Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Bài cuối: Sức sống từ thực tiễn

07/05/2020 09:04

Sự đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc chính là nguồn lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, khắc nghiệt, để lại những dấu ấn hào hùng trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.


>> Bài 2: Đảng có vững, cách mạng mới thành công

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống. Trong ảnh: Nhiều sản phẩm Việt tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam được người tiêu dùng lựa chọn (ảnh tư liệu)


Thực tiễn cách mạng Việt Nam 90 năm qua là hiện thực sinh động khẳng định việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là một bài học, nguyên tắc căn bản trong đường lối cách mạng của Đảng.

Giành nhiều thắng lợi

Sự đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc chính là nguồn lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, khắc nghiệt, để lại những dấu ấn hào hùng trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.

Thời kỳ cách mạng 1930 - 1945, việc giác ngộ, rèn luyện quần chúng đấu tranh của Đảng, sức mạnh của quần chúng đã được tập hợp và phát huy trong một mặt trận. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, cuộc vận động chắp nối, khôi phục cách mạng 1932 - 1935, phong trào dân chủ 1936 - 1939, hàng triệu quần chúng đã được huy động tham gia biểu tình, trở thành lực lượng chính trị đông đảo cho cách mạng. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945, tinh thần đấu tranh của quần chúng được đẩy lên đỉnh điểm, đâu đâu quần chúng cũng bí mật rèn vũ khí, may cờ, tham gia khởi nghĩa đưa tới thành công của Cách mạng Tháng Tám (1945). Khẳng định về thành công của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình”.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc (1945 - 1975), truyền thống đoàn kết của dân tộc được nâng lên tầm cao mới, trở thành động lực và sức mạnh chủ yếu của dân tộc. Khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được mở rộng và tiếp tục phát triển, góp phần động viên toàn dân lập nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và những thắng lợi của nhân dân hai miền Nam-Bắc, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt 21 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

Trong công cuộc đổi mới, nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nói như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".

Trong nhiều năm qua, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện đã ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Trong đó, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; xóa đói, giảm nghèo; lá lành đùm lá rách; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tội phạm… cùng các phong trào “Uống nước nhớ nguồn", “Đền ơn đáp nghĩa", “Ngày vì người nghèo", “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đại dịch Covid-19, một lần nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã giúp nước ta chống dịch hiệu quả, được các nước trên thế giới đánh giá cao.

Xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh

Thực tiễn trong 90 năm qua của cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xem đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng. Đảng một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Lịch sử những chặng đường đã qua chứng minh Đảng ta với tư cách là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) cũng chỉ rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo".

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Trong gần 30 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về xây dựng Đảng, trong đó điển hình là 4 Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gồm Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII); Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) (khóa VIII); Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Các cuộc chỉnh đốn Đảng đã mang lại những kết quả tích cực, nhiều mặt. Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh và có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước những tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...

Từ thực tiễn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta rút ra các bài học kinh nghiệm. Đó là, phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên trì giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển, giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế. Kết hợp giữa “xây” và “chống”.  Đi đôi với giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng phải tôn trọng, phát huy đầy đủ tính chủ động, tích cực của các tổ chức thành viên hệ thống chính trị. Huy động, lôi cuốn, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phải “đưa chính trị vào giữa dân gian”. Có nhiều kênh phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trong đó cần đặc biệt coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

TM(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Bài cuối: Sức sống từ thực tiễn