Hơn 2.000 học sinh tỉnh Quảng Trị đã về Trường THPT Lê Lợi dự chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Nhiều học sinh đã ''hỏi xoáy'', đề nghị các thầy cô trong ban tư vấn ''đáp xoay''.
Mai Thanh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Lợi, đặt câu hỏi cho các thành viên ban tư vấn
Lưu ý thời gian điều chỉnh nguyện vọng
Sáng 27.3, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại tỉnh Quảng Trị đã diễn ra ở Trường THPT Lê Lợi. Chương trình đã thu hút hơn 2.000 trong tổng số hơn 8.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh tới tham dự.
Phát biểu tại chương trình, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Trị, cho rằng đây là thời khắc hết sức quan trọng của các em học sinh. Khi báo Tuổi Trẻ kết nối, tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh, các thầy cô mong muốn nghe những câu hỏi thiết thực để mang những thông tin hữu ích giúp các em lựa chọn.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, đã lưu ý một số nội dung về phương thức xét tuyển.
Nhiều trường tuyển thẳng dựa vào kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thứ hai là các trường dựa vào kết quả học bạ. Với việc tuyển bằng kết quả học bạ, học sinh cần lưu ý một số trường chỉ áp dụng với các học sinh trường chuyên, học sinh học trường nằm trong top 200…
"Không phải học sinh trường nào cũng được xét tuyển hình thức học bạ. Do vậy các bạn gởi hồ sơ vào các trường thành viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phải lưu ý và đọc kỹ thông tin trên trang điện tử của từng trường", thầy Hùng lưu ý.
Hầu hết các trường đều xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Với các phương thức xét tuyển này, thầy Hùng khuyên học sinh nên có phương án chọn lựa phù hợp và có ưu thế, phải lưu ý mốc thời gian tuyển sinh với từng phương án.
Một học sinh Trường THPT Lê Lợi phân vân về việc đào tạo ngành luật tại các tỉnh thành Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh. "Làm sao để có sự lựa chọn cho phù hợp?" - học sinh này hỏi. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hướng, cán bộ tuyển sinh phòng đào tạo Trường Đại học Luật (Đại học Huế) - cho biết các trường đều có những thế mạnh riêng để thu hút học sinh.
Có 3 trường luật ở Huế, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ngoài ra còn có một số trường đại học có khoa luật. Để có sự lựa chọn phù hợp, trước tiên cần căn cứ vào năng lực bản thân, sức học có thể đạt được những điểm chuẩn đầu vào của trường nào, tiếp đến là môi trường học tập và môi trường sống mà học sinh mong muốn thích nghi.
"Bạn thích trường nhưng không thích hợp môi trường sống thì cũng "căng", rồi mức sống tại nơi bạn theo học… Về chất lượng đào tạo, hiện nay các trường đều gần như nhau. Một điểm thu hút học sinh nữa là các chính sách học bổng, cơ hội việc làm của từng trường", thầy Hướng nói.
Nên chọn đúng nghề - sống đúng đam mê
Một học sinh Trường THPT Chế Lan Viên cho biết mình thích ngành báo chí và dự định đăng ký vào một trường đại học có chuyên ngành này. Tuy nhiên, học sinh này lo ngại có thể rớt. Liệu khi không đậu đại học ngành báo chí thì nên học cao đẳng báo chí hay chọn đại học nhưng khác ngành?
TS Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban đào tạo và công tác sinh viên Đại học Huế cho rằng đừng vì rớt đại học ngành báo chí mà chuyển ngành mà mình không đam mê. Đã đam mê thì phải đeo đuổi đến cùng. Đừng quá quan tâm đại học, cao đẳng hay trung cấp, mà phải chọn đúng ngành nghề mình yêu thích.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, người tham gia tư vấn tuyển sinh gần 20 năm qua, cho biết ông đã gặp rất nhiều trường hợp như học sinh trên.
Theo thầy, học sinh cần phải biết mình thích ngành gì, không nên chọn ngành theo ý thích gia đình, theo đám đông.
"Các bạn phải xem mình yêu thích cái nào. Đã không chọn được ngành học phù hợp, yêu thích, hậu quả sẽ đáng tiếc là các bạn không theo đuổi đến cùng, từ đó gây lãng phí xã hội", thầy Hùng nói.
Theo Tuổi trẻ