Không thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường

13/08/2021 17:15

Đó là yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi cho ý kiến vào dự thảo đề án "Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chủ trì hội nghị lần thứ 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ngày 13.8, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị lần thứ 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo dự thảo đề án "Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"; Trường Chính trị tỉnh báo cáo dự thảo đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và hoạt động, xây dựng Trường Chính trị tỉnh là trung tâm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Dự thảo đề án "Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt trong tỉnh được thu gom, xử lý bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn đạt trên 90%, khu vực đô thị đạt trên 95%. Phấn đấu đến năm 2030, 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý bằng các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu cần chỉnh sửa tên đề án là "Thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" để bổ sung mục tiêu xử lý rác thải công nghiệp không độc hại trong tỉnh.

Khẳng định đây là đề án rất quan trọng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến các đại biểu, bám sát định hướng bảo vệ môi trường, xử lý rác thải theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để hoàn thiện đề án.

Đề án cần bổ sung, đánh giá thực trạng hoạt động của các nhà máy xử lý, các bãi chôn lấp và hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải trong tỉnh. Dự báo khối lượng rác thải cho sát với thực tế để hoạch định chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp xử lý.

Nhấn mạnh các giải pháp thực hiện đề án phải đồng bộ, toàn diện, đột phá, căn cơ, lâu dài và bền vững, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn, trong đó nêu cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên. Đề án cũng cần có những tiêu chí để thu hút, lựa chọn đầu tư từ 1 đến 2 nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với tình hình thực tiễn của Hải Dương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, quy hoạch lại khu xử lý rác ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) để ưu tiên thu hút đầu tư ngay 1 nhà máy xử lý rác trong năm 2022, có công nghệ hiện đại, công suất đáp ứng xử lý rác cho toàn tỉnh đến năm 2030. Quy hoạch thêm 1-2 địa điểm để thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác. Bổ sung các giải pháp để duy trì xử lý rác từ nay đến khi có nhà máy xử lý rác mới...

UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và phê duyệt trong tháng 8.2021 để triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh, hiệu quả. Các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện những công việc cụ thể liên quan đến đề án; không thu hút đầu tư lò đốt rác nhỏ lẻ.

Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh báo cáo tại hội nghị

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Trường Chính trị tỉnh tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án theo hướng ngắn gọn, súc tích; điều chỉnh tên đề án là "Xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn và là trung tâm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh". Xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trường đạt chuẩn mức độ 1, năm 2030 đạt chuẩn mức độ 2. Các đánh giá, nhận định, giải pháp trong đề án phải đúng tầm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chú trọng các giải pháp kiện toàn bộ máy bên trong trường; đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tăng tính tự chủ về tài chính; xác định rõ phạm vi, đối tượng, nội dung đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức của trường; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao hiệu quả quản lý học viên, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy...

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nhất trí chủ trương cho phép Công ty TNHH một thành viên xi măng Vicem Hoàng Thạch tiếp tục được khai thác đá vôi tại khu vực núi A tại mỏ đá vôi Núi Han, phường Minh Tân (thị xã Kinh Môn) theo quy định pháp luật, đến độ cao phù hợp với quy hoạch chung của khu vực. Doanh nghiệp phải khẩn trương xin giấy phép gia hạn khai thác, kết thúc khai thác trong 3 năm kể từ khi có giấy phép; cam kết thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường và xử lý, bàn giao mặt bằng theo đúng yêu cầu của thị xã Kinh Môn.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường