Tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

01/01/2021 06:08

Nhân dịp năm mới 2021, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Hải Dương.


Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

- Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn cầu, trong đó có Hải Dương. Những khó khăn, thử thách nào chúng ta đã nỗ lực vượt qua, thưa đồng chí?

- Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh. Việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 của tỉnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Sức cạnh tranh kinh tế của tỉnh thấp, quy mô của nhiều doanh nghiệp nhỏ. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp còn chậm và hiệu quả chưa ổn định. Tác động của dịch tả lợn châu Phi còn rất nặng nề. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn do sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Các dự án có quy mô đầu tư lớn và sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ còn ít. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực đang đứng trước mức độ bão hòa về sản lượng và chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường như lắp ráp ô tô, sản xuất thép. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi chậm phục hồi... Bên cạnh đó, chất lượng và cơ cấu các mặt hàng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, chuyển dịch còn chậm, tốc độ tăng trưởng thấp. Phát triển dịch vụ chưa có bước đột phá, chưa có nhiều loại hình dịch vụ thương mại tiện ích và hiện đại. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các hoạt động KTXH của tỉnh. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một bộ phận lao động mất hoặc thiếu việc làm. Đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 cũng làm cho nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu ngân sách của địa phương.

- Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật nhất trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2020?

- Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách, nhưng dưới sự đoàn kết, sáng tạo, đổi mới của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, KTXH Hải Dương vẫn đạt được một số kết quả tích cực. 

Nổi bật nhất trong năm qua là các mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản đều đạt kế hoạch, trong đó 11 trong tổng số 16 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt. Riêng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây đã hỗ trợ các ngành kinh tế khác vượt qua khó khăn. Mặc dù tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 2,1%, khá thấp so với kế hoạch tăng từ 8,5% trở lên nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 thì đây là mức tăng trưởng thể hiện sự cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Hải Dương. Cũng trong năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 9,9%. Thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả khả quan khi cả năm tỉnh đã thu hút được 155 dự án mới. Hải Dương cũng chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng để thống nhất, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án giao thông kết nối vùng, kết nối liên tỉnh. Một số công trình được đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, tạo động lực thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. 

Năm 2020, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) và đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được quan tâm thực hiện. Hết năm, 100% số xã trong tỉnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các đơn vị cấp huyện cũng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Đời sống nhân dân ổn định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường và củng cố vững chắc. 

Một trong những kết quả nổi bật nhất trong năm qua là Hải Dương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc, huy động được nhiều nguồn lực tham gia phòng chống dịch. Nhờ đó, dịch Covid-19 ở Hải Dương đã được kiểm soát. Cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã trở lại trạng thái bình thường mới, tạo đà thuận lợi cho năm 2021. 

- Thẳng thắn nhìn nhận, năm 2020 vẫn còn nhiều "nốt trầm" trong phát triển KTXH. Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm là gì, thưa đồng chí?

- Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng KTXH của Hải Dương trong năm qua còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả chưa cao. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của một bộ phận người dân gặp khó khăn do chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt thấp so với nhiều năm trở lại đây. Hoạt động xuất nhập khẩu giảm. Một số ngành dịch vụ như vận tải, du lịch, khách sạn, ăn uống... hoạt động khó khăn và suy giảm mạnh. Đặc biệt, thu ngân sách địa phương hụt gần 1.200 tỷ đồng, không đạt dự toán giao và giảm nhiều so với năm trước, ảnh hưởng lớn đến chi ngân sách. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi số dự án mới và tổng vốn đầu tư đạt thấp...

Những hạn chế này trước hết xuất phát từ tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khi tất cả các hoạt động KTXH của tỉnh đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường thế giới gần như đóng băng nên hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ đã tác động trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát việc thực hiện công việc của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, thiếu quyết liệt. Một số sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt thực hiện cải cách hành chính. Trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa cao, chưa chủ động phối hợp nắm bắt và tham mưu đề xuất kịp thời những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong chỉ đạo phát triển KTXH năm 2020, chúng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, có trách nhiệm cao, khát vọng, tinh thần đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của địa phương, đơn vị. Cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ và chức trách được giao. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, luôn tuân thủ các quy định, quy chế, quy trình; chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác chỉ đạo phải xác định rõ các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển để khắc phục. Nhanh nhạy ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh cùng với đẩy mạnh xã hội hóa, huy động cao nhất nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và từ bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ phát triển.

- 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh ta cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?

- Hải Dương xác định nhiệm vụ chung là tập trung khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch Covid-19, vừa kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chủ động thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, xây dựng, triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch phát triển KTXH theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong lĩnh vực kinh tế, Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo hướng hữu cơ, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đẩy nhanh đầu tư, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường quản lý, xúc tiến và thu hút đầu tư, đẩy mạnh hợp tác phát triển vùng. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chủ động các biện pháp bảo đảm thu - chi ngân sách.

Năm 2021, Hải Dương tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục những hậu quả do dịch Covid-19. Quan tâm phát triển một số ngành dịch vụ tiện ích, chất lượng cao, gắn với phát triển các khu đô thị, khu dân cư. Thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả thị trường, quan tâm phát triển thị trường trong nước, từng bước hình thành chuỗi kết nối sản xuất - tiêu thụ theo cơ chế thị trường. Đẩy nhanh quy hoạch và triển khai thực hiện một số dự án khu du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng...


Sau gần 10 năm xây dựng, ngày 24.11, tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đã chính thức hòa vào  lưới điện quốc gia. Đây là dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới giáo dục toàn diện. Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện tốt công tác lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội. Triển khai thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Quan tâm, hỗ trợ, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em... 

Nhiệm vụ của năm 2021 rất nặng nề, đòi hỏi sự chỉ đạo, lãnh đạo chủ động, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp để đưa Hải Dương ngày càng phát triển, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Nhân dịp năm mới 2021, qua báo Hải Dương tôi xin gửi lời chúc tới toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhà một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành công mới!

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

VỊ THỦY (thực hiện)

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội  năm 2020, mục tiêu năm 2021

Kết quả năm 2020

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 2,1% (kế hoạch tăng từ 8,5% trở lên).

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 16.930 tỷ đồng, bằng 93,56% dự toán; trong đó thu nội địa đạt 14.515 tỷ đồng; hụt thu thường xuyên cân đối ngân sách địa phương gần 1.200 tỷ đồng.

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vượt 2,3% kế hoạch năm, tăng 7,1% so với năm 2019.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,5% (chỉ bằng 92,5% kế hoạch năm). Tuy nhiên, một số lĩnh vực giảm như lắp ráp ô tô giảm 62,2%; xi măng giảm 2,5%; sắt, thép không hợp kim giảm 9,4%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 61.152 tỷ đồng, bằng 95,1% kế hoạch năm, tăng 6,4% so với năm trước. Một số ngành dịch vụ giảm mạnh là du lịch, lưu trú, ăn uống giảm 16,2%; vận tải, kho bãi giảm 8,3%. 

- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 89,4% kế hoạch năm, tăng 3,8%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 70,9% kế hoạch năm, giảm 13,2%. 

- Đến hết năm 2020, tất cả 178 xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch. 

- Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn chiếm 38% so với GRDP, tăng 1,3% so với kế hoạch.

- Toàn tỉnh thu hút được 190 dự án mới, điều chỉnh 124 dự án (tăng 9 dự án) với tổng vốn đầu tư 12.800 tỷ đồng, tăng 11%. Trong đó, đầu tư nước ngoài giảm sâu, chỉ đạt 549 triệu USD, bằng 63,2% so với năm 2019. 

- Giải quyết việc làm mới cho 35.500 lao động, đạt kế hoạch.

- Giảm 3.014 hộ nghèo, vượt kế hoạch.

- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 10,2%, đạt kế hoạch.

- Tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa đạt 93,7%, vượt kế hoạch.

- 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, vượt kế hoạch.

- Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 95%, vượt kế hoạch.

Mục tiêu năm 2021

- GRDP tăng từ 8% trở lên. 

- Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 35% GRDP.

- Thu ngân sách nội địa tăng từ 10% trở lên so với dự toán giao.

- Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 180 triệu đồng.

- Có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng từ 10% trở lên.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%.

- Giải quyết việc làm mới cho 35.500 lao động.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%. 

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

- Cuối năm 2021 đạt 31,8 giường bệnh/10.000 dân (không tính trạm y tế xã) và đạt 9,5 bác sĩ/10.000 dân.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 10%.

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%.

- Tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa đạt 90%.

(0) Bình luận
Tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu kép