Thêm tự hào về mảnh đất Điện Biên

06/05/2019 08:23

Chia tay mảnh đất Điện Biên, trong tôi thêm tự hào, hãnh diện về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng...


Các đoàn khách tham quan di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) những ngày đầu tháng 5 trở nên náo nhiệt hơn, dòng người từ khắp nơi đổ về thăm lại chiến trường xưa - nơi mà 65 năm về trước quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Từ Hà Nội, đoàn chúng tôi khởi hành lúc trời còn tờ mờ sáng, vượt gần 600 km đường quanh co, khúc khuỷu, đến xế chiều thì lên đến Điện Biên. Là thế hệ sinh ra, lớn lên trong thời bình, tuy không được chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc, chỉ biết Điện Biên qua những trang sách, những lời kể của các nhân chứng lịch sử, nhưng lần đầu được đến mảnh đất này, trong lòng tôi bỗng dâng trào nhiều cảm xúc. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, biểu tượng sáng ngời của ý chí, sức mạnh Việt Nam.

Một trong những điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Nghĩa trang đồi A1 – nơi 644 liệt sĩ nằm lại, những người đã không về trong cuộc chiến 56 ngày đêm ròng rã năm xưa. Những ngày này, nơi đây ngào ngạt hương khói và lòng tri ân của người đang sống với những người đã mất. Trong dòng người đến viếng nghĩa trang, tôi gặp một ông cụ mái tóc bạc phơ, ngồi trầm ngâm rất lâu trước một ngôi mộ vô danh ở Nghĩa trang đồi A1. Hỏi thăm mới biết ông là Nguyễn Kim Sao, ở phường Tiên Cát, TP Việt Trì (Phú Thọ), nguyên là chiến sĩ Đại đội 13, Trung đoàn 148. Thắp nén nhang cho những người đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất Điện Biên, điều mà ông Sao trăn trở chính là những nấm mồ vô danh. “Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại lên đây thắp hương cho các liệt sĩ; những người mà hôm trước còn cùng ăn, cùng ngủ với mình mà hôm sau đã hy sinh. Nhiều đồng chí vừa mới bổ sung vào đơn vị, chưa kịp biết tên, quê quán của nhau đã hy sinh; chỉ huy cũng chưa kịp biết tên, nhớ mặt chiến sĩ”, ông Sao chia sẻ.


Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Cách Nghĩa trang A1 không xa là di tích đồi A1 – điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Địch đã bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự trận địa kiên cố, vững chắc. Trận trên đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Gần 90 tuổi, mắt mờ, chân cũng yếu, mỗi lần lên thăm lại chiến trường xưa, cựu chiến binh Phạm Bá Miều, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 31, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 phải nhờ con cháu dìu đi. Khi chúng tôi hỏi ký ức về những năm tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và trận đánh đồi A1 thì gương mặt ông hãnh diện, tự hào, ông kể rõ từng chi tiết cách bố trí xây dựng công sự trận địa và tiến công của quân ta. “Trận đồi A1 bắt đầu từ ngày 30.3.1954; sau 38 ngày đêm chiến đấu liên tục, tại đây quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 4 tiểu đoàn quân tinh nhuệ, đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn quân cơ động, diệt và bắn bị thương nhiều xe tăng, xe cơ giới của địch. Vào những ngày cuối của trận đánh, quân ta đã bí mật đào một đường hầm đặt khối thuốc nổ nặng 1.000 kg và cho điểm hỏa vào đêm 6.5. Chiến thắng trên đồi A1, quân ta tiếp tục tiến đánh địch tại trung tâm tập đoàn cứ điểm, bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ quân Pháp tại đây”, ông Miều nhớ lại.


Nơi làm việc của Ban Thông tin chiến dịch Điện Biên Phủ

Đang kể với giọng hào sảng, bỗng giọng của ông Phạm Bá Miều trầm xuống, nước mắt cứ chảy ra từ khóe mắt, ông bảo: "Trận đánh đồi A1 rất nhiều đồng đội của tôi mãi nằm lại nơi này. Tiểu đội tôi 11 người lên thì 9 đồng chí hy sinh".

Theo chân chị Bạch Thị Hoàn, thuyết minh viên của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi đến tham quan căn hầm của Đờ Cát nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Giới thiệu với đoàn khách về di tích lịch sử hầm Đờ Cát, chị Hoàn cho biết: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xung quanh hầm là những hàng rào dây thép gai, những bãi mìn dày đặc, bốn góc là 4 chiếc xe tăng và phía tây là một trận địa pháo bảo vệ. Hầm dài 20 m, rộng 8 m, chia làm 4 ngăn, là những phòng làm việc và nghỉ ngơi của Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cũng tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao của Anh, Pháp, Mỹ và các nhà báo lên thăm Điện Biên Phủ. Đúng 17 giờ 30 ngày 7.5.1954, đồng chí Tạ Quốc Luật, Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 dẫn đầu đơn vị, chiếm hầm Đờ Cát, bắt toàn bộ Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm ra hàng, kết thúc Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”.

Chăm chú nghe từng lời của thuyết minh viên, em Nguyễn Ngọc Hà, học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản, TP Phủ Lý (Hà Nam) chia sẻ: “Trước đây, chúng em chỉ biết đến Điện Biên Phủ qua những trang sử hoặc những câu chuyện của cha ông kể lại. Đây là lần đầu tiên em được đến mảnh đất Điện Biên. Sau khi tham quan các di tích lịch sử như Nghĩa trang A1, Nghĩa trang Độc Lập, hầm Đờ Cát, Sở chỉ huy Mường Phăng, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ... em càng thêm cảm phục, tự hào và biết ơn sự hy sinh anh dũng của cha ông. Là thế hệ trẻ, chúng em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chia tay mảnh đất Điện Biên, trong tôi thêm tự hào, hãnh diện về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; đó là thắng lợi của ý chí quật cường, bất khuất của cả dân tộc chống lại chủ nghĩa thực dân đế quốc. Thế hệ trẻ chúng tôi mãi mãi ghi nhớ công ơn của những người anh hùng đã hiến trọn đời mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

NGUYỄN THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm tự hào về mảnh đất Điện Biên