Nếu mạ trên nền đất cứng có từ 4 lá trở lên được coi là mạ già (mạ quá lứa).
Cây mạ này nếu vẫn giữ trên sân thường bị chết dần vì dinh dưỡng trong hạt gạo nuôi cây đã hết. Nếu được bón phân tưới nước đầy đủ thì mạ dù có sống cũng không nên để cấy xuống ruộng. Vì nếu cấy mạ lúc này thì cũng giống như cấy mạ dược bị già ống, năng suất lúa sẽ không cao, thậm chí lúa bị vàng lá, nghẹt rễ rồi chết dần.
Để khắc phục hiện tượng mạ nền cứng quá lứa, nông dân cần giảm lượng nước tưới, phân bón nhằm kìm hãm mạ ra thêm lá mới. Không nên quây úm, che chắn nilon (trừ những ngày giá rét).
Thời tiết đầu vụ xuân thường hay gây bất lợi cho lúa xuân sau gieo cấy, nhất là các diện tích gieo thẳng lúc cây mạ còn non. Để giảm thiểu lượng mạ non bị chết do rét, nông dân cần chú ý thực hiện tốt một số việc sau:
- Đưa nước vào ruộng khi mạ đã có 1 lá thật trở lên để giữ ấm chân mạ; sử dụng tro bếp hoặc các chế phẩm có tác dụng chống rét cho mạ để phun hoặc rắc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
* Lưu ý: Tuyệt đối không nên sử dụng các chế phẩm có chứa các chất kích thích sinh trưởng như GA3, NAA… để phun cho mạ. Các chế phẩm này sẽ kéo dài thân, lá làm mạ nhanh dài nhưng lại làm mỏng, mềm thân lá, thậm chí cây mạ giống như lúa non ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của lúa.
- Duy trì liên tục mực nước thích hợp trong ruộng lúa gieo (kể từ khi mạ có 2 lá) để lúa chống rét và sinh trưởng tốt hơn.
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)