Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn

07/12/2021 13:36

Chiều 7.12, Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.


Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu thảo luận, làm rõ thêm các kết quả, hạn chế của ngành xây dựng tỉnh trong năm 2021​

Nhiều dự án khởi công xây dựng khi chưa được cấp phép​

13 giờ 32:
 Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu làm rõ thêm các kết quả, hạn chế của ngành xây dựng tỉnh trong năm 2021.

Theo đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng, thời  gian qua, ngành xây dựng đã thay đổi tư duy, cách thức làm việc, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, nhân dân làm thước đo. Sở  Xây dựng phối hợp tham mưu ban hành nhiều quy định phân cấp, phân quyền đầu tư xây dựng, cải cách hành chính, quản lý công trình, hệ thống xây dựng, xây dựng cơ sở về quy hoạch... góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính. Sở rà soát cắt giảm, đơn giản nhiều thủ tục. Hầu hết hồ sơ được giải quyết sớm, không có hồ sơ quá hạn. Kết quả nổi bật của ngành trong năm nay là công tác quy hoạch. Cụ thể đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các loại quy hoạch để khai thác tối đa các lợi thế, dư địa của trong và ngoài tỉnh. Công tác quản lý đô thị từng bước đi vào nền nếp. Công tác nghiệm thu dự án có nhiều đổi mới.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng cũng thừa nhận ngành còn một số hạn chế như nhiều dự án khởi công xây dựng khi chưa được cấp phép. Nhiều dự án đầu tư kéo dài. Thị trường bất động sản hoạt động còn nhiều hạn chế. Đô thị phát triển nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành. Công tác thu gom, xử lý rác, nước thải còn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quy hoạch vẫn còn chưa đáp ứng tiến độ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn

13 giờ 40: Sau phần trả lời làm rõ thêm kết quả, hạn chế của ngành xây dựng năm 2021, các đại biểu bắt đầu chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh chất vấn: "Quy hoạch khai thác khoáng sản là vật liệu thông thường được tích hợp thế nào với quy hoạch chung của tỉnh?".

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn cho biết vật liệu xây dựng ngày càng khan hiếm, cần có những vật liệu thay thế để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Sở đã dự kiến một số khu vực ở thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh để bổ sung vào quy hoạch xây dựng vùng huyện 2 địa phương trên để khai thác khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.  

Tiếp đến, đại biểu Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn được thực hiện như thế nào?

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết sở đã hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp các địa phương triển khai thực hiện các bước lập quy hoạch trong năm 2021. Đến nay, công tác lập quy hoạch của các đơn vị thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Đối với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn đang được khẩn trương hoàn thiện để xin ý kiến Bộ Xây dựng; quy hoạch chung đô thị TP Hải Dương đang hoàn thiện  trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường chiều 7.12

Đại biểu Nguyễn Vĩnh Sơn, Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh hỏi: "Nguyên nhân, trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc chậm nghiệm thu, bàn giao các dự án đô thị, giải pháp để tháo gỡ tình trạng trên". Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Đoàn cho hay việc chậm nghiệm thu, bàn giao chủ yếu ở các dự án cũ, nhỏ lẻ. Thời điểm thực hiện các dự án chưa có quy định cụ thể nghiệm thu, bàn giao. Sở Xây dựng đề nghị hạn chế tối đa các dự án nhỏ lẻ; lựa chọn nhà đầu tư phải yêu cầu trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Còn đối với các dự án nhỏ lẻ, các địa phương cần bố trí ngân sách để vận hành, bảo dưỡng.

14 giờ: Sau khi đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng trả lời câu hỏi của các đại biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng hỏi tiếp: "Việc quản lý các khu đô thị khi bàn giao cho các địa phương thì thế nào? Đây là vấn đề quan trọng cần quan tâm. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng trả lời bổ sung việc xử lý rác, nước thải ở các khu, cụm công nghiệp, ở nông thôn".

Đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn cho biết tỉnh đang quy hoạch, triển khai nhiều khu thu gom, xử lý rác thải. Các địa phương khi xây dựng quy hoạch đã cập nhật các khu vực thu gom, xử lý rác thải vào. Sở sẽ khẩn trương tham mưu để có hướng giải quyết sớm nhất. Hiện các nhà máy mới chỉ xử lý được khối lượng một nửa so với lượng rác của tỉnh. Hướng thời gian tới tỉnh sẽ liên doanh hoặc đầu tư một nhà máy xử lý rác thải có quy mô lớn, hiện đại.

Làm rõ thêm về hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng đây là vấn đề phức tạp. Hiện đang có dự án mới chuẩn bị đưa vào hoạt động. Chỉ có TP Hải Dương mới có việc thu gom, xử lý nước thải nhưng quy mô không lớn. Các địa phương còn lại chưa có dự án triển khai. 28 cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư sẽ sớm được tham mưu để giải quyết triệt để.

Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn nói: "Đối với rác thải ở nông thôn, sở đề nghị lãnh đạo tỉnh giao trách nhiệm cho các địa phương, lập dự án cho các đô thị. Trên cơ sở đề án đô thị thông minh, xanh, hiện đại, các ngành, địa phương triển khai từng bước. Lập quy hoạch việc thu gom rác thải cho từng khu vực. Tỉnh tạo cơ chế cho các địa phương đầu tư cho từng giai đoạn. Đề nghị tỉnh cho phép thu phí từ việc thu gom, xử lý nước thải. Các sở, ngành tìm nguồn vốn để từng bước đầu tư xây dựng các điểm tại các địa phương, khu vực".

Đại biểu Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng

14 giờ 10: Đại biểu Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết giải pháp nào để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp; giải pháp quản lý nhà nước để thị trường bất động sản trong tỉnh lành mạnh, tránh đầu cơ, thổi giá.

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết Chính phủ đã có nhiều nghị định để chỉ đạo liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội. Hiện quy định về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn nhiều bất cập. Mặc dù Nhà nước có nhiều ưu đãi nhưng vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư vì lợi nhuận không cao. Hiện cũng chưa có quy định ràng buộc các chủ đầu tư khu công nghiệp về việc dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Thời gian tới, khi lập quy hoạch, cấp giấy phép đầu tư các khu công nghiệp, tỉnh sẽ yêu cầu thực hiện nghiêm việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân góp phần thu hút nhân lực, để người lao động yên tâm lao động, sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Đoàn cho rằng giao dịch bất động sản chưa đủ điều kiện hiện khá phổ biến. Trên Cổng thông tin điện tử của sở đã công khai danh mục các dự án bất động sản đủ và không đủ điều kiện chuyển nhượng. Người dân cần thường xuyên cập nhật, tìm hiểu thông tin để tránh thất thoát vốn đầu tư, không tham gia các giao dịch bất động sản không đủ điều kiện. Khi nhận được thông tin về những hiện tượng vi phạm, Sở đều phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý. "Tuy nhiên do lực lượng công chức còn ít nên việc kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Các địa phương cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các đại lý môi giới bất động sản trái phép. Các địa phương cũng cần nghiên cứu, hoàn thiện quy chế đấu giá để tạo thuận lợi cho người dân địa phương có điều kiện, cơ hội tiếp cận bất động sản chính đáng", ông Đoàn nói.

14 giờ 22: Đại biểu Trần Thị Thanh Thảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chất vấn: "Ngành xây dựng có giải pháp gì để giải quyết tồn đọng xây dựng nhà ở cho người có công?".

Trả lời vấn đề này, đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng cho biết Trung ương không quy định thời gian cụ thể kết thúc việc hỗ trợ. Nguồn kinh phí xây dựng nhà ở cao do nhu cầu lớn. Công tác quản lý, theo dõi cho các hộ còn gặp khó khăn. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công. Trong khi chờ Trung ương, tỉnh cần xem xét bố trí ngân sách để hỗ trợ cho các hộ phù hợp với tình hình thực tế và sẽ nâng mức hỗ trợ cho các hộ.

14 giờ 28: Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng đánh giá phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Xây dựng khá rõ ràng, sát với thực tiễn đang diễn ra. Riêng nội dung hỗ trợ nhà ở cho người có công, trong phần trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục làm rõ. 

Tham mưu tuyển dụng số giáo viên còn thiếu

14 giờ 30: Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu làm rõ một số vấn đề và tham gia trả lời chất vấn.

Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết đợt tuyển dụng giáo viên và nhân viên kế toán các cơ sở giáo dục công lập vừa qua được triển khai thống nhất trong toàn tỉnh, bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng quy định. Kết thúc kỳ tuyển dụng, số thí sinh trúng tuyển là 1.279 thí sinh trong tổng số 2.565 chỉ tiêu cần tuyển, bằng 49,86%. Còn 1.286 chỉ tiêu chưa tuyển dụng được do một số vị trí việc làm không có người nộp hồ sơ dự tuyển (159 chỉ tiêu); số người nộp hồ sơ dự tuyển nhưng khi kiểm tra không đủ điều kiện dự tuyển vòng 2 (451 thí sinh) và 676 thí sinh không đạt yêu cầu khi tham gia thi tuyển ở vòng 2). Số chỉ tiêu tuyển dụng chưa đủ cơ bản là ở khối cấp tiểu học và mầm non.

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có thu hút giáo viên. Để bảo đảm tuyển dụng đủ chỉ tiêu giáo viên cho các cấp học năm học tiếp theo, ngay sau khi giao chỉ tiêu biên chế năm 2022, trên cơ sở cân đối chi tiêu được giao, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch để triển khai tổ chức tuyển dụng số giáo viên còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao tại các cơ sở giáo dục công lập bảo đảm theo đúng quy định.

Đồng chí Phạm Mạnh Hùng cho biết công tác cải cách hành chính của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Năm 2020, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Hải Dương được Chính phủ đánh giá xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2019 và tăng 11 bậc so với năm 2018. Tuy nhiên, kết quả trên cũng chưa tương xứng với vị thế của tỉnh ta. Giám đốc Sở Nội vụ cũng đề xuất một số giải pháp tập trung đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tất cả các cơ quan, chính quyền trong tỉnh cần quyết tâm, quyết liệt, nhất là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính.

14 giờ 48: Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Văn Truy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh về nguyên nhân khiến kết quả tuyển dụng viên chức giáo viên thấp so với chỉ tiêu giao và cần giải pháp gì để tuyển đủ giáo viên giảng dạy, đồng chí Phạm Mạnh Hùng cho biết có 5 nguyên nhân khiến thi tuyển giáo viên, kế toán các trường học mới tuyển được 50% số chỉ tiêu. Đó là những năm gần đây các trường đào tạo giáo viên khó tuyển sinh, đầu vào thấp, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học. Nhiều sinh viên cũng không muốn vào trường học sư phạm vì áp lực công việc, thu nhập thấp. Số lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển. Nguồn chính để tuyển dụng là đội ngũ giáo viên đang hợp đồng tại các trường công lập, giáo viên cơ hữu ở các trường tư thục. Do tình hình dịch nên nhiều giáo viên của trường tư thục không có việc làm đã chuyển sang làm việc khác không quay trở lại tham gia tuyển dụng. Nhiều giáo viên trước đây đã bỏ nghề cũng không quay lại. Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ đối với giáo viên có thay đổi nên nhiều giáo viên đang hợp đồng hoặc mới ra trường chưa kịp học để nâng chuẩn không đủ điều kiện tham gia thi. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn chức danh nghề nghiệp, quy định mới nên nhiều người không đủ điều kiện tham gia. Khi tuyển dụng có thí sinh đủ điều kiện tuyển vòng 2 nhưng chất lượng không đạt nên không trúng tuyển dẫn đến thiếu.

Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Mạnh Hùng đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như các trường tiếp tục được hợp đồng giáo viên ở vị trí việc làm còn thiếu. Sở sẽ phối hợp tham mưu hướng dẫn sớm các trường giải quyết chế độ cho giáo viên hợp đồng theo mức tối thiểu vùng thay việc trả theo tiết. Sở sẽ phối hợp tham mưu tiếp tục triển khai thi tuyển giáo viên vào năm học 2022-2023, cùng Sở Giáo dục và Đào tạo giao cho một số cơ sở giáo dục của tỉnh liên kết nâng chuẩn cho giáo viên phù hợp theo quy định. Ngoài ra, các địa phương cần có giải pháp điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, dạy liên trường, kêu gọi con em giáo viên ở địa phương khác về dạy.

Đại biểu Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ

Đại biểu Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện hỏi Sở Nội vụ có tham mưu giải pháp gì để nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới của Luật Giáo dục năm 2019?

Về ý kiến này, đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Mạnh Hùng thông tin hiện toàn tỉnh có gần 2.500 giáo viên ở mầm non, tiểu học, THCS chưa đạt chuẩn. Thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện việc đào tạo để các giáo viên đủ điều kiện đạt chuẩn theo quy định của Trung ương. Các giáo viên cử đi đào tạo nâng chuẩn được bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch theo lộ trình để các sở, ngành của tỉnh tham mưu thực hiện. Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 có 100% số giáo viên được đào tạo nâng chuẩn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Sỹ Quyện, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỏi: "Quan điểm tham mưu của sở về vấn đề định mức giáo viên của tỉnh hiện nay còn thấp so với quy định của Trung ương giao?". Đồng chí Phạm Mạnh Hùng giải trình là biên chế giao cho các trường chốt số lượng từ năm 2016. Sau đó, các cơ sở giáo dục phải thực hiện tinh giản biên chế. Học sinh hằng năm tăng khiến quy mô trường lớp tăng trong khi biên chế không được bổ sung nên tiếp tục thiếu biên chế, thiếu giáo viên so với Trung ương giao. Năm 2020 và 2021, trên cơ sở biên chế được Trung ương giao, tỉnh đã cân đối bổ sung thêm cho các trường. Hiện nay, biên chế các cấp học của tỉnh đã được nâng lên cao hơn một số địa phương trong khu vực. Mức giao của tỉnh còn thấp, tỉnh tiếp tục tham mưu để bổ sung biên chế, bảo đảm có học sinh thì phải có giáo viên. Nếu để đủ biên chế theo quy định, tỉnh cần bổ sung thêm gần 3.000 giáo viên. Sở sẽ phối hợp để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

​Đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình, làm rõ thêm về biên chế của ngành giáo dục và đào tạo

15 giờ 10: Tham gia trả lời chất vấn, đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết nguồn tuyển giáo viên thiếu, có nơi thừa, nơi thiếu là do đặc thù giáo viên mầm non, tiểu học thường làm việc gần nhà, khó san sẻ từ nơi này sang nơi khác. Áp lực công việc lớn, thu nhập chưa có cũng khiến việc tuyển dụng, thu hút khó khăn. Sở sẽ tham mưu đặt hàng đào tạo giáo viên dựa vào quy hoạch phát triển, nhu cầu việc làm của tỉnh; tuyên truyền học sinh về nhu cầu việc làm để các em thi tuyển vào ngành sư phạm để đáp ứng yêu cầu giáo viên của tỉnh. 

Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đến năm 2025 phấn đấu tất cả giáo viên các cấp, bậc học trong tỉnh sẽ đạt chuẩn. Đối với vấn đề giao biên chế, dù tỉnh đã quan tâm giao, tuyển dụng hàng nghìn biên chế trong những năm gần đây nhưng nhưng tỷ lệ giáo viên/lớp vẫn thấp. Tỉnh cần có cơ chế giao kinh phí theo khối lượng công việc, không chỉ giao theo biên chế để đáp ứng yêu cầu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đồng chí Phạm Mạnh Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế giải trình, làm rõ thêm về chế độ cho cán bộ y tế thôn

15 giờ 16: Cũng liên quan tới vấn đề cán bộ, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu đồng chí Phạm Mạnh Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế trả lời câu hỏi của cử tri được tiếp nhận qua Trang thông tin điện tử Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh về quy định chức danh, nhiệm vụ, chế độ chi trả cán bộ y tế cấp thôn. Về vấn đề này, đồng chí Phạm Mạnh Cường cho biết đã xin ý kiến Sở Nội vụ, Sở Tài chính và đề nghị UBND tỉnh giải quyết.  

15 giờ 20: Các đại biểu nghỉ giải lao 15 phút

Nhiều doanh nghiệp chưa làm thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài

15 giờ 34: Đồng chí Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và tham gia trả lời chất vấn về quản lý lao động người nước ngoài và giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh.

Đồng chí Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn

Đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết tính đến ngày 30.11.2021, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 3.234 lao động là người nước ngoài được cấp giấy phép lao động làm việc tại 600 doanh nghiệp, nhà thầu. Lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông... Trong đó, lao động có quốc tịch Trung Quốc là 2.019 người, chiếm gần 61%. Lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức tại Hải Dương chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật, nhà quản lý, giám đốc điều hành, vị trí mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.

Năm 2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã thực hiện cấp giấy phép lao động cho 2.076 người, cấp lại gia hạn giấy phép lao động cho 200 người. Trong năm, sở đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra 31 doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với 33 doanh nghiệp, yêu cầu 158 doanh nghiệp rà soát, báo cáo các nội dung có liên quan đến việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài; đưa ra 537 kiến nghị chấn chỉnh, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng lao động nước ngoài. UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính đối với 4 doanh nghiệp về việc sử dụng 395 lao động nước ngoài không có giấy phép lao động với tổng số tiền là 469 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước; áp dụng hình phạt bổ sung đỉnh chỉ hoạt động 1 tháng đối với 2 doanh nghiêp. Đến nay, qua theo dõi, nắm bắt còn 76 doanh nghiệp, nhà thầu sử dụng 503 lao động nước ngoài nhưng chưa làm thủ tục cấp giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030", chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt nhu cầu của các nhà thầu nước ngoài. Triển khai kịp thời các văn bản, quy định pháp luật về quản lý lao động nước ngoài, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài vào làm việc tại tỉnh. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính với những trường hợp vi phạm...

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Thanh Tùng cho biết công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Để khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực này, đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh hợp tác 3 bên giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp. Chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, bảo đảm người học thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu về lao động, việc làm...

15 giờ 50: Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh về công tác quản lý lao động người nước ngoài chưa chặt chẽ, việc phối hợp từ Trung ương đến địa phương chưa kịp thời, giải pháp khắc phục thế nào, đồng chí Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết nguyên nhân của tình trạng trên do có nhiều cơ quan quản lý nhà nước đối với lao động người nước ngoài. Mỗi ngành có chỉ đạo khác nhau. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng việc tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài. Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách xuất nhập cảnh bằng hình thức mời, bảo lãnh nhưng không khai báo kịp thời.

"Thời gian tới, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan chia sẻ thông tin quản lý người lao động nước ngoài. Tỉnh ban hành các văn bản quản lý bảo đảm đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế. Sở đang tham mưu sửa đổi lại một số văn bản cho phù hợp với quy định", đồng chí Bùi Thanh Tùng cho biết.

Đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghi các cơ quan, địa phương nâng cao việc quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý người lao động nước ngoài. Đề nghị Công an tỉnh giao công an cấp xã thông tin quản lý tạm trú để kịp thời quản lý người nước ngoài. Do tình hình dịch Covid-19 nên việc cập nhật, cấp phép cho lao động nước ngoài còn chưa kịp thời. Người của doanh nghiệp làm việc này năng lực còn hạn chế, thiếu kịp thời. Công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài còn hạn chế trong việc tuyên truyền, tập huấn để doanh nghiệp chấp hành nghiêm. Hiện nay, mức xử phạt doanh nghiệp vi phạm trong việc sử dụng lao đọng người nước ngoài chưa đủ sức răn đe. Giải pháp thời gian tới là sở sẽ thường xuyên cập nhật quy định mới về quản lý người lao động nước ngoài cho đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp. Yêu cầu chủ sử dụng lao động nghiêm túc, kịp thời báo cáo việc sử dụng lao động người nước ngoài, nếu vi phạm xử lý nghiêm. Đề nghị Công an tỉnh xử nghiêm theo thẩm quyền.


Đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đặt câu hỏi chất vấn đồng chí Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh hỏi phần mềm ứng dụng quản lý lao động nước ngoài chưa được doanh nghiệp quan tâm, chưa có doanh nghiệp chuyển thông tin, vậy giải pháp tới đây thế nào? Doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng nhiều vị trí người lao động của tỉnh có thể đáp ứng được nhưng lại sử dụng người nước ngoài, giải pháp nào trong việc đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp?

Trả lời vấn đề này, đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình hiện nay việc quản lý người nước ngoài qua phần mềm thực hiện qua 2 phần mềm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và của tỉnh. Không có doanh nghiệp sử dụng 2 phần mềm này vì khi đăng nhập doanh nghiệp phải sử dụng tài khoản, hay bị lỗi khó đăng nhập, vẫn phải mang hồ sơ bản gốc ra đối chiếu khi khai trên phần mềm. Do đó, họ thường đến bộ phận "một cửa" để được hướng dẫn kê khai. Giải pháp về việc này, sở tiếp tục tuyên truyền về tính ưu việt của việc sử dụng phần mềm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý. Đề nghị cấp trên có hướng dẫn về việc sử dụng phần mềm thuận tiện, an toàn, bảo mật.


Về việc lao động trong tỉnh có thể dần thay thế người lao động nước ngoài ở nhiều vị trí việc làm, đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng thời gian tới sẽ yêu cầu doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài đúng theo quy định. Sở đề xuất thẩm định chặt chẽ các vị trí việc làm lao động nước ngoài của doanh nghiệp. Công tác đào tạo gắn với việc sử dụng, nhu cầu việc làm, tập trung đào tạo công nhân kỹ thuật cao, lành nghề. Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề bảo đảm yêu cầu.


Đại biểu Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương chất vấn đồng chí Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Đại biểu Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng dược Trung ương Hải Dương hỏi nhiều doanh nghiệp có số lao động tỉnh ngoài chiếm tỷ lệ cao, đề nghị cho biết giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực để người lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp?

Trả lời, đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết hiện tỉnh ta có khoảng 60.000 lao động tỉnh ngoài làm việc tại tỉnh. Đây là việc bình thường theo quy luật cung cầu. Việc này cũng giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về nguồn lao động. Thời gian tới, sở tham mưu cho tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo lao động để chuyển dịch dần cơ cấu lao động phù hợp với tình hình hiện nay. Tập trung đào tạo lao động cung ứng cho các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, thời xuyên đánh giá nhu cầu, chất lượng lao động.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hồng Sáng, Bí thư Tỉnh đoàn về nhu cầu lao động của thanh niên trong tỉnh lớn nhưng việc đào tạo nghề chưa đáp ứng được, đề nghị cho biết thực trạng mạng lưới đào tạo nghề thế nào và cơ cấu ra sao, đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng hiện Trung ương đang quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh ta chưa quy hoạch được do Trung ương chưa xong. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, thiếu hiệu quả. Sở sẽ tham mưu một số giải pháp như khi quy hoạch mạng lưới nghề nghiệp phù hợp với thực tế.

Nhiều tuyến giao thông quan trọng được đầu tư​


Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề qua chất vấn và trả lời chất vấn

16 giờ 16: Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu chất vấn về các lĩnh vực tài nguyên, môi trường; giao thông, xây dựng và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết thời gian tới có rất nhiều công trình, tuyến giao thông quan trọng được triển khai đầu tư xây dựng trong tỉnh là tuyến kết nối TP Hải Dương-TP Chí Linh; nút giao thông tại quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội-Hải Phòng với đường trực Đông-Tây huyện Kim Thành; tuyến đường kết nối TP Hải Dương với các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, trong đó có công trình cầu Cậy mới... Cùng với đó tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng, lập các khu, cụm công nghiệp mới với tổng diện tích mặt bằng cần giải phóng trên 4.200 ha. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh để sớm triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong tỉnh thì chính quyền các cấp phải tập trung cao độ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đồng chí Lưu Văn Bản, hiện mỗi ngày toàn tỉnh thải ra 1.270 tấn rác thải sinh hoạt. Trong khi đó trong tỉnh mới chỉ có 3 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, đáp ứng xử lý 1/3 lượng rác trong ngày. Công nghệ xử lý rác của các nhà máy hiện có cũng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tỉnh đã phê duyệt Đề án "Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" với những giải pháp để giải quyết. Trong đó, tỉnh sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhà máy hiện có để khu trú, đầu tư mới các nhà máy công nghệ tiên tiến để từng bước thay thế các nhà máy hiện có. Tuy nhiên việc tìm kiếm, lựa chọn mô hình tiên tiến để học tập, áp dụng vào địa tỉnh cũng rất khó khăn. UBND tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy các giải pháp để thực hiện hiệu quả đề án này. Cấp ủy, chính quyền các, người dân trong tỉnh cần chung tay, đồng lòng để cùng giải quyết vấn đề trên, góp phần bảo vệ môi trường trong tỉnh.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Về vấn đề xử lý nước thải, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết việc xử lý nước thải tại 33 cụm cộng nghiệp hiện có rất khó khăn, trong đó 32 cụm công nghiệp không có trạm xử lý nước thải tập trung. UBND tỉnh chỉ đạo đối với những cụm công nghiệp có thể mở rộng sẽ kêu gọi nhà đầu tư trạm xử lý nước thải; nếu không có mở rộng thì Nhà nước sẽ đầu tư nhà máy xử lý nước thải để giải quyết vấn đề trên. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt tập trung rất lớn. Đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc và rất khó khăn, đòi hỏi chiến lược lâu dài. Về vấn đề xử lý không khí, tỉnh đã lắp đặt hệ thống quan trắc để thường xuyên đánh giá hiện trạng.

Về vấn đề hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho người có công, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản cho biết nhu cầu kinh phí lớn. Để từng bước giải quyết, tỉnh UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát và thống kê có 949 trường hợp người có công thực sự khó khăn về nhà ở, trong đó 436 trường hợp có nhu cầu xây mới, 513 trường hợp cần sửa chữa. Các cơ quan chức năng đã xây dựng phương án, đề xuất hỗ trợ các trường hợp xây mới 60 triệu đồng và hỗ trợ các trường hợp sửa chữa 27 triệu đồng với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục rà soát, thống kê, đề xuất hỗ trợ những trường hợp người có công đã thực hiện cải tạo, xây dựng nhà ở nhưng chưa được hỗ trợ và những người đủ điều kiện nhưng chưa được hỗ trợ. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị năm 2022 các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung cao độ phòng chống dịch Covid-19; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn