Ấn tượng đầu tiên khi mọi người đến thăm gia đình ông Vũ Xuân Nga ở thôn Thống Nhất, xã Diên Hồng (Thanh Miện) là vườn ổi sai trĩu quả.
Mỗi năm gia đình ông Nga thu lãi khoảng 40 triệu đồng từ vườn ổi bo
Cần cù, không cam chịu đói nghèo nên sau nhiều năm làm ăn ở Quảng Ninh trở về, ông Nga luôn trăn trở tìm cách làm giàu. Năm 1997, khi xã có chủ trương khuyến khích các gia đình tham gia chuyển đổi, ông đã tích cực hưởng ứng và bắt tay vào tạo dựng cơ nghiệp từ việc chuyển đổi đất ruộng lập trang trại trồng cây ăn quả trên diện tích khoảng 1 mẫu đất, với 5 sào ao và 5 sào vườn. Ban đầu tham gia chuyển đổi, ông bà cũng đã loay hoay, vất vả chuyển đổi nhiều loại cây trồng, hết vải thiều lại chuyển sang nhãn… nhưng không hiệu quả nên cuộc sống của gia đình ông vẫn rất khó khăn. Năm 2008, trong một lần tình cờ sang huyện Thanh Hà, ông được một người bạn giới thiệu giống ổi bo. Nhận thấy đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường ưa chuộng nên ông đã mạnh dạn phá vải thiều trồng ổi. Nhờ chịu khó học hỏi cách trồng và chăm sóc nên vườn ổi nhà ông luôn xanh mượt, cho quả đều… Theo kinh nghiệm của ông, trồng và chăm sóc ổi không khó nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, chăm chỉ của người làm vườn. Thông thường, mỗi cây ổi được trồng cách nhau 2 - 3m. Ổi trồng từ 7 - 8 tháng sẽ cho thu hoạch. Để ổi đạt chất lượng cao, cho quả to cần phải chăm bón từ lúc mới ra hoa, thường xuyên vun gốc và xới tơi đất để rễ cây phát triển, đồng thời cắt đi những cành lá sát chân gốc để tạo sự thông thoáng cho cây và giúp cây nuôi quả; khi quả to khoảng bằng ngón tay cái, phải dùng túi ni - lông để bọc vừa giúp tránh sâu bệnh, vừa tạo mã đẹp, dễ tiêu thụ. Ổi chính vụ được thu hoạch từ tháng 6-9 và từ tháng 11-2 dương lịch năm sau. Song với gia đình ông không như vậy, khi ổi ra hoa lúc chính vụ, ông cắt hoa sau đó để ổi nảy lộc cho ra hoa trái vụ. Hiện nay, với khoảng 600 gốc ổi, mỗi năm gia đình ông thu 3 tấn quả, với giá trung bình từ 10 - 15 nghìn đồng/kg, trừ chi phí vườn ổi cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ ổi rất mạnh, đến mùa thu hoạch các thương lái trong và ngoài huyện đến tận nhà thu mua nên rất thuận lợi.
Qua 6 năm gắn bó với cây ổi bo, từ chỗ là hộ nghèo, gia đình ông đã nuôi 2 con ăn học, có của ăn của để. Không chỉ có vậy, ông Nga còn tích cực tìm tòi, nhân giống bằng cách chiết cành ổi bo bán và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong huyện. Mỗi dịp đầu năm, gia đình ông thường bán được từ 150 - 200 cành. Không chỉ tham gia tích cực xây dựng kinh tế, ông Nga còn rất nhiệt tình tham gia các phong trào của Hội Nông dân cũng như các phong trào tại địa phương.
PHẠM THỊ LOAN