Sự hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà là đức tính tốt đẹp không ngừng được gìn giữ nâng cao.
Mọi người coi chữ hiếu là nền tảng của mọi đức hạnh, là yếu tố quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình và ổn định xã hội. Vì vậy, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cái với các bậc sinh thành cũng có nhiều cách làm khác nhau. Nhưng chung quy cái đích đến của các lựa chọn là phải làm cho cha mẹ ổn định về mặt vật chất, vui vẻ về tinh thần, chứ nhất quyết không cho phép sự hờ hững, vô cảm, bội bạc.
Rõ ràng đạo hiếu của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi người là tập trung đi vào hướng thiện, nuôi dưỡng cha mẹ, làm tròn mọi bổn phận của người con, giữ gìn gia đình truyền thống, bảo vệ tài sản thừa tự và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời. Nhờ thế, từ thời Hùng Vương đến thời hiện đại ngày nay mãi mãi còn lưu truyền tập tục về giỗ cha mẹ, gia tiên, giỗ họ, rồi cả nước có một ngày giỗ tổ Hùng Vương, mà không nước nào trên thế giới có được. Việc các cấp chính quyền, đoàn thể, MTTQ Việt Nam… cấp bằng chứng nhận "Gia đình văn hoá", "Gia đình ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền" đang nhân rộng cách làm hay, nhiều điển hình tốt trong việc giữ tròn chữ hiếu thời nay.
Tuy vậy, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường mà người ta dễ dàng xô đẩy, chà đạp đạo hiếu, cố tình đưa đẩy chữ hiếu đến chỗ cực đoan. Thay cho việc nuôi dưỡng báo hiếu cha mẹ lúc tuổi già, thì họ ngang nhiên thờ ơ bỏ mặc cha mẹ sống trong cô đơn, đói rét. Thay cho sự nỗ lực gặt hái thành công trong cuộc sống, thành đạt trong công việc để làm cha mẹ ấm lòng, thì chính họ lại sa đà vào tệ nạn xã hội, tham nhũng, buôn gian bán lận, phải vào tù ra tội, làm cho cha mẹ xót xa tủi khổ suốt đời.
Thực tế có không ít người già hiện nay phải khổ sở trước cảnh báo hiếu của con cái. Điều khổ tâm là các con không hiểu thấu nỗi niềm của cha mẹ lúc về già cần gì, muốn gì? Vì thế, khi có cuộc sống khá giả, có không ít người con lại báo hiếu cha mẹ mình bằng sự áp đặt cứng nhắc. Họ quan niệm khi mình thành đạt rồi thì đối với cha mẹ già chỉ cần hiện diện gói quà và chút tiền thay cho lời tâm sự. Có những "đại gia" cho cha mẹ ăn ngon, mặc đẹp rồi bỏ quên cha mẹ cô đơn ở xó nhà, lận đận sống mòn chết mòn, không hề thăm hỏi, mọi việc bỏ mặc cho ô-sin. Có những người con trốn tránh trách nhiệm, cả năm ở tít trên thành phố phồn hoa đô hội, lấy cớ "bận việc", biện minh đủ lý do, cả năm không có lấy một ngày về vui cùng cha mẹ. Nhưng đến khi cha mẹ mất, họ lại lo làm ma linh đình để thu phong bì, rồi xây lăng mộ nguy nga để che mắt thiên hạ về lỗi lầm thất đức. Có những người con đi ra ngoài thì "thơn thớt nói cười" khi về nhà lại đánh đập, nhiếc móc, ngược đãi, xúc phạm cha mẹ với bao lời tục tằn, xỏ lá ba que hơn cả hàng tôm, hàng cá… Chính những người con bạc bẽo ấy đã đẩy cha mẹ mình vào cuộc sống lặng lẽ và chết cũng âm thầm! Những người con như thế, họ đâu có nhớ khi còn ấu thơ, sống trong yếu đuối, sợ hãi thì sự sống và cái chết mỏng manh đến nhường nào? Nhưng nhờ có sự che chở của mẹ, nhờ có sự thiêng liêng của tình mẫu tử mà họ tồn tại trên cõi đời này…
Nói ra những điều trên, không chỉ là lời cảnh báo mà còn là sự nghĩ suy trăn trở của phận làm con. Mỗi người con thực sự có tấm lòng hiếu thảo, thực sự quan tâm tới cha mẹ mình thì chắc chắn sẽ tìm ra được cách báo hiếu phù hợp.
NGUYỄN HUY THỰC (Chí Linh)