Không cào bằng mức chi trả thu nhập tăng thêm giữa các địa phương

08/01/2022 05:51

Trong phiên thảo luận trực tuyến chiều 7.1 tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tham luận trực tuyến từ điểm cầu Hải Dương

Tôi hoàn toàn nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Tôi thấy việc ban hành nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ đã đủ cơ sở chính trị và đủ căn cứ thực tiễn. Điều này cần thiết trong thời điểm hiện tại để TP Cần Thơ phát triển, tạo cơ chế để thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cần Thơ đã có rất nhiều lợi thế và từ xa xưa, đã được mệnh danh là đất Tây Đô, là một đô thị phát triển sầm uất ngay từ thời Pháp thuộc và đến nay vẫn tiếp tục là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội và thương mại của đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, sự phát triển của Cần Thơ chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chưa đạt được kỳ vọng cũng như kế hoạch mục tiêu đề ra. Để Cần Thơ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và khai thác được tối đa những ưu thế cần phải có cơ chế đặc thù riêng như chúng ta cũng đã xem xét ban hành các cơ chế đặc thù cho một số tỉnh và thành phố.

Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với các nội dung chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo Nghị quyết bao gồm các chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, chính sách quản lý đất đai, thu nhập của cán bộ công chức viên chức, các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Tuy nhiên đối với chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Trong dự thảo Nghị quyết quy định: “Sau khi ngân sách thành phố đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương thì Hội đồng Nhân dân thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách để thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản và việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm được quy định tại điều này chỉ được thực hiện khi thành phố tự cân đối được ngân sách”. Như vậy, nội dung chính sách này được áp dụng tương tự như chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua đối với các địa phương là TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo tôi, quy định về thu nhập của cán bộ, công chức cần được xây dựng dựa trên chi phí sinh hoạt của từng địa phương, từng vùng miền để tính đặc thù được thể hiện ngay trong từng chính sách.

Theo công bố chỉ số giá sinh hoạt năm 2020 của Tổng cục Thống kê, các địa phương TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đều thuộc nhóm có chỉ số giá sinh hoạt đắt đỏ. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với 99,05%, còn Hải Phòng đứng thứ 3 với 97,38%, Đà Nẵng 97,11%, còn Cần Thơ chỉ thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có mức chỉ số giá sinh hoạt trung bình là 94,16%. Việc cào bằng mức chi trả thu nhập tăng thêm giữa các địa phương có những đặc thù khác nhau và chỉ số tiêu dùng chênh lệch như trong dự thảo sẽ không bảo đảm tính công bằng giữa các địa phương. Chúng ta đang xây dựng chính sách đặc thù mà lại chưa tính toán đến sự khác biệt này. Mà theo tôi, cùng với mức thu nhập, chỉ số giá tiêu dùng cũng là chỉ số cơ bản để phản ánh khả năng duy trì đời sống và khả năng tích luỹ dự phòng tài chính cho tương lai của người dân các địa phương. Vì vậy, tôi đề nghị không nhất thiết phải rập khuôn về mức chi thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức mà phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương.       

Về hiệu lực thi hành Nghị quyết thí điểm, tôi đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát nên để thời hạn thực hiện thí điểm đến hết năm 2025. Việc kết thúc thí điểm vào năm 2025 nhằm bảo đảm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Sau đó chúng ta tính toán, tổng kết và xem xét trong các giai đoạn tiếp theo. Còn nếu như chúng ta để sau giai đoạn 2025 sẽ chênh về mặt thời gian với kế hoạch 5 năm 2021- 2025 dẫn tới việc xem xét đánh giá của chúng ta khó khăn hơn. Bởi vậy tôi đề nghị xem xét lại thời điểm thực hiện thí điểm Nghị quyết này.

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
Không cào bằng mức chi trả thu nhập tăng thêm giữa các địa phương