Giúp nông dân phát triển sản xuất

20/10/2017 09:55

<b>Tham gia thảo luận tại tổ chiều 19.10, nhiều đại biểu dự Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề xuất các giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) những năm tiếp theo.</b><br>


Các đại biểu thảo luận tại tổ

Quan tâm mọi mặt của đời sống

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí xây dựng NTM là chủ trương hợp lòng dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Con số 115 xã ( tương đương hơn 51%) đạt chuẩn NTM sau 6 năm thực hiện là sự cố gắng rất lớn.

 Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nếu cứ cố gắng chạy theo tiêu chí mà không quan tâm đến nâng cao đời sống của nhân dân thì phải xem xét. Trong việc xây dựng NTM nên tập trung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh; không nên tập trung nhiều vào đầu tư xây dựng cơ bản, dẫn đến tình trạng nợ đọng nhiều.

Có ý kiến cho rằng đích cuối cùng là nâng cao đời sống của người dân, liên quan tiêu chí 12 và tiêu chí 13 về định hướng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, 2 tiêu chí này ai chịu trách nhiệm? Việc hoàn thành tiêu chí trên là khó khăn vì liên quan trực tiếp đến sản xuất, do vậy đánh giá chưa chính xác.

Có một số ý kiến cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn về nước thải, rác thải rất nghiêm trọng; tình trạng xử lý rác thải, nước thải khó khăn, vì vậy đề nghị các địa phương, tỉnh có cơ chế chính sách quan tâm hơn trong xử lý rác thải, nước thải ở nông thôn và đưa vào tiêu chí đánh giá NTM.

 Có ý kiến đề nghị tỉnh có chỉ đạo sớm để cơ sở triển khai thực hiện đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; đồng thời phù hợp với mùa vụ sản xuất. Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc tích tụ ruộng đất, xây dựng thương hiệu, cơ chế đầu ra cho sản phẩm.

Có đại biểu cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; cần khắc phục tình trạng mới chỉ quan tâm đến cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm đến vùng sản xuất; các cấp ủy, chính quyền cần chỉ đạo quyết liệt hơn; có cơ chế chính sách đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương.

 Có ý kiến tham gia cần xác định rõ không phải đạt mục tiêu xây dựng NTM bằng mọi giá mà phải chú trọng đến vấn đề môi trường; không nên lấy việc lấp ao, hồ ở các xã để tạo nguồn lực vì sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, gây hậu quả lâu dài về môi trường.

 Hỗ trợ mới đạt mục tiêu

Có ý kiến băn khoăn đề nghị xem lại mục tiêu đến năm 2020; cần đánh giá, rà soát các xã đã hoàn thành NTM để xem tính bền vững đến đâu, rồi rút kinh nghiệm cho các xã tiếp theo. Có ý kiến cho rằng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đến năm 2020 chiếm 89,8% và 8/12 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn đến năm 2020 (67%) là cao, nên để ở mức 80% trở lên xã đạt chuẩn như mức bình quân chung cả nước và mức 50% trở lên đối với các huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn. Một số huyện bình quân đạt tiêu chí còn thấp, việc phấn đấu có đạt được không? Hiện còn 2 tiêu chí trường học và văn hóa đòi hỏi rất lớn về nguồn lực, khó huy động sự đóng góp của nhân dân. Đề nghị để có nguồn lực cần tăng thu nguồn ngân sách từ xử lý đất dôi dư, xen kẹp và sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

Có một số ý kiến cho rằng TP Hải Dương hiện có 75% số xã đạt NTM, còn lại xã Thượng Đạt chưa đạt, nhưng rất khó khăn, phấn đấu đến 2020 sẽ đạt. Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng thành phố lên đô thị loại 1 thì sẽ phải đề xuất sáp nhập một số xã của các huyện lân cận, như vậy số lượng xã cần phấn đấu đạt chuẩn NTM sẽ tăng lên, khó đạt mục tiêu tiến độ đặt ra.

 Một số đại biểu cho rằng mức tiền hỗ trợ của tỉnh về NTM cho các xã càng về sau càng giảm; nên đề nghị tỉnh giữ mức hỗ trợ đối với những xã chưa về đích là 7 tỷ đồng/xã các năm 2018, 2019, 2020; vì cơ bản những xã khó khăn là những xã chưa về đích NTM. Đề nghị mỗi huyện bố trí cho 2 xã được hỗ trợ khó khăn về cơ chế hằng năm tỉnh bố trí kinh phí 70 tỷ đồng để xây dựng một số công trình cụ thể.

Các ý kiến nhất trí cần phải tiếp tục đầu tư nguồn lực hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ về thời gian, mức hỗ trợ của tỉnh như đề xuất trong báo cáo. Đối với các xã khó khăn, nhất trí hằng năm ngân sách tỉnh dành khoảng 70 tỷ đồng để xây dựng một số công trình cho xã. Có ý kiến đề nghị tỉnh xem xét lại chính sách hỗ trợ các xã khó khăn, vì đó là những xã khó thu hút nguồn lực. Không nên phân bổ đều mà cần xem xét đối với từng xã cụ thể.

Đối với khoản kinh phí 70 tỷ đồng/năm, có ý kiến đề nghị Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM triển khai cụ thể hằng năm. Đồng thời, đề nghị tỉnh hỗ trợ sớm, để huyện chủ động phân bổ thực hiện ngay từ đầu năm.

Có ý kiến đề nghị Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cần xét duyệt chặt vẽ việc các xã không bảo đảm nguồn lực mà vẫn đăng ký NTM; cần có một số chế tài cụ thể đối với các địa phương đăng ký về đích mà không đạt với biện pháp như không bố trí kinh phí cho năm tiếp theo. Có ý kiến đề nghị sửa lại nội dung huy động của dân, mà huy động cũng chỉ mức độ.

 Có ý kiến đề nghị Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hằng năm sớm xây dựng kế hoạch và phê duyệt danh sách các xã đăng ký về đích NTM của các năm tiếp theo vào quý IV hằng năm, để các cơ quan chức năng chủ động thực hiện công việc, địa phương chủ động triển khai nhiệm vụ. Đề nghị địa phương chuẩn bị thủ tục đăng ký sớm.

Có ý kiến đề nghị tỉnh có giải pháp hướng dẫn đối với những xã phấn đấu xây dựng “nông thôn kiểu mẫu”; có giải pháp giữ vững cơ chế hỗ trợ đối với các xã về đích NTM.

Một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa bằng cách kêu gọi nguồn lực đầu tư. Phong trào xây dựng cơ quan văn hóa cần đi vào thực chất, có sự quan tâm của thủ trưởng cơ quan và phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn mới đạt mục tiêu đề ra.

Băn khoăn xử lý đất xen kẹp

Có ý kiến cho rằng đất xen kẹp hiện nay các địa phương đã cơ bản xử lý hết, hiện chủ yếu còn diện tích ao, hồ trong khu dân cư. Đề nghị phân cấp cho huyện tham gia đề xuất xử lý để bảo đảm tiến độ và huy động nguồn lực. Tuy nhiên, việc xử lý đất dôi dư, xen kẹp hiện nay giá cao so với thị trường, đề nghị nghiên cứu thêm về giá cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm có cơ chế đặc thù đối với các xã đã bố trí quỹ đất lớn cho phát triển công nghiệp; xem xét cho thực hiện chủ trương xử lý đất dôi dư, xen kẹp đối với những xã cụ thể đủ điều kiện để tăng nguồn lực xây dựng NTM.

Cần quán triệt trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc xử lý nợ đọng xây dựng; các xã cần đẩy nhanh xử lý đất dôi dư, xen kẹp; chỉ thực hiện các công trình thiết yếu, không để phát sinh nợ.

Tuy nhiên cũng có ý kiến không đồng tình với quan điểm này, nêu rõ: qua thanh tra thấy số liệu báo cáo thấp so với thực tế, việc kê khai và thu tiền sử dụng đất theo giá nNhà nước còn thấp và số thu nộp vào ngân sách không cao, còn gây hệ lụy là làm ảnh hưởng đến môi trường, tiêu thoát nước và an toàn giao thông, gia tăng khiếu kiện. Một số ý kiến cho rằng không nên tiếp tục cho xử lý diện tích đất ao, hồ trong khu dân cư vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường khu vực nông thôn. Đề nghị cấp ủy cần quan tâm chỉ đạo đến công tác kế hoạch sử dụng đất hằng năm cho phù hợp. Việc đấu giá quyền sử dụng đất dưới 20 tỷ đồng do Sở Tài chính chủ trì, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ tham gia.  Vì hiện nay quỹ đất có hạn, cần phải có sự hỗ trợ từ nguồn lực khác. Hiện nay, UBND tỉnh đã có chỉ đạo dừng không cho chuyển diện tích đất ao, hồ sang đất ở; trừ những trường hợp đặc biệt thì mới kiểm tra, xem xét cho chuyển đổi.

NGUYÊN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp nông dân phát triển sản xuất