Vũ Mão - chính trị gia mang tâm hồn nghệ sĩ

02/06/2020 21:54

Không chỉ là một chính trị gia có nhiều đóng góp trong việc đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, ông Vũ Mão còn là một nhà thơ, nhạc sĩ với nhiều ca khúc về đất nước, con người và tình hữu nghị với các nước trên thế giới.

Ông Lê Doãn Hợp,nguyên Bộ trưởng Thông tin va Truyền thông trao bằng xác lập kỷ lục
cho nhạc sĩ Vũ Mão

Ông Vũ Mão là người có đóng góp lớn vào tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội và hoạt động ngoại giao nghị viện. Ông là nhà lãnh đạo có tài tổ chức công việc. Không những thế, ông còn là một nhà thơ, nhạc sĩ với nhiều ca khúc về đất nước, con người và tình hữu nghị với các nước trên thế giới.

Người có công trong việc đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội

Trong thời gian công tác, ông đã kinh qua nhiều lĩnh vực, vị trí khác nhau. Ông từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng 5 khóa liên tiếp, từ khóa V đến khóa IX, là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX, X, XI.

Là một người có tư duy đổi mới, năng động, dám nghĩ, dám làm, ông là một trong số những người có đóng góp lớn vào việc thúc đẩy đổi mới Quốc hội, hoạt động ngoại giao nghị viện.

Nhiều năm làm đại biểu Quốc hội, giữ trọng trách trong bộ máy lãnh đạo Quốc hội, ông được biết là một cộng sự tâm đắc của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong việc thúc đẩy đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng thực chất, thực quyền, hiệu quả và gần dân hơn.

Ông được biết đến như một người khởi xướng và tổ chức sáng kiến đổi mới hoạt động của Quốc hội. Năm 1988, ông là người đã đề nghị lên Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Chính trị triển khai công nghệ “bấm nút” trong các kỳ họp Quốc hội thay cho hình thức giơ tay biểu quyết. Kể từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 1988, việc biểu quyết thông qua các văn bản pháp luật đã được thực hiện theo hình thức “bấm nút”. Ngay sau khi các đại biểu thực hiện, kết quả biểu quyết điện tử đã hiển thị ngay trên màn hình.

Ông cũng là người đã cải tiến việc ghi chép tại mỗi kỳ họp Quốc hội từ hình thức ghi chép tốc ký sang phương thức gồm 3 công đoạn: ghi âm vào băng, gỡ băng và gõ trên máy tính để ra văn bản. Với phương pháp này, vừa tiết kiệm được thời gian vừa ghi chép trung thực ý kiến của đại biểu và tiết kiệm được nhân lực là đội ngũ tốc ký viên. Với việc làm này, Quốc hội đã đi trước rất nhiều so với các cơ quan Nhà nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Và cũng chính ông đã thuyết phục lãnh đạo Quốc hội cho truyền hình, phát thanh trực tiếp những phiên họp quan trọng của Quốc hội. Năm 1994, kỳ họp đầu tiên Quốc hội truyền hình trực tiếp phiên chất vấn có sự đóng góp lớn của ông. Đến nay, việc truyền hình trực tiếp các hoạt động quan trọng của Quốc hội đã trở thành thông lệ, giúp cử tri cả nước theo dõi trực tiếp nhiều hoạt động của cơ quan lập pháp tối cao.

Ông cũng đóng góp lớn vào hoạt động ngoại giao nghị viện, mở rộng hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và nghị viện các nước trên thế giới, đúng vào thời điểm đất nước ta hội nhập mạnh mẽ.

Ông còn là nhà lãnh đạo có tài tổ chức công việc. Dưới sự lãnh đạo của ông, các công việc của Văn phòng Quốc hội đều được triển khai hiệu quả. Văn phòng Quốc hội có rất nhiều đầu việc, các công việc đều cấp bách, hệ trọng và đều phức tạp. Nhưng dưới sự chỉ đạo của ông, mọi việc đều được tiến hành suôn sẻ, hiệu quả; các bộ phận của Văn phòng Quốc hội vừa hợp tác chặt chẽ với nhau, vừa chủ động thúc đẩy phần công việc của mình.

Chính trị gia mang tâm hồn nghệ sĩ

Ngoài vai trò là một người hoạt động chính trị, ít ai biết ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm thơ, truyện ký được độc giả yêu thích, như: Hương sắc (1998), Dòng thu (2000), Thao thức (2005), Khát vọng xanh (2006), Tự lòng (2006), Lộng gió bốn phương (2007), Sắc hương cho đời (2009), Xanh xa (2010)…

Sự rung động sâu sắc với cuộc đời đồng nghiệp, bè bạn, những biến cố lớn lao của họ đã giúp ông chắp bút viết thành những vần thơ tình chân thành mà không kém phần lãng mạn. Ông gọi những bài thơ này là tình khúc. Ông từng nói: “Tôi viết về tình yêu của tôi, về những người thân thương đã đồng cam cộng khổ, đã gắn bó bên tôi suốt cả cuộc đời. Để rồi mỗi lần đọc lại những trang viết của mình, tôi lại thấy yêu người, tin yêu cuộc đời nhiều hơn. Và tôi gọi đó là tình khúc”.

Có một điều ông luôn tâm đắc và xem đó như một phần thiêng liêng mà ông hết sức nâng niu trân trọng, đó là khi ông viết về tình yêu của những lãnh tụ cách mạng, khi họ đặt tình yêu đất nước lên trên hết thảy, như bài thơ “Bắc Nam hợp hòa” được ông chắp bút từ câu chuyện tình yêu cảm động của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và phu nhân của ông là bà Ngô Thị Huệ. Hay bài thơ “Ký ức dòng sông” viết về cuộc đời của cố  Thủ tướng Võ Văn Kiệt với người vợ của ông, bà Trần Thị Kim Anh…

Không chỉ sáng tác văn chương, ông còn là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam với 5 tập ca khúc đã xuất bản, đặc biệt là tập Khúc ca bạn bè năm châu với 64 ca khúc viết về các địa danh nổi tiếng trên thế giới: Huy hoàng Angkor (Campuchia), Nhớ về Champa (Lào); Mùa hè Maxcơva (Nga); Varadero (Cuba); Chiều xuân Vạn Lý trường thành (Trung Quốc); Singapore mến yêu; Xanh thắm Ukraina, Chiều hè Praha (CH Czech); Chiều hè Washington (Mỹ)... Trong đó, nhiều tác phẩm được lựa chọn và trao giải thưởng trong các cuộc vận động sáng tác, để lại dấu ấn trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Như Bài ca ASEAN được sáng tác vào năm 1995, khi Việt Nam gia nhập ASEAN và Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO, nay gọi là AIPA. Nhiều lần, bài hát được vang lên trong các buổi giao lưu văn nghệ của các nước trong cộng đồng ASEAN và AIPA. Hay như ca khúc Tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế. Tại Festival Thanh niên-Sinh viên thế giới lần thứ 12 được tổ chức tại Matxcơva mùa hè năm 1985, bài hát Mùa hè Matxcơva của ông được bạn bè quốc tế say sưa trong điệu valse đầy lưu luyến giờ phút chia tay… Ông từng nói: Đây là những bài hát tôi viết về các nước trong mỗi dịp đến thăm. Mỗi chuyến đi công tác nước ngoài, tôi thường để tâm học hỏi những kinh nghiệm của họ trong các lĩnh vực cần nghiên cứu, đồng thời dành thời gian ghi nhật ký bằng thơ, bằng âm nhạc.

Với sự độc đáo này, ngày 8.7.2017, ông đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng kỷ lục “Người viết bài hát về các nước trên thế giới nhiều nhất”.   

Đồng chí Vũ Mão

- Sinh ngày 19.12.1939


- Quê quán: xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

- Đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X, XI


- Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (khoá XI);

- Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Trưởng đoàn Thư ký Kỳ họp Quốc hội (khoá X);

- Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Trưởng Đoàn Thư ký Kỳ họp Quốc hội, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia (khoá IX);

- Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Hội đồng Nhà nước; nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước (khoá VIII).

Theo TTXVN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vũ Mão - chính trị gia mang tâm hồn nghệ sĩ