Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng Sác nằm ngay vùng ven Sài Gòn, là nơi khắc ghi dấu ấn của Đoàn 10 đặc công rừng Sác (Đoàn 10) với những chiến công hiển hách.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng Sác (nay thuộc huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) nằm ngay vùng ven Sài Gòn, là nơi khắc ghi dấu ấn của Đoàn 10 đặc công rừng Sác (Đoàn 10) với những chiến công hiển hách. Với lối đánh “xuất quỷ, nhập thần”, bất ngờ và táo bạo, Đoàn 10 đã nhiều lần chia cắt tuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí của Mỹ chi viện cho chính quyền Ngụy ở Sài Gòn.
Trải qua 9 năm (từ năm 1966 - 1975), Đoàn 10 đặc công rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch. Nhưng trên hết, các chiến sỹ đặc công đã chia cắt nguồn cung ứng của Mỹ cho Sài Gòn, khiến địch trở tay không kịp…
Đội quân “kỳ lạ”
Năm 1965, đế quốc Mỹ thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chuyển sang “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ, chư hầu cùng các phương tiện chiến tranh ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Địch xác định sông Lòng Tàu là đường giao thông thủy huyết mạch cho việc vận tải quân sự từ biển Đông về nội đô Sài Gòn.
Trước tình hình đó, đánh giá địa bàn Rừng Sác là nơi có tính chất chiến lược quan trọng, ngày 15.4.1966, Bộ Chỉ huy Miền ra quyết định thành lập Đặc khu quân sự rừng Sác (Mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 đặc công Rừng Sác), với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (đơn vị Chủ đầu tư Dự án tôn tạo Khu Di tích lịch sử chiến khu rừng Sác) cho rằng, nếu địa đạo Củ Chi là “căn cứ chìm” thì Đặc khu quân sự Rừng Sác là “căn cứ nổi”.
Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của một chiến khu trên mặt nước, lại ở vị trí “sân sau” của kẻ thù, để đảm bảo sự tồn tại và tiến công được, lực lượng đặc công Rừng Sác phải xây dựng theo hướng đặc công hóa toàn bộ về tổ chức và hoạt động.
Vì thế, Đoàn 10 đặc công rừng Sác được thành lập với phương châm bám dân, bám đất, bám vào địa hình dày đặc sông rạch, len lỏi trong các vùng nhân dân che chở để xây dựng thế trận lòng dân; đồng thời thực hiện nhiệm vụ bằng mọi cách đánh địch trên các dòng sông để tiêu diệt sinh lực địch và nguồn cung ứng của địch cho Sài Gòn.
Một trong những trận nổi tiếng diễn ra khi Đoàn 10 mới thành lập là trận đánh tàu Victory vào tháng 8.1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victory chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực, thực phẩm… cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966 - 1967.
Dưới sông, tàu địch tuần tra liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sỹ đặc công Rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, ngụy trang dưới bùn. Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23.8, khi tàu Victory đi qua, hai quả thủy lôi của chiến sỹ Đoàn 10 đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10.000 tấn cùng khí giới chìm xuống lòng sông.
Với lối đánh bất ngờ, táo bạo và đầy sáng tạo, trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn 10 Rừng Sác đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, đánh chìm và đốt cháy 356 tàu chiến đấu; đánh đắm 13 tàu vận tải từ 8.000 - 13.000 tấn, bắn cháy 145 tàu vận tải khác, bắn rơi 29 máy bay trực thăng; thiêu hủy 110 nghìn tấn bom đạn, 250 triệu lít xăng dầu của địch…
Chính lối đánh “xuất quỷ nhập thần”, bất ngờ táo bạo của Đoàn 10, đã buộc Tướng Mỹ W. Westmoreland, Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam phải thừa nhận, những người lính Mỹ ở đây đã gặp phải “một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ”.
Chia cắt địch
Cựu chiến binh, Đại úy Cao Hùng Ngọt, nguyên Đội trưởng Đội 5 (cấp Đại đội, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác), năm nay đã 79 tuổi, vẫn nhớ như in về trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè năm xưa, bởi đây là trận đánh vang danh của Đội 5, tập thể hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân chỉ trong 3 năm (1972 và 1975).
Đại úy Cao Hùng Ngọt (nguyên Đội trưởng Đội 5) giới thiệu những chiến tích được ghi trong sách của Đội 5, đơn vị hai lần được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Sau Mậu Thân 1968, địch đem quân càn quét khắp nơi, Đội 5 do ông Cao Hùng Ngọt cũng như nhiều đơn vị khác của Đoàn 10 bị thiệt hại nặng nề. Đại úy Cao Hùng Ngọt cho biết, để tăng cường lực lượng cho Đoàn 10, cấp trên đã chi viện “đặc công khô” từ miền Bắc về Rừng Sác. Chính nhờ vậy, trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè năm 1973 được ghi nhận là chiến tích đặc biệt với lối đánh “đồng hóa đặc công khô và đặc công nước”.
Tư liệu “Lịch sử về Trung đoàn 10 rừng Sác anh hùng” ghi lại rất rõ trận đánh “vang danh” ở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Từ một thương cảng, Mỹ đã biến Kho xăng dầu Nhà Bè thành quân cảng tiếp nhận nguyên liệu, xăng dầu phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trong đó có các hãng xăng dầu lớn trên thế giới. Số lượng xăng dầu tại đây đủ cung ứng cho 60% nhu cầu xăng dầu dân sự và quân sự của miền Nam.
Để thực hiện kế hoạch, Đoàn 10 thống nhất giao nhiệm vụ cho Đội 5, do Đội trưởng Cao Hùng Ngọt chỉ huy chung, tổ chức một đội gồm 8 đồng chí có tăng cường thêm các chiến sỹ giỏi của đơn vị khác.
“Tháng 2.1973, cấp trên giao cho Đội 5 đi thâm nhập thực tế, tìm lối vào kho xăng dầu vốn được canh chừng cẩn mật với nhiều lớp bảo vệ. Phải mất 5 tháng nghiên cứu, nắm thông tin, chúng tôi mới tìm được cách tấn công vào kho xăng dầu. Qua đó, đơn vị đã chuẩn bị lực lượng, sa bàn và khối lượng thuốc nổ có thể công phá cả kho xăng dầu rộng lớn. Khi kế hoạch được phê chuẩn, Đội 5 sẵn sàng cho trận đánh vào cuối năm 1973.”, ông Cao Hùng Ngọt nhớ lại.
Với kỹ thuật đánh đặc công, phối hợp nhịp nhàng và lòng quả cảm, 8 dũng sĩ của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã vượt qua các trạm gác, chướng ngại vật để thâm nhập vào các vị trí then chốt của kho xăng dầu.
Giữa đêm khuya, vụ nổ lớn đồng loạt đã làm rung chuyển Sài Gòn, lửa cháy ngùn ngụt suốt 12 ngày đêm… khiến địch phải xả dầu ra sông để tránh nguy cơ lan rộng. Thiệt hại của địch vô số kể, nhất là nguồn nguyên liệu của Mỹ cung ứng cho miền Nam bị thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng đến kế hoạch chung.
Kể về đêm lịch sử đó, ông Cao Hùng Ngọt cho biết: Do lối vào gặp khó khăn với 12 lớp hàng rào bảo vệ, nên phải đến gần 1 giờ ngày 3.12, anh em trong đội mới đồng loạt cho nổ được Tổng kho. Trận đó, chúng tôi đánh nổ 80 kg thuốc nổ C4 ở 80 vị trí khác nhau, bởi các thùng chứa xăng dầu được sản xuất bằng vỏ gang rất dày.
Ông Cao Hùng Ngọt chia sẻ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh nổ kho xăng dầu, anh em trong đội nhanh chóng tìm lối thoát ra. Tuy nhiên, do đây là nơi được canh gác cẩn mật, “vào dễ khó ra”, hai đồng đội của ông là Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm đã bị địch bắt giữ lúc 8 giờ. Để bảo vệ tuyệt đối bí mật tổ chức, cả hai đồng chí ấy đã tự sát khi bị địch bắt lên tàu.
Gắn bó hơn 10 năm ở Đoàn 10 (từ năm 1966 đến 1977), Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác ấn tượng nhất là trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Ở tuổi gần 90, trí nhớ đã giảm, không còn nhớ những chi tiết, nhưng hình ảnh ngọn lửa bùng cháy rực trời Sài Gòn mãi không phai trong tâm trí ông.
Phân tích về chiến công năm xưa, Thiếu tướng Trần Thành Lập cho rằng, nhờ chúng ta nghiên cứu kỹ vị trí, cách thức vận hành của địch nên đã chọn đúng điểm đột phá. Với quân số chỉ 8 người (chưa đầy 1 tiểu đội), Đội gồm những chiến sỹ rất giỏi, đã thực hiện thành công nhiệm vụ, tiêu hủy 250 triệu lít xăng dầu, 12 bồn butagas, 1 tàu tải trọng lớn và các kho chứa hàng hóa của địch.
Theo Thiếu tướng Trần Thành Lập, các chiến sỹ đặc công Đoàn 10 đã đánh chìm nhiều tàu vận tải quân sự của Mỹ trên sông Lòng Tàu. Đây là tuyến huyết mạch của Mỹ trong vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự từ biển vào chi viện cho Mỹ - Ngụy. Do đó, việc “phá vỡ, chia cắt” này có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm sức mạnh của đối phương.
Chính những trận đánh trên sông Lòng Tàu, ở cảng Nhà Bè của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác phá hủy nhiều tàu vận tải quân sự cỡ lớn của địch, có trận đánh chìm hàng chục tàu quân sự của Mỹ… đã làm hạn chế sự vận chuyển tiếp tế đường giao thông huyết mạch của Mỹ cho chiến trường miền Nam. Đây là những thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch chung của Mỹ - Ngụy trong chiến tranh.
Theo TTXVN
Bài 2: Ký ức một thời trai trẻ