Nhiều giải pháp đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ

23/06/2021 09:04

Dự thảo đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035 đã đề ra nhiều giải pháp đột phá trong công tác này.

>>> Khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đọc dự thảo đề án

Dự thảo đề án do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đọc tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII.

Xây dựng hình ảnh người cán bộ Hải Dương

Cùng với kế thừa mục tiêu trong Kế hoạch số 103a- KH/TU, ngày 26.7.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ", dự thảo đề án bổ sung mục tiêu chung là: Sớm xây dựng được hình ảnh người cán bộ tỉnh Hải Dương, nhất là người đứng đầu các cấp “Có ý chí, khát vọng lớn phát triển quê hương; tư duy đổi mới, sáng tạo; có chuyên môn, kỹ năng công tác sâu sắc và trách nhiệm cao với công việc”.

Dự thảo đề án xác định mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc bố trí, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định. Phấn đấu có trên 20% số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bảo đảm tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên cao cấp; 100% lãnh đạo sở, ngành có trình độ chuyên viên chính, 70% số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý bảo đảm tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính. 100% đơn vị cấp huyện có 1 trong 3 chức danh (Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND) được bố trí cán bộ không phải là người địa phương, trong đó có ít nhất 50% Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; có từ 1-2 đơn vị cấp huyện bố trí Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp.

Phấn đấu có từ 10-15% số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh có độ tuổi dưới 40; có từ 1-2 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dưới 45 tuổi; có từ 12-15 đồng chí ủy viên thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi; 10% trở lên số đồng chí cấp ủy cấp xã có độ tuổi dưới 30 tuổi. Phấn đấu có ít nhất 30% số Bí thư cấp ủy cấp xã đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã; 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư...

Trên cơ sở đó, đề án cũng điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Dự thảo đề án đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức, cán bộ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, lối sống, đề cao trách nhiệm nêu gương cho đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ.

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo đề án đã bổ sung nhiều điểm mới để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xác định.

Đối với đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức, cán bộ, dự thảo đề án đề ra giải pháp thể chế hoá, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ theo hướng: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...

Để nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, dự thảo đề án xác định thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý có kinh nghiệm, người có học hàm, học vị tiến sĩ về công tác tại tỉnh. Xét tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng vào công chức, viên chức; những sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi vào công chức cấp xã.

Công tác đánh giá cán bộ cũng được đổi mới theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Xây dựng và triển khai thực hiện quy định hằng năm, trong nhiệm kỳ mỗi cán bộ phải có bản cam kết nêu gương, đăng ký chương trình hành động của cá nhân để cấp có thẩm quyền có cơ sở đánh giá cán bộ cuối năm, khi hết nhiệm kỳ. Đối với cán bộ khi xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại phải có bản cam kết nếu không hoàn thành nhiệm vụ về lĩnh vực chuyên môn được giao phụ trách thì sẽ phải từ chức ngay mà không cần phải hết nhiệm kỳ hoặc hết thời gian bổ nhiệm.

Xem xét bố trí công tác khác với cán bộ bị phê bình 3 lần

Để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, để án đề ra giải pháp có cơ chế phát hiện những cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển để giới thiệu vào quy hoạch các chức lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Mỗi tập thể lãnh đạo, quản lý đều phải có nguồn nhân sự trong quy hoạch ở 3 độ tuổi, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ.

Tỉnh cũng sẽ thành lập Hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, đồng thời tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của các cơ quan liên quan của Trung ương và các cơ sở đào tạo của nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại nước ngoài.

Đẩy mạnh công tác luân chuyển và điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong đó, xem xét điều động bố trí công tác khác đối với: Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ qua kết quả đánh giá cán bộ hằng năm; cán bộ cấp trưởng ở cơ quan, đơn vị mà cơ quan, đơn vị đó mất đoàn kết nội bộ kéo dài 2 năm liên tiếp không giải quyết dứt điểm, hoặc cơ quan, đơn vị 2 năm liền xếp loại yếu, kém; cán bộ trong thời gian dài có dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; cán bộ có 3 lần trong năm bị cấp có thẩm quyền phê bình... Việc điều động không nhất thiết phải chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc giữ nguyên chức vụ mà căn cứ tình hình để xem xét từng trường hợp cụ thể...

Để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử cán bộ lãnh đạo, quản lý, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu xây dựng và thực hiện đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp sở, ngành; lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh, cấp huyện, bắt đầu thực hiện từ năm 2021...

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều giải pháp đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ