Tư tưởng đoàn kết trong thơ chúc Tết của Bác Hồ

25/01/2020 13:10

Thơ ca với Người không chỉ để chia sẻ bao vui buồn giữa bộn bề công việc mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với sự đoàn kết của toàn dân.


Bác Hồ chúc Tết người dân tỉnh Hà Bắc năm 1967. Ảnh tư liệu

Trong tâm tưởng mỗi con người Việt Nam, chắc hẳn không ai có thể quên hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp Bài ca kết đoàn với một phong thái ung dung, thanh thoát vào đêm 19.9.1960 tại vườn Bách Thảo - nơi nhân dân Thủ đô vui mừng tổ chức liên hoan chào mừng Đại hội III của Đảng.

Bức ảnh ấy đã nhanh chóng lan truyền và tạo được một hiệu ứng sâu sắc đối với nhân dân cả nước bởi lẽ qua đó đã nói hộ với mọi người về một tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời của Bác: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công".

Với tư cách là nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc, suốt cuộc đời chiến đấu và sáng tác đầy khổ luyện của mình, Hồ Chí Minh bao giờ cũng lấy văn học nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền, động viên nhân dân đứng lên đấu tranh xóa bỏ cùm gông, xiềng xích.

Thơ ca với Người không chỉ để chia sẻ bao vui buồn giữa bộn bề công việc mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với sự đoàn kết của toàn dân. Vì vậy, Người chỉ rõ: “Chỉ có đoàn kết phấn đấu, nước ta mới được độc lập”, “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt thì chúng ta nhất định khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi mà làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta” (Bài nói chuyện ngày 30.11.1954 với anh chị em công chức Thủ đô).

Tư tưởng đoàn kết trong thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bắt đầu từ tư tưởng và đời sống thường nhật của Bác. Ngay trong những tháng ngày bị giam cầm nơi nhà lao Tưởng Giới Thạch, với ý chí kiên cường và bàn lĩnh phi thường của một con người đại nhân, đại dũng, Bác Hồ đã biết cảm thông với những con người cùng khổ.

Chính xuất phát từ tình yêu giai cấp, Người nhận thấy cần phải có một sức mạnh tổng hợp giữa những người có chung hoàn cảnh. Vì vậy, khi viết "Nhật ký trong tù" giữa đói rét và bệnh tật "tiều tụy còn hơn mười năm trời" ấy, Bác đã bày tỏ một ý thức đứng về phía những con người bất hạnh.

Không nói rõ và cụ thể như thơ ca viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp khi Người đã là Chủ tịch nước, nhiều bài thơ trong "Nhật ký trong tù" vẫn tràn đầy cảm hứng về tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả để chống lại những thế lực chà đạp lên lợi ích và nguyện vọng chính đáng của con người:

Thương anh da bọc lấy xương
Khổ đau đói rét hết phương sống rồi
Đêm qua còn ngủ bên tôi
Sáng nay anh đã về nơi suối vàng


Tư tưởng đoàn kết trong thơ Bác bắt đầu xuất phát từ lập trường. Lập trường có đúng đắn thì sự đoàn kết mới đi đến chính nghĩa. Sau này về nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thần thánh, Người càng nhận thức rõ hơn vai trò và sức mạnh của sự đoàn kết. Theo Bác, khi có đoàn kết thì dù việc lớn đến đâu cũng thành công.

Giản dị, nôm na như những bài ca dao mộc mạc, thơ Bác tuyên truyền đi thẳng trực tiếp vào tâm hồn và tình cảm của nhân dân. Bài thơ "Hòn đá" mộc mạc như những câu vè song lại chứa đựng một tư tưởng lớn lao về sự đoàn kết, nhất trí. Một hòn đá to, một người không thể nhấc, nhưng nhiều người phối hợp sức lực chắc chắn sẽ nhấc bổng và di dời như không.

Cứ tâm tình như chính từ thực tế cuộc sống, Bác lấy từ hình tượng hòn đá to, hòn đá nhỏ để đi đến cuộc xung đột giữa con cáo và tổ ong. Con cáo thấy tổ ong đầy mật ngọt thì thèm quá, định đến cướp và "ăn ngay cho giòn" nhưng tổ ong nhờ đoàn kết, thống nhất, quyết tâm đuổi con cáo tham lam, hung bạo đã vây tròn và đánh cho cáo một trận:

Ong thấy cáo muốn cướp con
Kéo nhau xúm lại vây tròn cáo ta
Châm đầu châm mắt cáo già
Cáo già đau quá phải sa xuống rồi


Chiến thắng vẻ vang của bầy ong đã khẳng định đoàn kết là sức mạnh vô địch, từ đó Hồ Chí Minh đi đến kết luận:

Ong kia yêu giống yêu nòi
Đồng tâm hiệp lực đuổi loài cáo đi


Trong thơ ca chống Pháp, nhờ sống gần dân, đất nước lại đang rơi vào tình cảnh bị đế quốc xâu xé, chia rẽ đoàn kết dân tộc, hơn lúc nào hết, Bác Hồ đã là tấm gương đi đầu, sống chan hòa, thân ái và đoàn kết với mọi người nên thơ Bác dung dị mà đằm thắm, hồn nhiên mà sâu sắc, giản dị song lại hàm súc biết bao. Ca sợi chỉ - một bài thơ kể lại quá trình hình thành tấm áo từ những sợi chỉ mỏng manh, yếu ớt, một lần nữa Bác khẳng định với mọi người rằng: Chỉ có đoàn kết mới thật sự trở nên vững bền, chắc chắn, không thế lực nào có thể bức phá được.

Nói đến tư tưởng đoàn kết trong thơ Hồ Chí Minh, chúng ta không thể bỏ qua mảng thơ chúc Tết năm mới của Người. Có thể nói, toàn bộ các giai phẩm xuân tuyệt đẹp này, tư tưởng đoàn kết là sức mạnh vô địch, là nguyên nhân dẫn đến mọi thành công trở thành mạch cảm xúc xuyên suốt, thấu triệt qua từng ngôn từ, hình ảnh, cấu tứ.

Ngay từ bài thơ chúc Tết đầu tiên Tết Nhâm Ngọ năm 1942 ở căn cứ địa Cao Bằng, Người đã viết:  "Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong/Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi/ Chúc đồng bào ta đoàn kết mau/Chúc Việt Minh ta càng tiến tới/Chúc toàn quân ta trong năm này/Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới".

Sau chiến thắng Việt Bắc năm 1947, giữa không khí rộn ràng của toàn quân và toàn dân, mùa xuân Mậu Tý năm 1948, Bác đã có thơ chúc Tết với giọng thơ hào sảng tràn đầy niềm tin và khí thế thắng lợi nhưng vẫn không quên nhắc nhở đồng bào đoàn kết một lòng để sớm thống nhất non sông:

“Gửi lời chúc đồng bào
Kháng chiến được thắng lợi
Toàn dân “Đại đoàn kết”, cả nước dốc một lòng
Thống nhất chắc chắn được
Độc lập quyết thành công”.


Đến mùa xuân 1954, năm chúng ta bắt đầu mở chiến dịch Đông - Xuân mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, trước nhiệm vụ trọng đại và nặng nề, có vui năm mới, song Người đã không quên dặn dò thật kỹ các nhiệm vụ lớn lao mà toàn quân và toàn dân phải đoàn kết mới đi đến được thắng lợi:

“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành
Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,
Cải cách ruộng đất là công việc rất to,
Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn,
Quân và dân ta nhất trí “Kết đoàn”
Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công…”.


Sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", miền Bắc bắt tay vào công cuộc khôi phục đất nước, phát triển kinh tế, thơ chúc Tết mùa xuân năm Kỷ Hợi 1959 của Người tuy ngắn gọn chỉ vỏn vẹn 4 câu, song đã góp phần định hướng tư tưởng cho toàn dân, nhất là tư tưởng đoàn kết:

“Chúc mừng đồng bào năm mới
Đoàn kết thi đua tiến tới
Hoàn thành kế hoạch ba năm
Thống nhất nước nhà thắng lợi”


Năm 1960, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước và 30 năm Đảng ra đời, hóm hỉnh và tươi vui, thơ chúc Tết của Bác Hồ năm đó được đọc trong không khí công cuộc xây dựng ở miền Bắc có nhiều thắng lợi, miền Nam thành đồng Tổ quốc kháng chiến ngày càng tấn tới nên nghe hào sảng, tràn đầy niềm tin tưởng, lạc quan:

“Mừng nhà nước ta 15 xuân xanh,
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ,
Chúc đồng bào ta “Đoàn kết” thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa,
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ,
Cả nước một lòng hăng hái tiến lên,
Thống nhất nước nhà Bắc Nam vui vẻ”.


Ngay cả khi Mỹ đưa quân viễn chinh vào bắn phá cách mạng miền Nam, tư tưởng đoàn kết trong thơ Bác lại càng hào sảng hơn, mạnh mẽ hơn, quyết lệt hơn. Nhân dân vừa thi đua sản xuất, thi đua chiến đấu, nghe thơ chúc Tết của người lại càng thêm phấn khởi hăng hái:

Mừng miền Nam rực rỡ chiến công.
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng
Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng
Đồng bào cả nước “Đoàn kết” một lòng
Tiền tuyến, hậu phương toàn dân cố gắng
Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong
Chống Mỹ, cứu nước ta nhất định thắng


Thơ Bác chính là tâm hồn, tư tưởng của Bác. Suốt cuộc đời Người, ham muốn tột bậc là đem lại độc lập, tự do cho đất nước, cuộc sống no ấm đến với nhân dân, dù khó mấy vẫn quyết chí làm cho bằng được. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần lời dạy về tinh thần đại đoàn kết, nhân mùa xuân về, đọc một số bài thơ của Bác, chúng ta càng thêm tin tưởng vào con đường mà Bác đã chọn, cùng nhau phấn đấu thực hiện lời Di chúc thiêng liêng của Người trước lúc đi xa: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

LÊ THÀNH VĂN

(0) Bình luận
Tư tưởng đoàn kết trong thơ chúc Tết của Bác Hồ