Nhiều điểm mới của Luật Dân quân tự vệ 2019

04/07/2020 09:01

Ngày 22.11.2019, Quốc hội thông qua Luật Dân quân tự vệ (DQTV) sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. So với Luật DQTV năm 2009, Luật DQTV năm 2019 có nhiều điểm mới.


Đối tượng tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ được mở rộng để phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự, phù hợp với thực tế và bảo đảm bình đẳng giới. Trong ảnh: Lực lượng dân quân xã Nam Chính (Nam Sách) tham gia huấn luyện năm 2020

Luật DQTV sửa đổi gồm 8 chương, 50 điều (giảm 1 chương, 16 điều so với Luật DQTV năm 2009). Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Luật DQTV năm 2019 đã thể chế đường lối, quan điểm mới của Đảng liên quan đến DQTV như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chiến lược quốc phòng Việt Nam, chiến lược quân sự Việt Nam, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về xây dựng DQTV “vững mạnh và rộng khắp”, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở kế thừa nhiều nội dung của Luật DQTV năm 2009, Luật DQTV sửa đổi đã điều chỉnh bổ sung một số quy định mới. Cụ thể, luật bổ sung hoàn chỉnh địa vị pháp lý về vị trí, chức năng của DQTV là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Luật bổ sung nhiệm vụ “tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền” để thống nhất với Luật Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu hoạt động của DQTV trong tình hình mới và các loại hình chiến tranh mới.

Về thành phần, luật quy định DQTV thường trực là một trong những thành phần của DQTV, không luân phiên trong dân quân cơ động để khẳng định địa vị pháp lý của DQTV thường trực, phù hợp với thực tế hiện nay các địa phương đã và đang thực hiện. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ DQTV trong thời bình, cơ bản kế thừa Luật DQTV năm 2009, thời gian tham gia dân quân thường trực là 2 năm. Dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị DQTV được kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia đến hết 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ để khắc phục tình trạng một số địa phương, cơ quan thiếu người để tổ chức DQTV.

Luật bổ sung quy định lồng ghép, đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV với đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đối tượng tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV được mở rộng để phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự, phù hợp với thực tế và bảo đảm bình đẳng giới. Ví dụ, có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động… 

Luật quy định doanh nghiệp được xem xét thành lập tự vệ khi có đủ 4 điều kiện. Đó là bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của UBND các cấp và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện; theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đề án, kế hoạch tổ chức DQTV của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động và phù hợp với tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đã hoạt động từ đủ 24 tháng trở lên; có số lượng người lao động đủ tiêu chuẩn tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để tổ chức ít nhất 1 tiểu đội tự vệ. Quy định này có tính chất mở và linh hoạt, chỉ thành lập tự vệ trong các doanh nghiệp khi có yêu cầu của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong khu vực phòng thủ của địa phương và phù hợp với tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Luật quy định chế độ, chính sách DQTV được hưởng giao cho Chính phủ quy định để phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và bảo đảm tính linh hoạt. Luật bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực, phụ cấp đặc thù đi biển, bảo đảm tiền ăn (Luật DQTV 2009 chỉ quy định hỗ trợ tiền ăn), nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của DQTV trong tình hình mới…

Để chủ động triển khai Luật DQTV2019 đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội, tỉnh Hải Dương đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật DQTV. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu cho tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác DQTV và các đơn vị DQTV; lựa chọn xây dựng 1 mô hình điểm tuyên truyền ở xã, phường, thị trấn; tổ chức hội thi tìm hiểu Luật DQTV ở 2 cấp tỉnh và huyện.

PV

(0) Bình luận
Nhiều điểm mới của Luật Dân quân tự vệ 2019