Cựu chiến sĩ Điện Biên đi qua cuộc chiến

08/05/2019 11:29

Đã 65 năm trôi qua nhưng ký ức về những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm trong trí nhớ của Đại tá Phạm Trung Đôi.


Đại tá Phạm Trung Đôi kể về những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Gần 90 tuổi, Đại tá Phạm Trung Đôi còn rất minh mẫn. Trong ngôi nhà nhỏ ở khu 1, phường Việt Hòa, TP Hải Dương, ông kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng hào hùng mà Đại đội 25, Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 tham gia đánh trận then chốt ở cứ điểm Him Lam, góp  phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những năm tháng hào hùng

Năm 1952, chàng trai trẻ Phạm Trung Đôi (17 tuổi) viết đơn xung phong đi bộ đội. Vào quân ngũ, Phạm Trung Đôi được biên chế vào Tiểu đội 5, Đại đội 25, Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhớ lại những ngày đầu tham gia chiến dịch, ông Đôi kể: Cuối năm 1953, Pháp đưa quân nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ. Lúc này, Ðiện Biên Phủ trở thành nơi tập trung lớn lực lượng của địch. Thực hiện mệnh lệnh của Ðại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, các đơn vị bộ đội vừa tích cực làm đường đưa pháo vào trận địa, vừa đào công sự, chiến hào bao quanh Ðiện Biên Phủ. Tiểu đội 5 được biên chế 9 người, có nhiệm vụ đào một đoạn giao thông hào khoảng 40-50m. Chúng tôi tổ chức thành hàng dọc mỗi người cách nhau khoảng 1,5m, người đi đầu phải giữ một quả cầu rơm đường kính khoảng 0,5m để chặn đạn bắn thẳng của địch cho cả đội hình. Trong quá trình đào hào chúng tôi thường sử dụng 3 cách: đào cóc nhảy, đào rũi, đào moi đánh sập. Lúc đầu nằm đào, sau dần dần chuyển sang cúi và ngồi đào..., vừa đào vừa phải tránh đạn pháo và đạn bắn thẳng của địch, bởi cứ 10-15 phút chúng lại bắn một đợt đạn cối. Gần 3 tuần tập trung lực lượng đào hào và chuẩn bị trận địa, đường hào quân ta ở Điện Biên Phủ đã như trận đồ bát quái. Gần 200km chiến hào ngang dọc đã như những gọng kìm từ lòng đất, vây chặt quân địch trong các cứ điểm, làm cho chúng vô cùng khiếp sợ.

Đại tá Phạm Trung Đôi nhớ lại: Xác định Him Lam là “cửa ngõ” đi vào tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Ðiện Biên Phủ, do vậy Pháp đã bố trí ở đây Tiểu đoàn Lê Dương - tiểu đoàn mạnh nhất của Pháp ở Ðông Dương bấy giờ và rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, bố phòng công sự vững chắc. Tiểu đoàn Lê Dương gồm 4 đại đội với gần 500 tên địch đóng tại 3 cứ điểm làm thành cụm cứ điểm Him Lam. Chỉ huy Đại đoàn 308 đã giao nhiệm vụ cho từng tiểu đoàn và nêu quyết tâm bằng mọi giá phải đánh thắng. 12 giờ trưa ngày 13.3.1954, Pháp đưa xe tăng, bộ binh ra phá chiến hào của ta; được lệnh các mũi tấn công của ta đồng loạt xung phong, nã súng cấp tập vào các cứ điểm của địch. Địch bị bất ngờ, hoang mang, gần như tê liệt hoàn toàn, ta dùng pháo binh, súng cối bắn chặn buộc địch rút chạy. 2 giờ đêm ngày 14.3, quân ta làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam bắt sống khoảng 200 tên địch, làm bị thương và tiêu diệt gần 300 tên.

Kể đến đây, nét mặt người lính già trở nên nghiêm nghị hơn, giọng trầm xuống, sau vài phút im lặng, Đại tá Đôi kể: Đánh thắng trận Him Lam, Trung đoàn 88 nhận nhiệm vụ tiếp tục tấn công đồi Độc Lập. Đây là trận đánh lịch sử và cũng là trận đánh nhiều mất mát nhất. Sau trận đánh cả trung đội chỉ còn vài người. Đồi Độc Lập có độ cao trên dưới 100m, xung quanh có nhiều hàng rào dây kẽm gai bao bọc (4 lớp hàng rào: vướng chân, cọc, mái nhà, bùng nhùng và nhiều loại mìn), bên trong xây nhiều lô cốt và chiến hào ngang dọc như bàn cờ. Lực lượng địch tại đây gồm có 1 tiểu đoàn Algeria và 1 đại đội lính ngụy Thái, được tăng cường 4 khẩu cối 120 ly, có đại pháo ở Mường Thanh - Hồng Cúm chi viện. Cứ điểm Điện Biên Phủ được mệnh danh là bất khả xâm phạm. Người Pháp đã từng tuyên bố “Việt Cộng động vào sẽ không có đường ra”.

Để nhanh chóng chiếm được đồi Độc Lập, Trung đoàn 88 giao nhiệm vụ cho Đại đội 25 mở cửa qua các lớp hàng rào của địch phải nhanh, gọn, đúng hướng. Kế hoạch dự định mở hàng rào dây thép gai của đơn vị phải mất 4 phút mới xong, thế nhưng chỉ trong vòng 2 phút, đơn vị đã mở xong các lớp hàng rào và xung phong đánh chiếm các mục tiêu lô cốt địch bên trong đồi Độc Lập. Lúc bấy giờ, trời vẫn còn sáng, địch rất hoang mang, lo lắng, các cánh quân của ta từ các phía nhanh chóng tiến vào tiêu diệt đội hình quân Pháp.

Đại đội 25 đảm nhiệm mũi tấn công chủ yếu ở hướng Đông Nam. Tôi được đồng chí Nguyễn Văn Hòe, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5 giao nhiệm vụ chiến sĩ xung kích đánh trận Độc Lập. Do trời mưa lầy lội, đơn vị cối chi viện chưa thể vận động tới kịp, nên giờ nổ súng phải lui lại. Đúng 3 giờ sáng ngày 15.3.1954, lệnh khai hỏa mới được bắt đầu. Sau 40 phút, bộc phá đã mở xong cửa, Tiểu đội 5 làm mũi nhọn ào ạt xông lên. Ta và địch giành giật từng mét chiến hào, từng lô cốt. Đến 6 giờ 30 cùng ngày, quân ta làm chủ hoàn toàn đồi Độc Lập, tiêu diệt 483 tên địch, trong đó có 2 tên quan ba, bắt sống 200 tên, xóa sổ tiểu đoàn 5 Bắc Phi. 8 giờ sáng cùng ngày, Pháp đưa 1 tiểu đoàn khoảng 500 lính, 8 xe tăng ra phản kích chiếm lại đồi Độc Lập nhưng bị bộ đội ta phục kích nên địch phải rút lui.

Từ "xạ thủ bắn tỉa”...

Gian khổ, ác liệt là vậy nhưng đọng lại trong ký ức của Đại tá Phạm Trung Đôi là những ngày “đánh lấn, bắn tỉa”. Đó là kiểu đánh trước đó chưa bao giờ có trong quân đội ta và là sáng kiến tiêu diệt địch có hiệu quả. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ đào hào chia cắt sân bay Mường Thanh. Các chiến sĩ sử dụng xẻng đào chiến hào lấn sâu dần về phía địch để thực hiện bao vây, chia cắt sân bay địch, bóp chết đường tiếp tế của chúng. Địch thì chỉ cách hơn 100m, bên này nhìn thấy bên kia, ta thì dưới giao thông hào, ngoi đầu lên là địch bắn, sau này bộ đội ta cũng làm các ụ súng để bắn tỉa lại. Trong những ngày “đánh lấn, bắn tỉa”, địch mò ra lấy dù tiếp tế là ta bắn tỉa, đợi đêm xuống anh em hò nhau bò ra khiêng hàng chiến lợi phẩm về. Hàng chiến lợi phẩm có đủ cả bánh quy bơ, thuốc lá, thịt hộp, cá hộp...

Từ hiệu quả của cách đánh “bắn tỉa”, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra chỉ thị phong trào diệt địch càng rải rác càng tốt, làm cho địch hoang mang. Thực hiện phong trào diệt địch, chiến sĩ Phạm Trung Đôi được Trung đoàn tin tưởng chọn vào tổ bắn tỉa của đơn vị. Để bắn tỉa được địch các chiến sĩ bắn tỉa trong tổ của ông đã tìm chỗ gần hỏa lực địch, hoặc chỗ địch thường đi xuống lấy nước để phục sẵn.

Đại tá Đôi nhớ lại: Đêm đầu chúng tôi đi tìm địa điểm bắn tỉa, đánh dấu sẵn, đêm sau mới bò vào đào công sự, giữa đồng đất mênh mông, chúng tôi phải khéo léo ngụy trang để giấu công sự. Những tên lính Pháp nấp dưới hầm, chiến hào cả ngày bí bách, vì không được hít thở không khí trong lành, không có nước uống. Mỗi lần chúng ngóc đầu chui lên, lính bắn tỉa của ta ngay lập tức xả đạn, khiến chúng sợ lại phải tụt ngay xuống hầm. Không chịu được khát, địch buộc phải xuống sông Nậm Rốm lấy nước, tổ bắn tỉa chỉ được bắn phát một, nên chúng tôi phân công nhau mỗi người ngắm một tên, dùng cây dây leo ngụy trang đầu súng, khói tản ra nên bắn xong địch vẫn không phát hiện được vị trí người bắn tỉa. Ngay ở các vị trí đóng quân sát sông Nậm Rốm, ban ngày địch cũng không dám xuống lấy nước. Hoạt động bắn tỉa thật lợi hại, chỉ trong 10 ngày, 4 tổ thiện xạ quanh khu trung tâm đã diệt hàng trăm tên địch; có chiến sĩ “thiện xạ” diệt 13 tên địch bằng 15 viên đạn. Riêng tôi đã tiêu diệt được 16 tên địch.

...trở thành “Nhà giáo Ưu tú”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10.10.1954, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ông Đôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Năm 1958, ông được chọn là đại biểu tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tháng 5.1958, ông được cử đi học Trường sĩ quan Lục quân 1. Tốt nghiệp ra trường ông được giữ lại làm giảng viên Khoa Bắn súng của trường. Những kinh nghiệm thực tiễn trong chiến đấu, nhất là kỹ năng bắn tỉa là nguồn tư liệu phong phú, sinh động để giảng dạy, truyền thụ lại cho các học viên.

Tháng 3.1966, ông Đôi được điều động vào Sư đoàn 325B trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Trước yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1968, ông được Bộ Quốc phòng điều động trở về nhà trường công tác với nhiệm vụ đào tạo gấp cán bộ chỉ huy tham mưu tác chiến cho chiến trường miền Nam. Nhiều cán bộ, sĩ quan được đào tạo từ nhà trường đã phát huy tốt khả năng chỉ huy đơn vị, dũng cảm chiến đấu, lập được nhiều chiến công xuất sắc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1988, với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, Đại tá  Phạm Trung Đôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Giờ đây, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Đại tá Phạm Trung Đôi vẫn thường kể cho con cháu nghe những chiến thắng oai hùng, vẻ vang của dân tộc, như một sự nhắc nhở tuổi trẻ hôm nay hãy phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên Phủ, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của ông cha đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

NGUYỄN THANH ghi theo lời kể của Đại tá Phạm Trung Đôi

(0) Bình luận
Cựu chiến sĩ Điện Biên đi qua cuộc chiến