Nền tảng vững chắc cho mối quan hệ bền chặt hơn nữa trong tương lai

11/07/2020 19:56

Trong suốt 25 năm qua, hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu và mang lại những hiệu quả thiết thực.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến lễ ký kết nhiều nội dung hợp tác quan trọng vào tháng 2.2019

Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 6 năm thiết lập và triển khai quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương và đa phương trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Thời điểm để hàn gắn, thời điểm để kiến tạo

Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một mối quan hệ vừa khác biệt vừa đặc biệt so với mối quan hệ giữa các quốc gia khác, bởi hai nước đã phải trải qua một cuộc chiến vô cùng tàn khốc để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Gác lại được quá khứ đau thương để có thể bình thường hoá quan hệ là niềm vui của cả hai dân tộc. Nhưng để đi đến được ngày đó là một chặng đường dài với những nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước.

Khó khăn lớn nhất là chiến tranh đã kết thúc nhưng cuộc chiến khốc liệt ấy đã để lại sự thù địch trong nhiều năm sau đó, khiến hai bên không hiểu hết nhau, dẫn đến những nghi kỵ. Tiếp theo là câu chuyện giải quyết hậu quả chiến tranh, câu chuyện những vết hằn chiến tranh trong lòng nước Mỹ.

Với Việt Nam cũng vậy, đau thương còn kéo dài trong biết bao gia đình có những người con đã ngã xuống, hay nhiễm phải thứ chất độc có thể truyền đến đời thứ ba, thứ tư - chất độc da cam…

Trong những năm dài đó, với nỗ lực từ cả hai phía, hàng loạt các cuộc đàm phán, tiếp xúc đã diễn ra, những cầu nối được thiết lập… Và sự nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng bằng sự kiện ngày 3.2.1994, khi Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam. Kể từ lúc này, Việt Nam có quyền được buôn bán, giao thương với Hoa Kỳ, với các nước khác trên thế giới không bị ngăn cản về tài chính, đầu tư, thương mại…

Hơn một năm sau đó, vào đêm 11.7.1995 (giờ Mỹ), kênh truyền hình BBC đã phát chương trình đặc biệt truyền đi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong bản đó có đoạn: Giờ đây chúng ta có thể tiến tới một cơ sở chung. Bất kể những gì đã chia rẽ chúng ta trước đây, chúng ta hãy xếp vào quá khứ. Hãy để cho giây phút này, theo từ của Kinh thánh, là một thời điểm để hàn gắn và thời điểm để kiến tạo.

Sáng 12.7.1995 theo giờ Việt Nam, tại Hà Nội, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoan nghênh quyết định ngày 11.7.1995 của Tổng thống Bill Clinton và sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi và phù hợp với nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế.

Đó là một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước Việt nam và Hoa Kỳ.

25 năm qua, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước phát triển vượt bậc, thay đổi về cả lượng và chất, từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong 25 năm qua vượt qua mọi dự đoán, kể cả của những người trong cuộc.

Theo Đại sứ, yếu tố tạo nên sự thành công đó, thứ nhất là tầm nhìn xa, quyết tâm chính trị và bản lĩnh của lãnh đạo hai nước vào thời khắc quyết định, đã đưa lịch sử quan hệ hai nước lật sang trang mới. Thứ hai là niềm tin mạnh mẽ của nhân dân hai nước vào tương lai quan hệ, giúp hai bên vượt qua những lằn ranh khắc nghiệt do lịch sử để lại, vượt qua sức cản rất lớn từ nội bộ mỗi nước. Thứ ba là nỗ lực lớn lao, không mệt mỏi của nhiều thế hệ người Việt Nam và Mỹ, đã vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác rất đặc biệt này.

Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, lãnh đạo Tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, và Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, đã lần lượt giới thiệu hai nghị quyết S.Res. 607 và H. Res. 1018 với tên gọi “Kỷ niệm 25 năm bình thường hóa, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cùng nhau hợp tác vì một khu vực Đông Nam Á ngày càng ổn định, thịnh vượng và hòa bình; khẳng định Quốc hội Hoa Kỳ cam kết Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác mạnh mẽ, tin cậy và năng động của khu vực Đông Nam Á”.

Hai nghị quyết này khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ và sự hợp tác giữa chính phủ và nhân dân hai nước vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng, mở, và trên cơ sở trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy an ninh, phát triển và tôn trọng chủ quyền.

Nền tảng vững chắc cho mối quan hệ bền chặt hơn nữa trong tương lai

Bước qua quá khứ thù địch, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12.7.1995, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc và phát triển trong một thời gian ngắn. Có thể nói, trên thế giới, không có nhiều quốc gia đã thay đổi mối quan hệ sâu sắc trong một thời gian ngắn như Việt Nam và Hoa Kỳ.

Kể từ sau chuyến thăm đặc biệt khởi đầu của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tháng 11.2000, đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau ở cấp lãnh đạo cao nhất giữa hai nước. Đó là chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 6.2005. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Hoa Kỳ sau 30 năm kết thúc chiến tranh. Là chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7.2013, trong chuyến thăm này hai nước đã tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Đặc biệt, chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 đã đánh dấu một mốc cao hơn nữa về sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau, gia tăng hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau xây dựng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Tháng 5.2016, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được đánh giá là đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ với Việt Nam” khi Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Như vậy, vật cản cuối cùng trong quan hệ song phương đã được xóa bỏ, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, đồng thời gửi đi một thông điệp nhiều ý nghĩa về việc tăng cường lòng tin chiến lược và sự thắt chặt quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong tương lai.

Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, trong suốt 25 năm qua, hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu và mang lại những hiệu quả thiết thực.

Trong đó, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư đã trở thành trọng tâm và là động lực quan trọng cho sự phát triển của quan hệ song phương trong suốt 25 năm qua. Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng hơn 170 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD vào năm 2019.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng cao nhất của Hoa Kỳ trong các đối tác Đông Nam Á. Mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, thương mại hai chiều 6 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng gần 10% so với năm 2019. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư tại Hoa Kỳ.

Quan hệ an ninh-quốc phòng cũng chứng kiến những bước phát triển vững chắc, không chỉ về giải quyết hậu quả chiến tranh mà còn mở rộng sang tác đào tạo quân y, hợp tác cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình.

Lần đầu tiên, Chính phủ Hoa Kỳ cấp ngân sách qua Bộ Quốc phòng để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh. Việt Nam đã hai lần đón tàu sân bay Hoa Kỳ thăm chính thức vào tháng 3.2018 và tháng 3.2020. Hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác an ninh trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực phòng chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh nguồn nước...

Đặc biệt, ngay trong thời điểm khó khăn khi bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hai nước đã hợp tác chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau ở cả bình diện song phương và trong cơ chế hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ để phòng chống bệnh dịch và chuẩn bị các biện pháp phục hồi kinh tế, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư.

Chính phủ Việt Nam cùng nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã gửi tặng Chính phủ, nhân dân Mỹ, cộng đồng người Việt tại Mỹ các trang thiết bị y tế. Chính phủ Mỹ cũng đã trợ giúp Việt Nam hơn 10 triệu USD để chống dịch và phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân không ngừng được tăng cường thông qua việc hằng năm có hơn 800.000 lượt du khách Hoa Kỳ lựa chọn Việt Nam là điểm đến, hơn 31.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á.

Không chỉ có ý nghĩa đối với hai nước, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ còn đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng luật lệ tại Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Hai nước đã và đang tích cực phối hợp xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có những vấn đề quan trọng như Biển Đông, Mê Kông, bán đảo Triều Tiên, các diễn đàn ASEAN, Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc… Trong năm 2020, sự hợp tác này càng được thể hiện rõ nét khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

25 năm không phải là quãng thời gian dài trong một mối quan hệ quốc tế, nhưng cũng đủ để Việt Nam và Hoa Kỳ có thêm cơ sở, nền tảng vững chắc để tiếp tục xây dựng lòng tin chính trị, tiếp tục hướng tới những mối quan hệ bền chặt hơn nữa trong tương lai.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nền tảng vững chắc cho mối quan hệ bền chặt hơn nữa trong tương lai