Ngăn chạy chức, chạy quyền: Thách thức với công tác cán bộ

26/09/2019 14:43

Chạy chức, chạy quyền: ai chạy, chạy ai, hạn chế bằng cách nào? Kiểm soát quyền lực như thế nào trước những viên đạn bọc đường nhiều kiểu khác nhau?


Cán bộ công chức trẻ TP Hồ Chí Minh hỗ trợ giải quyết hồ sơ, thủ tục pháp lý cho người dân, doanh nghiệp trong “Ngày thứ bảy tình nguyện” 

Trân trọng giới thiệu ý kiến bạn đọc đã chia sẻ sự ủng hộ và mong quy định mới về chạy chức, chạy quyền sớm được đi vào thực tế.

Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương): Ai chạy? Chạy ai?


Ông Nguyễn Đình Hương

Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã chỉ ra 5 loại "chạy". Đó là chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi ích trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử.

Tôi cũng tham gia cho ý kiến vào quy định này, tôi thấy cần phải làm rõ ai chạy, chạy ai? Người yếu kém sẽ chạy. Phe cánh, địa phương chủ nghĩa cũng chạy.

Họ chạy đến thủ trưởng cấp trên, chạy đến người thân làm quan to, chạy đến quan chức đồng hương và chạy ở các cơ quan tham mưu.

Thời tôi làm cũng xuất hiện việc chạy, nhưng khi đó là chạy bằng chai nước mắm, yến gạo ngon. Còn sau này, có vụ chạy bằng "núi tiền" đến nhiều cơ quan.

Chạy chức, chạy quyền thực chất là sự tha hóa, tham nhũng quyền lực, là hành vi dùng mọi thủ đoạn, mánh lới, đánh đổi lợi ích vật chất và phi vật chất để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn.

Theo tôi, quy định này rất tốt, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được Bộ Chính trị ban hành trong một quy định do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ký. Lần đầu tiên một quy định đã chỉ rõ, cụ thể các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Quy định này rất hay, rất cụ thể và chi tiết, nhưng hơi dài nên khó nhớ. Tổng bí thư nhiều lần nhắc đến cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền bằng hình ảnh "nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp", và để cùng với Hiến pháp và pháp luật, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh của kỷ luật Đảng, vai trò giám sát của nhân dân sẽ tạo ra "chiếc phanh" cơ chế, "cái lồng" kiểm soát hiệu quả.

Tôi đồng tình và thấy rằng để chống chạy chức, chạy quyền, bên cạnh những điều như quy định của Đảng thì phải thực hiện nghiêm nguyên tắc: dân chủ - công khai - minh bạch. Không chỉ cán bộ, đảng viên mà người dân cũng cần được biết về công tác cán bộ.

Công tác nhân sự có cần phải giấu đến sát đại hội không? Công tác cán bộ cần phải công khai để dân cùng biết, cùng bàn, cùng giám sát, kiểm tra...

Anh Thạch Kim Hiếu (Bí thư Đoàn Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh): Thi để tuyển lãnh đạo trẻ


Anh Thạch Kim Hiếu

Theo tôi, việc ban hành Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là một việc đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ hiện nay.

Việc này không những ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền mà còn góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ uy tín, năng lực, phẩm chất.

Đội ngũ cán bộ trẻ cần có được niềm tin, động lực và động cơ trong sáng phấn đấu, đồng thời cũng cần một môi trường lành mạnh và dân chủ để người trẻ có cơ hội cạnh tranh công bằng bằng chính năng lực và phẩm chất của mình.

Để quy định trên đi vào thực tế, người đứng đầu cơ quan phải là người thực sự mẫu mực, công tâm, nêu gương về trách nhiệm và chấp hành kỷ luật nghiêm. Lựa chọn được những cán bộ xứng tầm với nhiệm vụ đơn vị cũng là cách loại trừ những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, chạy chức, chạy quyền mà thành cán bộ lãnh đạo.

Công tác đánh giá và quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cần phải làm chặt chẽ nhằm phát hiện và ngăn chặn những vụ chạy chức, chạy quyền cán bộ, ngăn chặn tình trạng cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất nắm giữ vị trí lãnh đạo.

Cần có cơ chế mở trong việc lựa chọn cán bộ, nhất là việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo các cấp để vừa làm cho người trẻ có cơ hội phấn đấu vươn lên vừa góp phần lựa chọn được những cán bộ xứng tầm, đây cũng là cách giảm chuyện chạy chức, chạy quyền.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (Bí thư Đoàn phường 1, quận 6, TP Hồ Chí Minh): Còn ít người trẻ làm lãnh đạo


Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết

Chạy chức, chạy quyền dẫn theo hàng loạt tiêu cực khác, dễ thấy nhất là tham ô tham nhũng. Khi dẹp được nạn chạy chức, chạy quyền, cơ hội cho đội ngũ cán bộ trẻ giỏi cũng nhiều hơn.

Thực tế hiện nay vẫn còn ít người trẻ có đủ tài và đức làm lãnh đạo. Công tác quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ có nơi làm tốt, nơi chưa tốt. Do vậy việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ trẻ cũng còn nhiều hạn chế.

Nếu chúng ta quan tâm đào tạo họ thì khi có cơ hội hoặc khi tổ chức cần thì đã có sẵn đội ngũ cán bộ trẻ kế cận. Trao cơ hội cho người trẻ nếu họ có đủ tài và đức, theo tôi, cần mạnh dạn hơn.

Anh Phạm Văn Linh (Bí thư Đoàn Khối dân chính đảng TP Hồ Chí Minh): Cơ hội và thách thức


Anh Phạm Văn Linh

Đại hội XII của Đảng đã xác định "Con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển".

Việc mạnh tay với chạy chức, chạy quyền sẽ là một "động lực" để khuyến khích người trẻ cống hiến, phấn đấu, do vậy cần quan tâm đến việc tạo môi trường để cán bộ trẻ được phát huy, trọng dụng.

Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ trẻ. Khi có môi trường tốt, người trẻ phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ sáng tạo trong công việc. Có vậy mới có đủ uy tín, năng lực để đảm nhiệm công việc dài lâu.


Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chạy chức, chạy quyền: Thách thức với công tác cán bộ