Gian đồ thờ luôn là điểm dừng chân của các bà, các mẹ
Ảnh: Tiến Thành
Thời gian dẫu trôi đi nhưng trong tôi cứ mỗi lần xuân về Tết đến, ký ức về những buổi chợ quê ngày Tết lại hiện về rõ mồn một. Mỗi khi năm hết Tết đến già trẻ, trai gái, nam phụ lão ấu đều náo nức đi chợ Tết. Dường như ai cũng muốn rời khỏi nhà ra đường, hòa vào dòng người đi chợ Tết nườm nượp mỗi lúc một đông. Bởi đã thành lệ, bận gì thì bận cứ hăm chín, ba mươi là thể nào cũng phải đi chợ Tết. Dù là đến chợ không mua bán gì, chỉ lượn vài vòng vãn cảnh rồi về, vẫn cứ háo hức đi chợ. Tôi cho rằng đi chợ Tết là một thú chơi tao nhã, một nét văn hóa độc đáo đã có từ bao nhiêu năm nay ở các vùng quê mỗi khi Xuân về Tết đến.
Thì bạn cứ đến những buổi chợ cuối năm ở các làng quê mà xem. Thôi thì đủ các thứ “thượng vàng hạ cám” bày bán la liệt trên đường ngang lối dọc trong chợ, và lại có cả những thứ hàng hoàn toàn thích ứng với thời cuộc, chứ không hẳn chỉ có những hàng hóa thông thường. Gần như tất cả những thứ cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng của con người trong dịp Tết đều thấy bày bán ở chợ quê. Thế là mừng về đời sống người nông dân hôm nay đã khác xa với hôm qua; bởi ở đâu cũng thế, chợ là hình ảnh thu nhỏ, phản ánh sinh động nền sản xuất, lưu thông và mức sống của người dân.
Nhưng nếu chỉ có thế, chợ cũng không có mấy độc đáo và hấp dẫn. Cái làm nên sự độc đáo đến mê đắm lòng người ở các buổi chợ quê ngày Tết, ấy là ngoài chức năng trao đổi, giao lưu hàng hóa, ở đó còn có những hoạt động văn hóa, tinh thần mà có lẽ chỉ có ở các chợ quê ngày Tết mới có. Đấy là những cuộc gặp gỡ thăm viếng, hỏi han nhau ngay trên đường đi, trong quán hàng, ngoài cổng chợ. Còn người bán, kẻ mua thì nhiều khi là những “Bạn hàng thân mẹ quen cha/Áo nâu nón lá gần xa tìm về”, chứ chẳng phải người đâu xa lạ. Thế nên, đi chợ, đến chợ còn là yêu cầu của tình cảm, gặp gỡ, đổi trao tâm tình với nhau nữa, chứ không đơn thuần là mua bán mớ rau, đồng quà, tấm bánh như những buổi chợ bình thường.
Không những thế, đến chợ Tết còn có biết bao trò chơi, kiểu chơi mang đậm nét văn hóa dân gian. Chỗ này có mấy ông già ngồi trên chiếu hoặc cạnh cái bàn con thấp tè, nhưng ông nào cũng mặc áo chùng thâm, đầu đội khăn xếp mà lớp trẻ trông vào thấy có cái gì như “cổ cổ”, nhưng thực ra đấy chỉ là cách ăn vận cho người ngoài nhìn vào dễ nhận ra đó là “ông đồ” đang ngồi viết câu đối. Những ông già ấy đến chợ là trải chiếu ngồi cắm cúi viết, chứ không nghiêng ngó, chuyện trò với ai. Dường như chợ đông hay vắng người với ông đồ cũng không mấy ý nghĩa, mà ý nghĩa với ông là viết được những chữ mình ưng ý, để rồi có ai đó đến mua không cần ra giá cũng tự ý đặt tiền cầm chữ ra về. Thế nên, tôi đã thấy ở chợ Tết những ông đồ không thể gọi là viết, mà phải gọi là vẽ mới đúng, vì những chữ ông viết trên tờ giấy hồng điều bằng thứ mực Tàu đen ánh, trông chữ nào chữ ấy cứ như rồng bay phượng múa. Ông đồ cắm cúi viết, thỉnh thoảng lại ngẩng lên cười đáp lời người nào đó hỏi đặt chữ, mua câu đối. Còn người xem, người mua câu đối thì đứng vòng trong vòng ngoài vây lấy ông đồ. Thật là kỳ thú, “độc nhất vô nhị” ở chợ quê ngày Tết.
Nhưng đi chợ Tết không chỉ để xem, để mua, mà còn để chơi, được chơi. Đấy là sở thích của những thanh thiếu niên rủ nhau đi chợ. Sau khi nhìn ngắm thỏa thích các hàng quán, mà chỗ nào cũng như toàn đồ mới tinh, đám thanh thiếu niên thể nào cũng rủ nhau ra chỗ người bán quả cầu mua mỗi người một, hai quả cầm tay. Rồi không đợi về tới nhà, họ ra ngay ngoài đầu chợ hoặc dọc đường về làng là dừng lại ở đâu đó, túm năm tụm ba nhau lại thi đá cầu đến cả buổi mới tan. Còn biết bao trò chơi vui khác, như ném vòng chai, quay ô, chơi bi, chơi đáo… thu hút khá đông không chỉ trẻ con, mà cả người lớn đi chợ qua cũng dừng lại nghiêng ngó xem.
Đa dạng và độc đáo biết bao những buổi chợ Tết ở các vùng quê. Đa dạng cũng bởi mỗi vùng lại có những chợ họp theo thời điểm khác nhau, thu hút người đến chợ trên những địa bàn khác nhau. Còn độc đáo, có lẽ khó tìm thấy chợ quê ở nơi nào giống nơi nào, từ cách cấu trúc chợ đến giờ giấc họp chợ và hàng hóa bày bán. Có chợ quê mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày đầu năm mới, mồng 2 Tết, nhưng vẫn bán đủ các mặt hàng của người dân trong vùng làm ra; đặc biệt, cả kẻ mua người bán hàng đều như để lấy may, không hề nghĩ tới thiệt hơn, đắt rẻ, người bán nói bao nhiêu, người mua thấy ưng là đưa tiền trả, không mặc cả, lại càng không cò kè bớt một thêm hai nửa lời. Ngày họp chợ không chỉ là nơi bán mua, mà còn là ngày hội với đủ các trò chơi giải trí.
Không thể kể hết những chợ Tết độc đáo như thế ở các vùng quê. Người viết chỉ muốn bày tỏ ước mong, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn những cái chợ như thế ở các vùng quê chắc chắn ngày càng sầm uất, khang trang và hiện đại hơn. Nhưng dẫu hiện đại, khang trang gì chăng nữa cũng xin chớ bỏ qua cái chợ quê đúng với nghĩa của nó, và cũng chớ nên “nhất thể hóa” chợ quê làng nào, xã nào cũng giống nhau từ cái cổng vào, đến dãy hàng quán trong chợ, mà cần thiết giữ lại cái nét riêng vốn có làm nên sự độc đáo chợ quê từng vùng.
TRẦN CẢNH