Vì sao cần sắp xếp nhiều thôn, khu dân cư?

23/02/2022 06:25

Toàn tỉnh hiện có nhiều thôn, khu dân cư sẽ phải sắp xếp lại nhằm bảo đảm các quy định về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp.


Do thôn có đông nhân khẩu nên các xóm ở thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) vẫn duy trì nhà văn hóa riêng để tổ chức các hoạt động cộng đồng

Việc chia tách, sáp nhập, thành lập mới nhiều thôn, khu dân cư (KDC) trong tỉnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cơ sở và tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa ở địa phương.

Nơi đông, nơi ít

Thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) hiện có tới 1.746 hộ với 5.863 nhân khẩu, diện tích tự nhiên trên 306 ha. Địa bàn rộng, dân số đông khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý, nắm bắt tình hình và tổ chức các phong trào ở cơ sở. Trong thôn hiện vẫn có 2 chi bộ. Hằng năm, khi tổ chức hoạt động hè cho thanh thiếu niên, thôn thường phải chia thành 6 tổ ở 6 xóm để tập luyện riêng rồi mới tập hợp lại tham gia hội thi của xã. Ở các xóm cũng đang duy trì các nhà văn hóa riêng để làm không gian hội họp của xóm mình. Hiện nay, cùng với 3 cán bộ chuyên trách theo quy định, xã Long Xuyên phải tự bỏ ngân sách để thuê thêm 1 người làm thôn đội trưởng phụ trách công việc ở xóm 3, là xóm đông dân nhất thôn để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ 2 ở thôn Cậy thẳng thắn cho biết: “Vì địa bàn quá rộng nên chúng tôi thực sự khó có thể theo dõi sâu sát từng người, từng nhà trong thôn. Số hộ quá đông nên mỗi khi có việc cần trao đổi trực tiếp, việc tìm nhà của người dân cũng khó. Việc cập nhật thông tin những người từ nơi khác đến tạm trú hay ở địa phương đi làm ăn xa cũng hạn chế. Nếu thôn Cậy được tách thành 2 thôn, sẽ có 6 cán bộ chuyên trách thì công tác theo dõi địa bàn sát sao, người dân trong các thôn cũng gắn kết hơn”.

Ngược lại, hiện cả 2 KDC Kỹ Sơn Trên và Kỹ Sơn Dưới ở phường Tân Dân (Chí Linh) chỉ có 400 hộ dân với trên 1.000 người. 2 KDC này vốn tách ra từ làng Kỹ Sơn nên hiện người dân vẫn tham gia sinh hoạt tinh thần ở 1 ngôi chùa làng như 1 làng Kỹ Sơn ngày trước. “Số dân của mỗi khu quá nhỏ khiến việc tổ chức các hoạt động, phong trào khó khăn. Vốn là một làng nên việc thực hiện sáp nhập 2 KDC sẽ không gặp nhiều khó khăn, tạo đồng bộ, thống nhất và phát huy được sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Khi sáp nhập, số lượng cán bộ không chuyên trách giảm cũng tiết kiệm được ngân sách. Hiện địa phương cũng đã có dự định xây dựng nhà văn hóa trung tâm KDC khang trang hơn nếu tỉnh cho phép sáp nhập”, Chủ tịch UBND phường Tân Dân Nguyễn Quang Ánh cho biết.

Theo lãnh đạo phường Hải Tân (TP Hải Dương), khu đô thị Ecorivers hiện đã có khoảng 500 hộ dân đến ở với khoảng 1.500 nhân khẩu. Tuy nhiên, việc chưa thành lập KDC ở khu đô thị này khiến việc quản lý, điều hành, tổ chức các phong trào của địa phương gặp khó khăn. Hiện chính quyền phường vẫn phải phối hợp với chủ đầu tư khu đô thị để quản lý tình hình, số lượng người dân cư trú, trật tự đô thị, tuyên truyền phòng chống dịch... Nhiều tuyến đường, phố trong khu đô thị cũng mới chỉ được chủ đầu tư đặt tên tạm thời. Chưa thành lập KDC nên địa phương cũng chưa thể thành lập chi bộ, các tổ chức đoàn thể ở đây. “Về lâu dài, số hộ và số người dân đến đây sinh sống sẽ tăng dần. Việc sớm thành lập KDC sẽ tạo thuận lợi để chính quyền kiện toàn, bố trí nhân sự và triển khai tốt các hoạt động, phong trào tại khu đô thị”, Chủ tịch UBND phường Hải Tân Phạm Văn Mai đề nghị.

Đáp ứng yêu cầu

Ngày 21.1, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương sắp xếp các thôn, KDC trên địa bàn tỉnh. Việc sắp xếp nhằm bảo đảm các quy định hiện nay về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, đồng thời đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với công tác quản lý của chính quyền các cấp. Theo đề xuất, toàn tỉnh có 11 thôn, KDC không đủ điều kiện phải sáp nhập, trong đó TP Hải Dương 1 KDC, TP Chí Linh 8 KDC, thị xã Kinh Môn 1 thôn, huyện Tứ Kỳ 1 thôn. Trong tỉnh cũng sẽ có 8 thôn, KDC có diện tích, dân cư lớn có nhu cầu chia tách, trong đó các huyện Thanh Hà 2 thôn, Bình Giang 1 thôn, Gia Lộc 2 thôn, Kim Thành 1 thôn, TP Hải Dương 2 thôn. TP Hải Dương đề nghị thành lập 2 KDC mới do phát triển đô thị. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh sẽ có tổng số 1.337 thôn, KDC, tăng 3 thôn, KDC.

Sau khi nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu tiếp tục rà soát, căn cứ điều kiện và đề nghị của địa phương để sắp xếp các thôn, KDC theo đúng quy định, phù hợp nguyện vọng của nhân dân, điều kiện thực tế của địa phương; tạo đồng thuận cao trong nhân dân và góp phần thúc đẩy các công việc, phong trào tại các thôn, KDC; đồng thời có hướng dẫn thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể sau khi sắp xếp. Theo yêu cầu của tỉnh, trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, KDC cần xem xét các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa hình và phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương. Đề án sáp nhập thôn, KDC phải được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện số hộ của từng thôn, tổ dân phố sáp nhập tán thành...

Dù số lượng không nhiều nhưng việc sắp xếp các thôn, KDC trong tỉnh lần này là chủ trương quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ở cơ sở và đời sống người dân ở nhiều địa phương. Các cấp ủy, chính quyền ở những địa phương thực hiện chủ trương sắp xếp các thôn, KDC cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo đồng thuận cao trong nhân dân để thực hiện đúng quy định, đáp ứng yêu cầu thực tế.

HOÀNG PHẠM

Chủ động chuẩn bị phương án nhân sự bí thư chi bộ, trưởng thôn

Công tác xây dựng Đảng, kiện toàn bộ máy ở thôn, khu dân cư khi thực hiện sắp xếp có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương. Để làm tốt việc sắp xếp thôn, khu dân cư thì mỗi cán bộ, đảng viên ở cơ sở phải phát huy tính tiền phong, gương mẫu trong quán triệt, tuyên truyền, chấp hành chủ trương, quy định, đặt lợi ích chung lên trên.

Trong khi chờ tỉnh đồng ý với đề xuất chia tách thôn Cậy, địa phương đang tập trung nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân; chủ động chuẩn bị phương án nhân sự bí thư chi bộ, trưởng thôn để giới thiệu những người có năng lực, được đảng viên, người dân tín nhiệm cao, bầu chọn.
Sau khi sáp nhập, địa phương sẽ thực hiện ngay các bước để nhanh chóng kiện toàn bộ máy lãnh đạo, sắp xếp ổn định các chi bộ đảng, đoàn thể chính trị-xã hội một cách đồng bộ, phát huy vai trò lãnh đạo, tạo sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

NGUYỄN NGỌC THIỆP

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Long Xuyên (Bình Giang)


Kiên trì tuyên truyền, vận động

Năm 2019, thôn Tân Hòa và Cờ Đỏ (cũ), xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) sáp nhập thành thôn Tân Cờ. Khi bắt tay vào triển khai thực hiện, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là sự không đồng tình của nhiều người dân cả hai thôn cũ. Nhiều ý kiến cho rằng sau sáp nhập lại phải xây dựng hương ước, quy ước mới cho phù hợp, phong tục tập quán, nghi lễ mỗi nơi, mỗi khác, công tác cán bộ xáo trộn, địa bàn rộng khó quản lý... Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, thành lập các tổ công tác đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, phân tích cho người dân thấy được lợi ích, sự cần thiết của việc sáp nhập thôn. Nhờ đó, người dân hai thôn đã đồng thuận cao với chủ trương.

Đến nay, sau gần 3 năm sáp nhập, thôn Tân Cờ đã phát huy được tính đoàn kết, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Phong trào của các đoàn thể tiếp tục được giữ vững và vươn lên dẫn đầu trong xã. Để sáp nhập thôn, khu dân cư thành công thì kinh nghiệm là sự kiên trì tuyên truyền, vận động để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

NGUYỄN BÁ CẤP

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Cờ, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng)


Xem xét kỹ trường hợp đặc thù

Thôn Ngọc Trại, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) hiện có 140 hộ dân với trên 450 nhân khẩu. Theo quy định, thôn Ngọc Trại phải thực hiện sáp nhập với thôn Ngọc Lý. Tuy nhiên, 2 thôn này ở cách xa nhau 1 km, có sự khác nhau rõ ràng về tôn giáo và một số tập quán. Trong khi đó, hiện mọi hoạt động, phong trào ở thôn vẫn được duy trì tốt nên xã và huyện có đề xuất không thực hiện sáp nhập.

Việc sáp nhập, sắp xếp thôn, khu dân cư rất quan trọng và tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân địa phương. Tôi mong muốn các cơ quan cấp trên rà soát, xem xét kỹ lưỡng những trường hợp thực sự đặc thù để triển khai thận trọng, tránh gây mất ổn định và các phong trào ở cơ sở đi xuống sau khi sắp xếp.

NGUYỄN XUÂN THOẢNG

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao cần sắp xếp nhiều thôn, khu dân cư?