Vượt khó đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện vào cuộc sống: Bài 1: Thách thức chưa từng có

06/08/2021 06:00

Trong bối cảnh phải đối phó với thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, Hải Dương đã sáng tạo vượt qua khó khăn, kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.


Đợt dịch thứ ba khiến sản xuất công nghiệp của Hải Dương bị gián đoạn, tăng trưởng âm. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất sản phẩm túi nilon tự hủy thân thiện với môi trường tại Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát

Có thời điểm là tâm dịch của cả nước, Hải Dương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có để bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân và giữ vững mặt trận sản xuất, kinh doanh.

Cú sốc y tế

Trong các ngày 27 và 28.1.2021, TP Chí Linh ghi nhận hàng chục ca nhiễm SARS-CoV-2 tại khu công nghiệp Cộng Hòa. Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh từng ngày biến khu công nghiệp trở thành ổ dịch lớn nhất tỉnh và lớn nhất cả nước trong đợt dịch thứ ba. Trong đợt dịch này, chỉ tính riêng TP Chí Linh đã có 408 ca mắc Covid-19, 6.606 trường hợp F1 và 15.848 F2. Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chí Linh cho biết: "Nguồn lây tại ổ dịch khu công nghiệp Cộng Hòa là chủng SARS-CoV-2 biến thể mới tại Anh, có tốc độ lây lan cực nhanh. Dịch xảy ra dồn dập, cường độ mạnh, số ca mắc lớn trong một thời gian ngắn nên việc đáp ứng tổ chức cách ly tập trung F1 với số lượng quá lớn đã gây rất nhiều khó khăn, khiến việc chạy đua khoanh vùng, dập dịch phải nhanh chóng từng phút, từng giờ".

Từ TP Chí Linh, dịch bệnh đã lây lan đến nhiều nơi trong tỉnh và nhiều địa phương trong cả nước. Một cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất chưa từng xảy ra trong tỉnh làm Hải Dương lao đao suốt hơn 2 tháng. Hơn một tháng sát cánh cùng Hải Dương chống dịch, PGS. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Đoàn công tác Bộ Y tế tại Hải Dương đã đánh giá các ổ dịch tại TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng phức tạp nhất cả nước trong 3 đợt dịch. Việc kiểm soát tốt đợt dịch thứ ba là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Hải Dương vì sự an toàn của tỉnh và của cả nước. 

Đợt dịch thứ ba chưa được dập dứt điểm thì tỉnh Hải Dương cùng cả nước tiếp tục phải hứng chịu đợt bùng phát dịch thứ tư xuất hiện từ đầu tháng 5, càng gây thêm nhiều khó khăn nghiêm trọng cho ngành y tế và phát triển kinh tế - xã hội. Tính từ đầu năm đến ngày 4.8, toàn tỉnh ghi nhận 817 trường hợp mắc Covid-19. Thời gian cao điểm, toàn tỉnh đã phải thành lập hàng nghìn chốt kiểm soát các cấp và tổ chức tới 203 điểm cách ly tập trung, cách ly gần 13.000 người để phòng dịch...   

Chỉ tính riêng kinh phí sử dụng trực tiếp cho công tác phòng chống dịch trong tỉnh từ đầu năm đến nay đã lên đến trên 700 tỷ đồng. Chưa kể, dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống, gây ra những thiệt hại khó có thể thống kê đầy đủ.


Dịch Covid-19 phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các địa phương. Trong ảnh: Cử tri trong khu phong tỏa ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Kinh tế đình trệ

Dịch Covid-19 không chỉ làm hao mòn nguồn lực của các địa phương mà còn làm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là những nơi tâm dịch bị đình trệ. Trong đợt dịch thứ ba, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh, vốn chiếm tỷ trọng chi phối trên 50% kinh tế của Hải Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phần lớn các ca bệnh xuất hiện ở các địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp là TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và một số xã, phường tại thị xã Kinh Môn, các huyện Nam Sách, Kim Thành. Các địa phương này phải thực hiện cách ly, phong tỏa đã khiến hoạt động sản xuất công nghiệp nhiều thời điểm bị gián đoạn. Hậu quả là tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn tỉnh quýI.2021 âm 6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến tăng trưởng các ngành dịch vụ trong tỉnh quý I âm 1,9%. Nhiều thời điểm, khi các địa phương khác áp dụng biện pháp phòng chống dịch quá mức cần thiết đối với người, phương tiện đến từ Hải Dương khiến việc lưu thông hàng hóa, trong đó có những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, khi tăng trưởng kinh tế quý I của cả nước tăng 4,48% thì tăng trưởng của Hải Dương giảm 3,1%... Đây là mức tăng thấp nhất so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố.

Thực hiện giãn cách, cách ly xã hội kéo dài cũng khiến việc triển khai, thực hiện các chương trình, đề án theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều địa phương, dù việc ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện khá sớm nhưng kết quả đạt được chưa thực sự rõ nét. Từng là một tâm dịch của tỉnh, 6 tháng đầu năm, huyện Cẩm Giàng triển khai thực hiện 27 trong tổng số 153 công trình, dự án, đạt 17,64% kế hoạch năm 2021. Ở thị xã Kinh Môn, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - quân sự địa phương cũng không bảo đảm tiến độ. Đồng chí Sái Thị Yến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Kinh Môn cho biết: "Thời điểm dịch diễn biến phức tạp, toàn bộ lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng của thị xã được huy động về các xã, phường để tăng cường, hỗ trợ tham gia phòng chống dịch. Tính từ đầu năm đến nay, kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch là trên 29,5 tỷ đồng, trong đó đợt dịch thứ ba khoảng 23 tỷ đồng. Việc phải dồn nhân lực, nguồn lực cho phòng chống dịch khiến việc thực hiện các nhiệm vụ khác gặp khó khăn, gián đoạn".

Những ngày này, khi tình hình dịch bệnh tại các huyện Nam Sách, Kim Thành, Tứ Kỳ có những diễn biến mới tiếp tục đặt toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh vào trạng thái cao nhất trong phòng chống dịch. Sau 47 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19, toàn tỉnh đã phải thắt chặt áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ xã Thái Tân, thị trấn Nam Sách (Nam Sách), xã Kim Xuyên (Kim Thành). Dù dịch chưa lây lan trong các khu, cụm công nghiệp nhưng một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động khi xuất hiện ca dương tính.

Đặc biệt, biến chủng Delta của SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh, bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khiến tình hình dịch bệnh đang rất khó lường, là thách thức rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 8% trở lên của Hải Dương.

HOÀNG BIÊN

Kỳ sau: Sáng tạo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép

(0) Bình luận
Vượt khó đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện vào cuộc sống: Bài 1: Thách thức chưa từng có