Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

31/10/2019 09:56

Chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn khách quan, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) phát biểu tại hội trường ngày 30.10

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ​​​​với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bước đầu đã thu được kết quả quan trọng. Đã giảm được nhiều đầu mối tổ chức; bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị được cơ cấu lại; một số cơ quan được hợp nhất, sáp nhập; nhiều đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chí về dân số và diện tích được sắp xếp lại; tăng cường kiêm nhiệm giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và người hoạt động không chuyên trách; tinh giản biên chế theo đúng lộ trình. Từ đó đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Thực tiễn 2 năm qua cho thấy, chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn khách quan, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Chính phủ đã chỉ rõ hạn chế tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tinh gọn. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; xã hội hóa sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu.

Điều này phản ánh khá rõ trong chi ngân sách thường xuyên. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã cho thấy, tỷ lệ chi thường xuyên có xu hướng giảm, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong ngân sách. Nhiều địa phương nguồn thu thấp nhưng chi thường xuyên vẫn còn cao, nguồn lực chi cho đầu tư phát triển còn rất hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 08 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu đạt mục tiêu, đến năm 2021 giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; đến năm 2025 tiếp tục giảm 10%. Đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu như lĩnh giáo dục và y tế.

Hai là: Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao. Khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học và công nghệ. Thực hiện chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp; kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng xã hội hóa cao. Đồng thời, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cần có lộ trình phù hợp thực hiện cơ chế tự chủ; riêng lĩnh vực giáo dục và y tế nhà nước cần bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên cũng như đầu tư để thực hiện công bằng về an sinh xã hội giữa các vùng, miền.  

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cơ chế tự chủ, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập mà theo lộ trình thực hiện phải hoàn thành trong năm 2018. Đồng thời cần ban hành đầy đủ định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công; quy định khung giá dịch vụ sự nghiệp công, tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu để có căn cứ thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Ba là: Hoàn thiện tiêu chí để xác định biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh vực; hệ thống tiêu chuẩn chức danh những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Quản lý chặt chẽ biên chế và chấm dứt việc sử dụng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập vượt quá số lượng đã được cơ quan có thẩm quyền giao.

Bốn là: Cần nâng cao năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Thực hiện, chỉ đạo việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian.

PHẠM XUÂN THĂNG
(Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương)

(0) Bình luận
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập