất về số lượng và chất lượng, như chỉ cần ăn miếng bánh chưng đã đủ về nhu cầu năng lượng.

Ăn gì ngày Tết là lành?

Tuy nhiên TS Hòa cho rằng nếu ăn nhiều bánh chưng, canh măng như truyền thống, vốn rất nhiều tinh bột, có chất béo, có chất xơ nhưng vẫn thiếu chất, cụ thể là thiếu rau xanh và vitamin, khoáng chất.

“Bên cạnh các thực phẩm truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết, chúng tôi khuyến cáo các gia đình nên thêm rau xanh, nhất là các món như súp lơ, đặc biệt là súp lơ xanh giàu kẽm giúp ngăn chặn nguy cơ bị tiêu chảy sau những bữa cỗ ngày Tết có phần quá giàu dinh dưỡng, đôi khi bị lạnh và có lo ngại về vệ sinh thực phẩm hơn so với ngày thường”, bà Hòa khuyến cáo.

TS Hòa cũng giới thiệu thêm một số loại thực phẩm tốt cho ngày Tết, như đậu Hà Lan có tính “bình”, giúp môi trường cơ thể không quá bị thay đổi và nuôi dưỡng vi khuẩn có ích.

Cà rốt giúp món ăn giàu màu sắc và có hàm lượng carotene cao, cung cấp vitamin A giúp tăng sức đề kháng và có vai trò như một chiếc chổi quét những thực phẩm lưu cữu trong ruột, chống lại táo bón. Món măng cũng có tác dụng này, nhưng nếu măng già thì có thể bị quấn thành búi, có thể gây tắc ruột.

Bà Hòa cũng cho rằng không nên kiêng kỵ những món ăn có dầu mỡ một cách quá đáng, do dầu mỡ giúp hòa tan các vitamin A, D, E có trong thực phẩm, do đó các món xào cũng được khuyên dùng.

Với món kho, bà Hòa cho rằng cá kho là món ăn rất tốt trong ngày Tết, do cá có thành phần dinh dưỡng rất có lợi cho sức khỏe, các phụ gia chế biến món cá gồm gừng và riềng giúp làm ấm cơ thể.

Tết cũng không bỏ 
bữa sáng

Theo TS Hòa, những gia đình đang giữ nếp sinh hoạt truyền thống thường bỏ bữa sáng, ăn bữa gần trưa kèm luôn bữa trưa trong những ngày Tết, và “kẹp” giữa các bữa ăn là bánh kẹo và các món ăn vặt.

TS Hòa khuyên nên ăn thật ít đồ ngọt, các loại hạt thì ngược lại, được khuyên dùng. “Hạt cung cấp vitamin, chất xơ, có thể ăn các loại hạt có vai trò như bữa ăn phụ. Quả táo, múi bưởi cũng được khuyến khích”- bà Hòa cho biết.

Theo bà Cao Thị Hậu, nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông Viện Dinh dưỡng quốc gia, ngày Tết nhiều người thường ăn không ra bữa, ăn nhiều đồ ăn vặt, bữa ăn nhiều món hơn nhưng lại được nghỉ làm, nghỉ học nên dễ tăng cân.

“Muốn kiểm soát cân nặng thì phải kiểm soát calo ăn vào và lượng năng lượng tiêu hao, không nên bỏ bữa sáng, ăn nhiều rau xanh, trái cây”- bà Hậu cho biết.

Bà Hậu cũng cho rằng bên cạnh dinh dưỡng hợp lý cần chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngày Tết các gia đình có xu hướng tích trữ nhiều thực phẩm, gia đình nào cũng đầy chặt đồ ăn trong tủ lạnh.

“Sau khi chế biến, không để thức ăn quá 2 giờ ở ngoài nhiệt độ thông thường. Sau khi lấy thực phẩm từ tủ lạnh ra phải đun sôi kỹ lại mới dùng vì tủ lạnh chỉ giúp ngăn chặn quá trình biến chất của thực phẩm chứ không phải là giữ được hoàn toàn như món mới nấu”- bà Hậu cho biết.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn thực phẩm lành cho ngày Tết