Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

14/11/2020 07:05

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta vận dụng thực hiện một cách sáng tạo trong suốt quá trình cách mạng.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng thăm hỏi, động viên cụ Nguyễn Thị Gấm nhân dịp dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Đa Cốc, xã Lê Lợi (TP Chí Linh). Ảnh: Tiến Mạnh

90 năm qua, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng, khối đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc mà MTTQ Việt Nam là hạt nhân, là tổ chức liên minh các lực lượng xã hội tạo thành lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc và đang tiếp tục giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước.

Vì đâu có sự đoàn kết và thắng lợi như vậy? Vì Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là nền tảng tư tưởng của Đảng về ĐĐK toàn dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐĐK toàn dân tộc được Đảng ta vận dụng thực hiện một cách sáng tạo trong suốt quá trình cách mạng, thể hiện ở các nội dung chính sau:

Thứ nhất, ĐĐK dân tộc là vấn đề chiến lược, bảo đảm thành công của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta. Trong từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách, phương pháp tập hợp lực lượng cho phù hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng ĐĐK dân tộc luôn được Người coi là vấn đề sống còn của cách mạng. Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi phải có lực lượng đủ mạnh, muốn có lực lượng phải quy tụ cả dân tộc thành một khối thống nhất. Giữa đoàn kết và thắng lợi có mối quan hệ chặt chẽ, quy mô của đoàn kết quyết định quy mô, mức độ của thành công.

Từ thực tiễn, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Thứ hai, ĐĐK dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng: “ĐĐK dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Bởi vì ĐĐK dân tộc chính là nhiệm vụ của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết quần chúng tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người.

Thứ ba, ĐĐK dân tộc là ĐĐK toàn dân. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “dân” chỉ mọi con dân đất Việt, con rồng cháu tiên, không phân biệt dân tộc đa số, người tín ngưỡng với người không tín ngưỡng, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo. Xác định khối ĐĐK là liên minh công, nông, trí thức. Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân. 

Thứ tư, ĐĐK dân tộc phải biến thành sức mạnh vật chất có tổ chức là Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong một Mặt trận để cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Từ Hội Phản đế Đồng minh thành lập ngày 18.11.1930 đến MTTQ Việt Nam ngày nay, ở mỗi giai đoạn cách mạng với những hình thức, tên gọi và tổ chức có thay đổi cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng, nhưng MTTQ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của các giai tầng trong xã hội luôn phấn đấu xây dựng khối ĐĐK dân tộc vững mạnh như lời dạy của Hồ Chí Minh: “Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Thứ năm, đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đoàn kết dân tộc. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng được quán triệt trong suốt quá trình lãnh đạo của Người, đặc biệt thể hiện cô đọng trong Di chúc của Người trước lúc đi xa. Vấn đề đoàn kết trong Đảng được Hồ Chí Minh đề cập trong Di chúc trên ba phương diện:

Một là, đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đoàn kết nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, là một cội nguồn làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hai là, qua chặng đường cách mạng trường kỳ, đoàn kết đã trở thành một truyền thống rất quý báu của Đảng và của dân ta nên toàn thể đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ đều có trách nhiệm phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Ba là, không chỉ cần được bảo vệ, gìn giữ sự đoàn kết trong Đảng mà còn phải không ngừng củng cố và phát triển. Cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.


Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trao quà cho các hộ nghèo tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Vĩnh Lâm, xã Lê Ninh (Kinh Môn). Ảnh: Thế Anh

Vận dụng sáng tạo các quan điểm, nguyên lý về đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta xây dựng, hoàn thiện và tuân theo những nguyên tắc nhất quán:  

Một là, ĐĐK phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người. 

Hai là, xây dựng khối ĐĐK phải thực hiện trên cơ sở tin vào dân, dựa vào dân và phấn đấu vì quyền lợi của dân. Đây là nguyên tắc xuất phát từ tư tưởng lấy dân làm gốc của ông cha ta được Người kế thừa và nâng lên một bước trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử.

Ba là, ĐĐK phải được thực hiện một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; ĐĐK rộng rãi, lâu dài, bền vững. 

Bốn là, ĐĐK phải chân thành, thân ái, thẳng thắn theo nguyên tắc tự phê bình, phê bình vì sự thống nhất bền vững. Một mặt Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm “cầu đồng tồn dị”, mặt khác Người nêu rõ: Đoàn kết phải gắn với đấu tranh, đấu tranh để tăng cường đoàn kết và căn dặn mọi người phải ngăn ngừa tình trạng đoàn kết xuôi chiều, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình để biểu dương mặt tốt, khắc phục những mặt chưa tốt, củng cố đoàn kết.

Năm là, ĐĐK dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế; chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.

Tư tưởng ĐĐK của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện thành công là một nhân tố quyết định cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn và đưa cách mạng Việt Nam lên giai đoạn cách mạng mới - đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng mới, đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng ĐĐK toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, MTTQ Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng cách mạng trung thành của Đảng, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

LƯƠNG ANH TẾ
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc