Ngỡ ngàng "rốn nước" Hà Thanh

02/08/2020 07:07

Nằm ở vùng thấp trũng nhất huyện Tứ Kỳ, xã Hà Thanh gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi. Nhưng từ chủ trương đúng đắn của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đoàn kết, quyết tâm của nhân dân, Hà Thanh nay đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.


Xã Hà Thanh đổi thay mạnh mẽ trong những năm gần đây

Vì nằm ở cuối hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, địa hình thấp hơn những địa phương khác nên xã Hà Thanh được ví như "rốn nước" của huyện Tứ Kỳ. Từng có một thời, xã này thuộc diện nghèo nhất nhì huyện. Nhưng giờ đây Hà Thanh đã khác, đang vươn mình phát triển không ngừng. 

Đa số người dân có nhà cao tầng

Từ thị trấn Ninh Giang, đi xe máy gần 5 cây số, qua xã Hà Kỳ, tôi về thăm vùng quê được ví là "rốn nước" của huyện Tứ Kỳ. Cũng phải 6 - 7 năm rồi tôi mới có dịp trở lại Hà Thanh. Vừa về đến đầu xã, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt tôi là dãy nhà cao 3-4 tầng mọc san sát nhau ven đường, đẹp chẳng khác trên phố. Nhiều gia đình mở cửa hàng tạp hóa, thực phẩm, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp... Tôi thực sự bất ngờ và dừng xe quan sát hồi lâu. Trước đây, chỗ này lụp xụp lắm, có 1-2 nhà mái bằng, còn lại toàn lợp ngói phi-brô xi măng. 

Lần trước về Hà Thanh, tôi vẫn nhớ có tuyến đường trục nối trung tâm xã xuống khu bối ngoài đê sông Luộc dài khoảng 4 km. Đây cũng là đường trục chính của thôn Bình Cách. Nhưng tuyến đường này xuống cấp nặng, toàn đá hộc, ổ voi, ổ gà, nhân dân đi lại khổ cực. Một tờ báo từng đăng bài viết về tuyến đường này với dòng tít: "Con đường khổ". Ký ức ấy dẫn tôi qua thôn Bình Cách để xem tuyến đường đó giờ ra sao. Tôi sững sờ. "Con đường khổ" ngày nào giờ đã được trải bê tông rộng rãi, phẳng lỳ, chạy uốn quanh ven làng ra tới ngoài đồng như một dải lụa. Đường làng, ngõ xóm trong thôn cũng được mở rộng, trải bê tông sạch đẹp. "Không chỉ thôn em đâu mà giờ thôn nào trong xã cũng toàn đường đẹp", một thanh niên trong thôn nói với tôi.

Đang mải mê ngắm nhìn cảnh thôn, bỗng có tiếng người đàn ông đi ngược chiều cất lên: "Ơ chú phóng viên. Nhận ra anh chứ? Lâu lắm rồi mới thấy chú về quê anh đấy". Anh là Phạm Văn Đương - một nông dân mà tôi đã gặp cách đây 6-7 năm. Anh khoe giờ cuộc sống đã sung túc, có của ăn của để, không còn lo chạy vạy từng bữa như trước. Như muốn giải thích cho sự thay đổi này, anh Đương dẫn tôi xuống thăm trang trại nuôi gà của gia đình dưới khu Triều Trong. 

- Nếu em nhớ không nhầm thì khu này mấy năm trước đây là khu ruộng trũng có phải không anh? - tôi hỏi.

- Đúng rồi. Đây chính là chỗ chú về quay phim anh và bà con nhễ nhại mồ hôi, lội ruộng ngập đến bẹn để vác từng bó lúa lên bờ đây. Chỗ này giờ có anh và hơn chục hộ chuyên nuôi gà ri lai. Nhà nào nhiều mỗi lứa nuôi 6.000 - 8.000 con, ít cũng 2.000 - 3.000 con. Nói chung thoát nghèo là nhờ được chuyển đổi từ cấy lúa sang chăn nuôi đấy.

Trang trại của nhà anh Đương rộng 1,4 mẫu, hoạt động được gần 4năm nay. Trang trại được quy hoạch khá gọn gàng với 4 dãy chuồng nuôi gà, 2 ao nuôi cá. Mỗi năm anh Đương thu hoạch 36-40 tấn gà, 8 tấn cá. "Trừ chi phí cũng lãi được 400-500 triệu đồng/năm. Nếu vẫn cấy lúa như trước thì có nằm mơ cũng không có khoản thu nhập này. Giờ anh xây được nhà, có điều kiện cho 1 cháu đi học đại học, 1 cháu đi xuất khẩu lao động rồi", anh Đương hào hứng khoe.

Khu trung tâm xã Hà Thanh cũng đã thay đổi nhiều. Trụ sở làm việc của Đảng ủy-HĐND-UBND xã được xây khang trang. Cả 3 trường đều đã và đang được nâng cấp, xây mới. Quanh khu vực này, những ngôi nhà xây kiểu nhà ống, biệt thự đang tiếp tục mọc lên.  xã Hà Thanh Nguyễn Văn Huấn rất phấn khởi khi kể với tôi về những đổi thay của quê hương mình trong 5 năm gần nhất. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 26,5 triệu đồng. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người nơi đây đã đạt 47,4 triệu đồng, tăng gầBí thư Đảng ủyn 1,8 lần. Toàn xã có từ 55-60% số gia đình xây được nhà cao tầng, biệt thự, 145 hộ mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ, gần 40 hộ có xe ô tô...


Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện, đến nay địa phương này chỉ còn 1,56% số hộ nghèo, 2,42% số hộ cận nghèo. Cả 6 thôn trong xã đều đạt danh hiệu "Làng văn hóa". Năm 2019, xã đạt chuẩn nông thôn mới. "Hà Thanh nay khác rồi, không còn nghèo như những năm trước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đang từng ngày đi lên. Có thể nói địa phương chúng tôi đã có màn lột xác ngoạn mục", ông Huấn nói.


Từ một hộ kinh tế khó khăn, anh Phạm Văn Đương giờ đã có thu nhập 400-500 triệu đồng/năm nhờ trang trại nuôi gà và cá   

Dồn điền đổi thửa là tiền đề

So với nhiều địa phương khác, những thành tựu về kinh tế - xã hội mà xã Hà Thanh đã đạt được trong 5 năm gần đây có thể chưa bằng. Nhưng với những ai từng biết về vùng đất này cách đây gần chục năm chắc chắn sẽ phải thừa nhận sự thay đổi đó thực sự rất đáng nể.

Hà Thanh nằm cuối hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, thấp trũng nhất huyện Tứ Kỳ. 3 trong tổng số 6 thôn của xã nằm ngoài đê sông Luộc, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Những năm trước, đời sống kinh tế của người dân trong xã chủ yếu phụ thuộc vào cấy lúa. Nhưng đất đai nơi đây đa phần là trũng, chua phèn, chỉ cấy được vụ chiêm, còn vụ mùa cho năng suất lúa rất thấp, thậm chí có năm mất trắng. Nhiều nông dân chán nản, bỏ cấy lúa đi tìm những công việc khác kéo theo tình trạng bỏ ruộng hoang ngày một tăng... "Gặp nhiều khó khăn và bất lợi nhưng vì sao Hà Thanh lại có những bước chuyển mình mạnh mẽ như vậy?", tôi hỏi. "Cái khó ló cái khôn thôi", ông Huấn bảo.

Ông Huấn giải thích thêm, năm 2015 Hà Thanh thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang ruộng đồng. Đây là tiền đề quan trọng giúp địa phương quy hoạch được từng vùng sản xuất, khơi dậy được tiềm năng. Chủ trương của xã là vận động nhân dân phá thế độc canh cây lúa, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Những vùng cấy lúa kém hiệu quả sẽ chuyển sang lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, tận dụng triệt để bãi bồi ven sông để trồng cây rau màu có giá trị kinh tế cao. Cụ thể hóa chủ trương này, xã Hà Thanh đã triển khai nhiều đề án liên quan như xây dựng vùng sản xuất cho thu nhập cao, phát triển nuôi thủy sản, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX Dịch vụ nông nghiệp...

5 năm qua, xã Hà Thanh đã chuyển 40 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá, 28 ha sang nuôi gia cầm. Mỗi thôn trong xã đều quy hoạch vùng cấy lúa năng suất, chất lượng cao. Toàn bộ diện tích đất ngoài bãi sông Luộc rộng hàng trăm ha được nông dân quy vùng trồng chuối, ớt xuất khẩu, khoai tây, măng tây, dưa hấu. Từng có giai đoạn Hà Thanh là vựa ớt lớn nhất tỉnh với 40 ha. Khai thác lợi thế có sông Luộc chảy qua, 40 hộ dân trong xã đã làm hơn 300 lồng nuôi cá chạy dài qua 2 thôn Hữu Chung và Tri Lễ. Đến nay, toàn xã có 120 ha cho thu nhập từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên... Chủ trương phá thế độc canh cây lúa, biến bất lợi thành có lợi đã giúp kinh tế địa phương, đời sống của nhân dân nơi đây từng ngày đổi thay. 

Cùng với những chủ trương đúng đắn của Nhà nước, điều quan trọng làm nên sự thay đổi ở vùng "rốn nước" là nhờ có sự đoàn kết, vượt khó vươn lên, dám nghĩ dám làm của người dân. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới những đóng góp của cá nhân ông Nguyễn Trọng Tải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh. Từ những ngày đầu thực hiện phá thế độc canh cây lúa, gia đình ông Tải đã đi đầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tạo niềm tin cho bà con. Ông xây dựng mối liên hệ với các doanh nghiệp giúp nông dân đưa giống ngô ngọt của Mỹ, khoai tây Atlantic, Sinora, ớt... về trồng tại địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao. Ở đâu nông dân kêu ca, chỗ nào nông dân gặp khó về thủy lợi, giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm... là ông Tải đều có mặt để hỗ trợ giải quyết. "Ông ấy là một người năng động, nhanh nhẹn, tuổi cao nhưng không ngừng tìm tòi và giúp đỡ chúng tôi, nhất là vấn đề bao tiêu sản phẩm. Nhờ có ông Tải mà bà con được nhờ vả nhiều", ông Nguyễn Chí Quốc ở thôn Hữu Chung nhận xét. Còn Bí thư Đảng ủy xã thì nói: "Những đóng góp của anh Tải góp phần quan trọng giúp kinh tế của Hà Thanh bước sang một trang mới".

Tạm biệt Hà Thanh trở lại thành phố, trong lòng tôi vẫn ấn tượng mãi với sự thay đổi của vùng đất này. Thầm nghĩ, bài học biến những khó khăn, bất lợi thành có lợi như những gì cán bộ và nhân dân vùng "rốn nước" đã làm rất đáng được học tập.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngỡ ngàng "rốn nước" Hà Thanh