Giáo sư Hoàng Minh Giám - Người con của thế hệ vàng

02/11/2019 16:27

Giáo sư Hoàng Minh Giám là một nhà trí thức yêu nước lỗi lạc, cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho Tổ quốc, nhân dân trên các lĩnh vực giáo dục, ngoại giao, văn hóa.

Hồ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Hoàng Minh Giám cùng các thành viên Chính phủ lâm thời năm 1945 (Giáo sư Hoàng Minh Giám đứng hàng thứ 3, thứ 2 từ trái sang)

Ông là một trong những người con của thế hệ vàng đã góp phần làm rạng danh đất nước.

Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 4.11.1904, cách đây 115 năm.

Nhà ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh

Giáo sư Hoàng Minh Giám được biết đến là một tri thức yêu thức, một nhà ngoại giao mẫu mực. Ở ông hội tụ đầy đủ năng lực và phẩm chất đạo đức cần có của một nhà ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, đó là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, nhân dân và với Đảng. Ông còn là người thấm nhuần sâu sắc các bài học ngoại giao của ông cha, đặc biệt là tư tưởng, nghệ thuật và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chặng đường hoạt động cách mạng của giáo sư Hoàng Minh Giám, đặc biệt thời kỳ ông được giao trọng trách lãnh đạo Bộ Ngoại giao từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến tháng 9.1954, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám là trợ thủ tin cậy và đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hầu hết mọi hoạt động ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần đưa Cách mạng Việt Nam vượt qua giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc”.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã được mời tham gia Chính phủ, được Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp cử làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Nội vụ và được bầu làm đại biểu Quốc hội đầu tiên năm 1946.

Ngay từ khi tham gia Chính phủ và Quốc hội, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy mời cùng dự các cuộc tiếp xúc quan trọng như tiếp thiếu tá Patti, Trưởng phái bộ Mỹ tại Đông Dương; Jean Sainteny, Cao ủy Pháp tại Đông Dương.

Đặc biệt, tháng 3.1946, ông đã trực tiếp giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đàm phán với đại diện chính phủ Pháp đưa đến việc ký kết Hiệp định sơ bộ 6.3.1946.

Ông cũng được mời tham dự cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Cao ủy Pháp D'Argenlieu ngày 24.3.1946 trên chiến hạm Emile Bertin tại Vịnh Hạ Long.

Tháng 7.1946, ông đã được cử tham gia đoàn Việt Nam trong cuộc đàm phán chính thức giữa hai chính phủ Pháp và Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp. Trong thời gian ở Pháp ông đã được nhiều lần giúp việc trực tiếp Bác Hồ, lúc đó cũng đang thăm chính thức Pháp.

Ông đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, cô lập kẻ thù và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế vào việc làm sáng tỏ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta.

Salan - vị tướng bốn sao của Pháp - đã viết trong hồi ký của mình những dòng cảm phục tài năng của nhà ngoại giao Hoàng Minh Giám: “Ông Giám là một nhà ngoại giao có tài tranh luận ứng khẩu tại bàn hội nghị, là mẫu mực về sử dụng tiếng Pháp đạt đến mức tinh tế, thấu lý đạt tình và đối phương chỉ có thể chấp nhận mà không thể phản bác nếu còn muốn thảo luận nghiêm túc” (báo Nhân Dân ngày 17.10.1993).

Có thể nói, Giáo sư Hoàng Minh Giám là một trợ thủ tin cậy và đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian cách mạng còn trong trứng nước, thực hiện thành công sách lược "hòa để tiến" và chủ trương "ngoại giao phá vây" trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mở đường cho cách mạng Việt Nam vươn ra thế giới bên ngoài. Ông còn là một người lãnh đạo Quốc hội và Mặt trận thống nhất nhiều kinh nghiệm và có những đóng góp to lớn; là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.    

Nhà văn hóa lỗi lạc

Không chỉ là một cán bộ ngoại giao dày dặn kinh nghiệm mà trên mọi cương vị, mọi nhiệm vị được giao, Giáo sư Hoàng Minh Giám đều để lại những dấu ấn khó quên với tinh thần trách nhiệm, với kiến thức sâu rộng và tầm nhìn vừa cụ thể, vừa bao quát để chỉ đạo mọi công tác.

Hơn 20 năm giữ cương vị Bộ trưởng Văn hoá (từ năm 1954 đến 1976), ông chính là người đặt nền móng trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông đã phát triển ngành văn hóa ở các địa phương, đơn vị sản xuất ở miền Bắc trở thành "vũ khí" để cổ vũ, động viên công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, khích lệ khát khao giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông đã phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, phát triển đời sống văn hoá phong phú trong quân đội trên chiến trường, giúp chiến sĩ sung sức khi ra trận, an tâm khi nhớ về hậu phương.  

Nhà thơ Huy Cận, nguyên Thứ trưởng Văn hóa đã nhấn mạnh: Giáo sư Hoàng Minh Giám là người có công lớn trong việc phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, mà đến hôm nay trong hội nhập phát triển, ta mới thấy tầm vóc tư tưởng ấy là hoàn toàn đúng đắn. 

Giáo sư cũng luôn quan tâm đến hệ thống tổ chức, xây dựng những thiết chế văn hóa: bảo tàng, thư viện, trường đại học.

Đặc biệt, hoạt động điện ảnh đã được ông chú ý phát triển, những thành công của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam cho đến nay vẫn còn được ghi nhận. Hàng loạt bộ phim kinh điển được xây dựng, nhiều phim đoạt giải thưởng lớn tại các liên hoan phim quốc tế và trong nước, như “Chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Vợ chồng A phủ”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Nổi gió”…

Trong thời kỳ khó khăn gian khổ, bên cạnh văn nghệ phục vụ quân dân chiến đấu, sản xuất, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã quan tâm tạo nền móng cho nghệ thuật bác học phát triển như tổ chức đào tạo và trình diễn nhạc giao hưởng, múa ba-lê... Dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Hoàng Minh Giám, bất chấp hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, ngành văn hóa Việt Nam vẫn phát triển, để lại nhiều thành tựu đáng trân trọng.

Ông cũng là người có tầm nhìn sâu rộng về hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Ông đã ký 54 Nghị định thư về trao đổi văn hóa giữa nước ta với các nước, cử 98 đoàn văn hóa ra nước ngoài công tác và biểu diễn, đón tiếp 110 đoàn văn hóa-nghệ thuật của nước ngoài vào công tác, biểu diễn, tham gia liên hoan phim, triển lãm mỹ thuật quốc tế… đưa văn hóa nghệ thuật Việt Nam tới các nước để giới thiệu và quảng bá.

Bộ trưởng Văn hóa Liên Xô Ekaterina Fourtseva đã trân trọng khi nói về ông: “Tôi chưa từng gặp một vị Bộ trưởng Văn hóa nào tinh tế, lịch thiệp như ông Giám. Đó còn là kiểu mẫu của một nền văn hóa, ông rất uyên bác và với phong thái một con người có văn hóa cao, biểu hiện trong dáng điệu, lời nói”.

Giáo sư Hoàng Minh Giám đã cùng đất nước đi trọn chặng đường lịch sử. Ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng tận lực, tận tâm phụng sự Tổ quốc và đồng bào. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đồng nghiệp, đồng chí thân thiết của giáo sư đánh giá: Hoàng Minh Giám - tấm gương sáng cho đông đảo anh em trí thức Việt Nam ta bây giờ và mãi mãi sau này.

Giáo sư Hoàng Minh Giám mất ngày 12.1.1995. Với những công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên của ông được chọn để đặt tên cho đường phố ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để tưởng nhớ, ghi ơn những đóng góp to lớn của ông với nhân dân, Tổ quốc.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư Hoàng Minh Giám - Người con của thế hệ vàng