Minh họa Văn Hà
- Con mời bố ăn cơm.
- Cảm ơn con. Con ăn đi.
Trả lời con mà Thụy thấy ngán ngẩm. Hắn và Huệ, vợ hắn mới “chiến tranh lạnh” trở lại. Bữa cơm gia đình thực sự là một cực hình khi phải đối mặt nhau qua mâm cơm. Rồi sẽ như bao lần, như một lối mòn đã lún sâu theo thời gian, lại phải gây cuộc ái ân để làm lành. Được vài hôm lại gây cuộc chiến tranh mới. Vòng tuần hoàn ấy cứ như một vở diễn với từng ấy lớp lang diễn đi diễn lại đến nhàm chán. Không làm ầm ĩ như những cặp vợ chồng khác nhưng cứ âm ỉ gặm nhấm dần cái nền tảng cần có cho một gia đình đầm ấm.
Thụy mang nỗi chán chường với cái bụng đói meo ra nằm trên chiếc ghế bố dưới giàn hoa giấy. Giàn hoa đã bị những luồng gió nam hanh thổi thốc mấy hôm nay đánh giập cánh hoa tơi tả rụng sạch, chỉ còn sót lại những chiếc lá mang một màu xanh nhợt nhạt bầm tái. Thân cây chằng chịt đan chéo như một mớ những con rắn màu nâu xỉn quấn lấy nhau biểu lộ một sức sống mãnh liệt trong cái khí hậu dễ làm người ta nổi đóa này. Đã nhiều lần nằm dưới giàn hoa giấy hắn tự ví mình như những thân cây khẳng khiu chịu u sần, cằn cỗi trên soi bãi khô hạn này để đơm cho đời màu hoa của nắng gió.
- Cơm canh thế này mà chê. Có giỏi thì tìm con khác nấu cho ăn.
Giọng Huệ từ trong nhà dấm dẳng vọng ra khiến Thụy cay cú. Hắn đứng dậy định đi vào nhà nói cho ra ngô ra khoai nhưng nghĩ trời đánh còn tránh bữa ăn nên lại nằm xuống thả hồn đi rong…
Đêm định mệnh ấy. Đêm định mệnh của mười chín năm về trước. Mười chín năm để quên đi cái cần phải nhớ và nhớ cái cần phải quên… Thuở ấy, Thụy đang yêu. Một tình yêu phiêu linh e ấp, đẹp như một giấc mộng đẹp. Nhưng yêu một người không có nghĩa là không tiếp xúc với nhiều người…
- … Em cười vậy nhưng đêm nằm khóc thầm không ai biết. Cuộc đời buồn lắm anh ạ.
Thụy nghe lòng chùng xuống. Người con gái mới quen thổ lộ lòng mình.
- Mình mới quen sao em tin tưởng mà gởi gắm tâm sự cho anh?
- Vì em biết anh cũng có một đời sống tình cảm gia đình như em. Em nghĩ không ai cảm thông cho em bằng anh.
Thụy cảm thấy như đã gặp được tri âm. Tình cảm gia đình mà phàm làm người ai cũng được thụ hưởng thì với hắn lại quá xa vời. Hắn như một khách trọ trong nhà mình. Sự xúc động làm Thụy quên mất người yêu. Hắn với Huệ đã là của nhau.
Thụy bối rối trong quan hệ của mình. Với Huệ, chỉ là buông thả nhất thời. Tình yêu Diễm vẫn cháy bỏng lòng hắn. Nhưng Diễm đã nói: “Chúng ta chưa là gì của nhau. Chưa nợ nhau dù một lời nói. Anh phải có trách nhiệm với Huệ. Giờ mình chỉ có thể là bạn”.
Đám cưới Thụy-Huệ diễn ra trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Nhất là bạn bè của Thụy. “Thật tiếc cho ông! Chẳng lẽ một người như ông lại không hiểu? Sao vội vã vậy?”. “Hiểu gì?”, Thụy gặng hỏi. Họ lảng tránh. Mẹ Diễm nói với Thụy: “Thôi thì không có tình yêu thì có tình vợ chồng. Những đứa con ra đời sẽ giúp cậu đứng vững trong đời sống gia đình. Ngày trước tôi và anh ấy đến với nhau cũng do sự xếp đặt của gia đình. Sống với nhau rồi sẽ thương yêu nhau. Hãy sống hết lòng vì vợ con, tôi tin cậu sẽ được bù đắp. Tình cảm cậu dành cho em nó trước đây hãy xem như một kỷ niệm đẹp”.
Thụy còn biết nói gì hơn là chấp nhận một sự thật hiển nhiên. Trước Thụy, Huệ đã có một thời yêu người khác nhưng vấp phải lực cản quyết liệt của gia đình người ta. Huệ đến với hắn như là trốn chạy sự tuyệt vọng.
Không biết tự bao giờ mà từ một người thích đùa, bây giờ nụ cười vắng bóng trên môi Thụy. Những người bạn thân nhất nói: “Cuộc sống gia đình nặng nề lắm sao mà mày thay đổi quá vậy? Tính lạc quan yêu đời của mày bị vợ nó đào lỗ chôn dưới chân nó rồi phải không?”. Tính tự ái của hắn bị chạm nọc. Hắn giận dữ. Nhưng hắn hiểu. Nếu bạn bè không quan tâm thì họ nói làm gì? Dù lời nói thật có làm ta đau thêm.
Cũng chẳng phải ít lần hắn nghĩ đến một ngả rẽ. Nhưng nhìn con còn nhỏ hắn không đành lòng đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Chúng cần được yêu thương chăm sóc. Dù không là kết quả của tình yêu, chúng cũng là con hắn. Trong chuỗi ngày dài như bóng đêm của đời sống gia đình (chính xác là đời sống vợ chồng), chúng là hai đốm sáng để hắn nhận diện lại mình, để cho hắn giữ gìn đúng như Huệ đã nói với bạn: “Mày khỏi lo. Bây giờ tao đã nắm chắc ông ấy trong tay. Ông quý con hơn mọi thứ trên đời. Cứ lấy con mà trị chồng là mình thắng”.
Thụy cay đắng thừa nhận yếu huyệt của hắn đã bị Huệ điểm trúng. Nhưng điều làm hắn bất ngờ nhất, đau khổ nhất chưa phải là từ Huệ…
Thụy nhỏm dậy ở tư thế ngồi. Khi gió nam còn thổi, khô nóng nhưng còn chịu được. Bây giờ là lúc nam và nồm tranh nhau, cả hai đều im phăng phắc khiến mặt đất bốc hơi nóng hầm hập như trong một nồi rang. Trước mặt Thụy, vạt rau muống héo rũ từng cành lá, bợt bạt đến tội nghiệp. Vạt rau là kết quả lao động của bé Hồng dành cho hắn. Biết bố thích ăn rau luộc mà mẹ đi chợ thì ít khi mua nên con bé cuốc đất trồng rau tặng riêng cho bố. Hắn trân trọng món quà của con. Vạt rau bé bằng cái bàn tay nhưng mỗi khi nhìn nó thì nỗi bực bội trong lòng Thụy như được xoa dịu. Bé Hồng thì vậy, nhưng bé Hoa chị nó thì khác.
Hôm ấy không hiểu sao mà vợ hắn cứ kiếm đủ chuyện để gây gổ với hắn. Muốn tránh một cuộc “chiến tranh lạnh” sẽ xảy ra, hắn cố nín nhịn. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Huệ cứ lấn lướt: “Anh tưởng tôi không biết đã bao nhiêu năm mà anh còn nuối tiếc à? Đã vậy anh còn ghen với quá khứ của tôi”. “Kìa em…”. “Em em cái gì! Anh cứng họng không nói được phải không?... Anh quá lạc hậu, cứ khăng khăng ôm lấy cái triết lý sống lỗi thời của anh. Anh không biết thích ứng với thời cuộc! Anh đã làm khổ người khác! Nói thật cho anh biết, nếu không vì bà già anh ấy ngăn cản thì tôi sống sung sướng hơn nhiều”.
Thụy sửng sốt tưởng như nghe nhầm. Bao nhiêu năm sống chung, bao lần xung đột kình cãi cũng chỉ là do bất đồng trong lối sống, chưa bao giờ quá khứ của hai người bùng ra cửa miệng. Vậy mà hôm nay Huệ lại công khai sự nuối tiếc, so sánh… Miệng Thụy bùng ra những lời nói mà chắc rằng trí óc hắn không đuổi kịp: “Thôi im đi! Tôi nhịn cô vậy là quá đủ. Cô nghĩ hay tôi nghĩ đó là quyền riêng của mỗi người, nhưng không được xúc phạm nhau. Chuyện vặt vãnh thì tôi cho qua. Nhưng cô đã nói thế thì tôi cho cô rõ. Vì cách đối xử của cô với tôi mà tôi nhớ. Tôi nhớ nhưng không nuối tiếc, không so sánh. Tôi không ghen với quá khứ của cô, không ghen với một nấm mồ! Tôi quý gia đình mình nên ráng nín nhịn sự quá quắt của cô. Bởi cô là mẹ của hai đứa con tôi. Bởi chúng là tất cả cuộc đời tôi. Vì chúng…”. “Tôi biết mà! - Huệ đứng dậy bật khóc, cắt ngang lời Thụy - Hu…hu…Ông thương yêu gì tôi. Hu…hu…ông cưới tôi vì trách nhiệm chứ phải vì tình yêu đâu. Đã vậy tôi với ông ly dị để xem ông có được hai đứa nó không?”. “Ly dị?!”. “Ừ! Ly dị! Ông không viết thì tôi viết. Bây giờ không cần cả hai cùng ký, chỉ một người tòa cũng chấp nhận”.
Thụy như kẻ không biết bơi chới với giữa dòng nước chảy xiết. Thanh âm của hai tiếng ly dị đang vùn vụt lớn mạnh trong đầu với tất cả ý nghĩa của nó để cuối cùng vỡ òa một tâm trạng hốt hoảng. Tâm trí hắn phóng nước đại với cảnh bi thương tan đàn xẻ nghé. Hắn nói ra điều làm hắn lo lắng nhất: “Ly dị thì hai con sẽ ra sao? Lẽ nào…”. “Bố chẳng cần lo cho tụi con - Cái Hoa đi học về xen vào - Không có bố mẹ, khỏi phải nghe cãi nhau”.
“C..o.on!”. Thụy chỉ thốt lên được một tiếng. Đất có sụp dưới chân cũng không làm hắn ngạc nhiên bằng. Đứa con hắn thương yêu, đứa con chưa một lần hắn để làm việc nặng nhọc, đứa con mà khi còn học tiểu học về đến cổng là hắn chạy ra bế vào, đứa con mà khi ngắm nó lần đầu tiên mặc áo dài để bước vào cổng trường phổ thông trung học lòng hắn dâng lên niềm tự hào lại nói với cha nó lời vô tình thế ư?...Ôi! Con tôi!
Bỗng chốc những lời nói vừa rồi của Huệ chẳng còn chút dư âm nào với Thụy. Cả Hoa nữa, có cũng như không. Nỗi đau xé nát tim người cha để hắn không còn tha thiết một điều gì. Tất cả đều vô nghĩa.
Mang gương mặt như nặn bằng sáp hằn nét đau khổ tột cùng, như một hình nhân biết đi, Thụy đi ngang qua mặt hai mẹ con Huệ vào buồng trong nơi có chiếc tủ con gắn vào tường sơn chữ thập đỏ…
- “Thưa mẹ con đi học về… Bố đâu hả chị?... Thưa bố con đi học về!”.
Thụy vừa mở cánh cửa tủ thì tiếng nói của bé Hồng như một luồng gió mạnh ập vào tai làm trí óc đang u mơ của hắn choàng tỉnh. Trong một thoáng hắn không hiểu mình mở cửa tủ để làm gì. Rồi hắn chợt hiểu. Hắn bải hoải ngồi xuống giường. Nỗi đau lại dội lên, không nhói buốt mà âm ỉ từng tế bào…
Như kẻ chơi bạc đã thua mất vốn, đem thân ra đặt cược thì giá trị bản thân chẳng có ý nghĩa gì trên chiếu bạc. Thụy đã có dịp bảo Hoa ngồi lại nói với nó lời nói của một người cha với đứa con đã lớn. Nhưng đáp lại hy vọng của hắn, con bé chỉ lặng thinh...
- Bố ơi! Con cắt rau luộc cho bố ăn nhé?
Tiếng bé Hồng vực Thụy ra khỏi những hồi ức. Hắn quay nhìn thấy con gái cầm con dao và cái rổ đi lại vạt rau muống. Hắn gật đầu, cười với con. Con tim tan nát của hắn như vừa được một chất keo gắn kết lại. Tuy chưa đủ độ dính nhưng cũng không làm nó thêm vỡ vụn. Nhìn những nắm rau trên tay con bé, Thụy cảm thấy màu của rau xanh hơn, mượt mà hơn. Có phải đó là cảm nhận sai lệch của hắn? Bởi ngọn rau đã bị luồng gió nam hanh hun nóng suốt buổi sáng thì làm sao mượt mà tươi xanh được. Ấy là do tình yêu con đã khiến cho hắn thấy mọi vật tươi hơn. Hắn thầm nói với con: “Bố tin rồi cũng như vạt rau muống đã cắt ngọn, từ gốc chồi xanh sẽ nảy, sẽ lớn nên hình hài. Rồi chị con sẽ hiểu, và cả con nữa, các con không thể từ chối cội rễ của mình. Đó là định mệnh. Bố tin khi ngoảnh về quá khứ, một tấm lòng chân chính có thể đau khổ chứ không hổ thẹn”.
- Ga có rẻ đâu mà nấu nhiều lần. Muốn thì đi ăn cơm quán, đừng làm khổ người ta.
Giọng Huệ từ trong nhà lại dấm dẳng vọng ra. Một chút khó chịu cộm lên trong lòng Thụy nhưng không át được niềm vui mới chớm do bé Hồng tạo nên. Trong tâm trạng ấy, dư âm lời nói của Huệ còn đọng lại làm hắn thấy vợ mình đáng thương hơn đáng giận. Hắn đã cho Huệ có cơ hội để hiểu hết hắn chưa? Hay nỗi niềm riêng hắn giấu không thổ lộ để rồi ảnh hưởng đến cách hành xử mà ít nhiều chắc chắn sẽ làm tổn thương cho vợ con mà hắn vô tình không nghĩ đến? Sự quá quắt của Huệ có phải xuất phát từ đó không? Giống như kẻ đang tách ớt bị hột ớt bắn vào mắt lại dùng tay dính ớt để dụi?
Lướt qua trí Thụy là những giọt nước mắt của Huệ thỉnh thoảng hắn bắt gặp, giọng nói gay gắt đong đầy sự hờn lẫy của vợ khiến lòng hắn xốn xang. Với một tình cảm ấm áp chưa từng có vừa chớm, hắn thấy cần phải nói với Huệ một câu gì đó thật chân thành. Hắn đứng dậy đi vào nhà khi cái oi nồng của gió nam để lại vừa được luồng gió nồm thổi qua mát rượi…
Truyện ngắn của PHỤNG TÚ