Vì sao cải cách hành chính chưa hết nghẽn?

10/10/2018 13:55

Nhiều ý kiến thảo luận tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã phân tích làm rõ nguyên nhân khiến cải cách hành chính vẫn là khâu yếu của tỉnh.

Đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì thảo luận tại hội nghị sáng 10.10

Trong phiên thảo luận hội trường tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVI ngày 10.10, nhiều ý kiến đã phân tích làm rõ nguyên nhân khiến cải cách hành chính (CCHC) vẫn là khâu yếu của tỉnh.

Thái độ làm việc là yếu tố quan trọng

Chủ trì thảo luận đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đặt vấn đề: khi kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCH nửa nhiệm kỳ, đã có nhiều ý kiến khẳng định những bước đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên cũng cần làm rõ trách nhiệm của BCH Đảng bộ tỉnh đối với các hạn chế đã được chỉ ra. Trong đó, đáng quan tâm là kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC. Dù đã được xác định là một trong các khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính vẫn là khâu yếu của tỉnh. Cần làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chú ý đặt cải cách TTHC trong mối liên hệ với các nội dung khác của CCHC như: cải cách thể chế, tài chính công, tổ chức bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính…

Tham gia thảo luận, đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kinh Môn cho rằng hạn chế trong CCHC của tỉnh chủ yếu là do con người. Cụ thể là, một bộ phận cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ công vụ. Một số công chức hạn chế về chuyên môn, thiếu hiểu biết pháp luật, chưa tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện.

Để khắc phục, đồng chí Nguyễn Minh Hùng đề nghị cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với việc thực hiện nhiệm vụ CCHC. Trong đó, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nâng cao trách nhiệm trong CCHC. Tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Toàn tỉnh cần khẩn trương thực hiện một cửa, một cửa liên thông, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, áp dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2,3,4. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ công chức các cơ quan nhà nước. Tỉnh nên xác định rõ thời gian xây dựng, hoàn thành trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Tăng cường kiểm tra các đơn vị mà hoạt động của đơn vị liên quan đến chỉ số PCI cấp tỉnh.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện cho rằng cần đánh giá lại những quy định, phân cấp, phân quyền, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính. Còn nhiều thủ tục, giấy tờ con, lấy ý kiến… rất mất thời gian. Có những hồ sơ giải quyết nhiều tháng không xong. Đơn cử như việc điều chỉnh quy hoạch Đảo Cò phải mất hơn một nhiệm kỳ mới xong.

Đề cập đến nguyên nhân chỉ số PCI của tỉnh giảm, đồng chí Phan Trọng Khánh, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh nêu hiện doanh nghiệp có 2 ý kiến liên quan đến ngành thanh tra. Doanh nghiệp cho rằng số cuộc thanh tra còn nhiều. Tinh thần, thái độ của một số công chức khi làm nhiệm vụ thanh tra chưa tốt, thời gian vật chất dành để doanh nghiệp tiếp thanh tra còn nhiều. Đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới hạn chế này.

Thực tế, ngành thanh tra đã phối hợp với một số ngành như ngân hàng, thuế, kho bạc… rà soát các cuộc thanh tra theo kế hoạch để có sự điều chỉnh, tránh chồng chéo, bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh. Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp chưa phân biệt được đâu là thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, đột xuất, thường kỳ…Có doanh nghiệp chưa nắm được hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể. Do đó, đã thống kê cả các cuộc làm việc của các tổ chức đảng, đoàn thể vào hoạt động thanh tra, khiến số cuộc thanh tra tăng lên rất nhiều. Một số doanh nghiệp chưa chấp hành tốt quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Nhiều doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động manh mún, chống đối, chưa thực hiện tốt quy định pháp luật về môi trường, lao động, thực hiện chính sách thuế. Vì vậy tăng cường thanh tra doanh nghiệp như vậy là yêu cầu cần thiết.

Đồng chí Bùi Quang Toản, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh thảo luận, làm rõ một số vấn đề liên quan đến giáo dục
Đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh cũng đề nghị, để không còn phản ứng tiêu cực của doanh nghiệp đối với hoạt động thanh tra thì các ngành cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, bảo đảm không chồng chéo. UBND cấp huyện và các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường giáo dục đạo đức công vụ với cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; thực hiện đúng quy trình, thủ tục đã đề ra trong thanh tra. Việc thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất là cần thiết để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thái độ làm việc của công chức khi thanh tra rất quan trọng, nếu thái độ không tốt, có biểu hiện nhũng nhiễu, làm phiền doanh nghiệp thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước sẽ khó tốt được.

Cần đưa ngoại ngữ thành môn bắt buộc ở tiểu học

Đồng chí Vũ Văn Lương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 1.300 giáo viên dạy ngoại ngữ từ cấp tiểu học đến THPT, trong đó có 80% số giáo viên đạt tiêu chuẩn khung tham chiếu Châu Âu. Tuy nhiên, so với yêu cầu hiện nay, tỉnh vẫn cần phải cố gắng nâng cao chất lượng giáo viên ngoại ngữ. Đồng chí đề nghị cần sớm khắc phục bất cập trong việc dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học. Hiện nay, môn ngoại ngữ chưa phải là môn bắt buộc ở cấp tiểu học. Trong khi đó, việc học ngoại ngữ ở độ tuổi càng sớm càng tốt. Vì vậy, tới đây sẽ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ngoại ngữ là môn học bắt buộc ở cấp tiểu học. Đồng chí Vũ Hồng Khiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh, Xã hội cũng cho rằng một trong các hạn chế của giáo dục hiện nay là chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

 Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kinh Môn phát biểu thảo luận

Khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện việc giáo dục kỹ năng sống gặp nhiều khó khăn về lực lượng giáo viên, môi trường giáo dục, quỹ thời gian giảng dạy và kinh phí giành cho môn học này. Sở đề nghị các địa phương, phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện, ủng hộ để hoạt động giáo dục kỹ năng phát huy hiệu quả.

Hiện nay, việc tổ chức bán trú trong trường mầm non, tiểu học rất quan trọng. Vì phần lớn phụ huynh đang làm việc trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp nên con cái phải học bán trú mới có thời gian, yên tâm làm việc. Hiện 100% trường mầm non đã tổ chức bán trú. Tuy nhiên mới có 40% trường tiểu học tổ chức được bán trú và cấp THCS thì rất thấp. Đề nghị tỉnh có chỉ đạo, tập trung cao để việc tổ chức bán trú thực hiệu hiệu quả hơn nữa.

Đồng chí Trần Văn Quân nêu vấn đề hiện tỉnh đã quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đội ngũ trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương không đồng đều. Những nơi có điều kiện thì việc đầu tư  xây dựng lãng phí, không sử dụng hết như nhà đa năng, sân chơi, bãi tập, phòng thực hành. Nhưng có nơi lại chưa được đầu tư đúng mức, thậm chí không đủ phòng học, phải học nhờ... 

Đồng chí Trần Văn Quân đề nghị ngành giáo dục và đào tạo, xem xét công tác đào tạo liên kết với các doanh nghiệp. Mục tiêu thì tốt nhưng việc thực hiện còn nhiều ý kiến trái chiều trong nhân dân và ngay cả trong ngành giáo dục. Một số trung tâm, doanh nghiệp không đủ năng lực đào tạo. Cần xem xét, kiểm định chất lượng, đánh giá để phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt hơn.

Đồng chí Bùi Quang Toản, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh nêu số học sinh ở các địa phương vào bậc tiểu học ngày càng tăng cao nhưng số lượng giáo viên bị cắt giảm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Chế độ chính sách, mức thu nhập của giáo viên theo quy định còn rất thấp. Cần có cơ chế tự chủ phù hợp để các trường phát huy nội lực; quan tâm bảo đảm, nâng cao đời sống giáo viên và thu hút nhân tài.

Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện tham gia thảo luận

Về việc phân luồng học sinh sau THCS, đồng chí Vũ Văn Lương phản ánh trên địa bàn tỉnh có nhiều trường dạy nghề uy tín tuy nhiên tâm lý các bậc phụ huynh muốn con phải có bằng đại học nên việc phân luồng học sinh từ cấp THCS còn gặp khó khăn, trở ngại. Cần tuyên truyền, định hướng để học sinh, phụ huynh hiểu được đại học không phải con đường duy nhất để vào đời, nhất là đối với các em học sinh có học lực trung bình.

Về giáo dục nghề nghiệp, đồng chí Vũ Hồng Khiêm cho rằng báo cáo của tỉnh chưa đề cập sâu đến hoạt động này. Toàn tỉnh có 40 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó có 8 cơ sở của trung ương, còn lại của tỉnh và huyện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh gần 10% từ năm 2013 đến nay, cho thấy hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã có chuyển biến. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức đào tạo dưới nhiều hình thức, song vẫn còn nhiều khó khăn. Việc sáp nhập các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên đã xong nhưng thực tế hiện mới chỉ tập trung dạy văn hóa, yếu tố giáo dục nghề nghiệp chưa rõ. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về việc thu góp không đúng quy định, đồng chí Vũ Hồng Khiêm đề nghị cần nhìn nhận nguyên nhân thực tế do nhiều nơi khó khăn về cơ sở vật chất, mục tiêu phấn đấu trường chuẩn, nhiều phong trào đòi hỏi chi tiêu trong khi ngân sách cấp cho các trường eo hẹp, dẫn đến việc nhà trường phải đặt ra các khoản thu để bù đắp thiếu hụt kinh phí. Để giải quyết cần tăng đầu tư cho giáo dục hoặc tạo cơ chế để huy động nguồn lực bù đắp cho giáo dục.

 THANH MAI - HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao cải cách hành chính chưa hết nghẽn?