Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương lớn về sự nêu gương

02/09/2019 20:56

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương vĩ đại về sự cống hiến hết mình vì dân, vì nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của sở (7.1960). Ảnh: TTXVN

Một trong những giá trị tinh thần, sức mạnh vật chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm trí và đời sống các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân ta hiện nay và mãi mãi mai sau là tấm gương lớn về sự nêu gương của Người. Người hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước không một chút toan tính riêng tư cho tới tận lúc Người từ biệt thế giới này.

Tấm gương vĩ đại về sự hết lòng vì nước, vì dân 

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, chứng kiến cảnh dân tộc và đồng bào của mình bị bọn thực dân, phong kiến áp bức vô cùng tàn bạo, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã tự đặt ra trách nhiệm cho mình phải ra đi tìm con đường cứu nước. Đây là một quyết định lịch sử của chàng thanh niên yêu nước mới vừa tròn 21 tuổi - dám dấn thân, chấp nhận muôn vàn thử thách, sẵn sàng hy sinh tất cả, miễn sao mang lại được “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.

Suốt trong hành trình bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước cũng như trong cả cuộc đời hoạt động lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với một khát khao và niềm tin sắt đá rằng dân tộc mình, Tổ quốc mình nhất định phải được và xứng đáng được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc, con người vĩ đại ấy đã vượt qua muôn vàn thử thách, tù đày, hy sinh mọi lợi ích cá nhân để từng bước lãnh đạo nhân dân kháng chiến, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.

Thực tế đã chứng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương vĩ đại về sự cống hiến hết mình vì dân, vì nước. Đúng như Người từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó” (1). 

Không chỉ tự mình nêu gương, Bác còn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Sự nêu gương đi đầu dám nghĩ, dám làm, dám lao vào nơi gian khổ để quần chúng nhân dân tin, noi theo là phẩm chất, nhân cách, khí phách của người cán bộ, đảng viên. Do đó, Bác yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân, không toan tính, thu vén lợi ích riêng tư, luôn đặt lợi ích chung của nhân dân, đất nước, dân tộc lên trước hết, trên hết. Đó là cơ sở, là điểm xuất phát cho nhận thức dám hy sinh phấn đấu, tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên ở bất cứ thời điểm nào.

Tấm gương về sự thống nhất giữa lời nói và việc làm 

Suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn - “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (2). Và tất cả những việc người làm đều hướng đến mục đích đó. 

Tất cả những việc lớn liên quan tới vận mệnh lịch sử dân tộc, Người đã nói là nỗ lực, quyết tâm làm cho bằng được. Người nói, nước Việt Nam có quyền độc lập, tự do; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nhất định thắng lợi; trong chiến tranh với đế quốc Mỹ, ta nhất định thắng, địch nhất định thua; thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn... Tất cả, đều đã thành hiện thực. Bằng ý chí, nghị lực của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chiến đấu và chiến thắng mọi âm mưu xâm lược, mang lại nền độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước.

Việc lớn là vậy, việc nhỏ cũng thế. Bác thường xuyên nhắc nhở đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức. Bản thân Bác đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến vật dụng, phương tiện phục vụ công việc hằng ngày. Ðồ dùng cá nhân của Bác cũng rất giản dị và tiết kiệm. Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, để giải quyết nạn đói đang hoành hành, Bác đã kêu gọi đồng bào cả nước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” (3). Và cho dù phải làm việc nhiều, sức khỏe lại giảm sút bởi vừa trải qua trận ốm nặng trước đó nhưng Người vẫn nêu gương “tôi xin thực hành trước” và Người đã thực hiện một cách rất nghiêm túc.

Có thể thấy, thống nhất giữa lời nói và việc làm là đặc điểm phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là bài học vô cùng lớn, thiết thực và cần thiết đối với mỗi chúng ta trong đời sống hằng ngày trước đây, hôm nay và mãi mai sau.

Tấm gương gần dân, thương dân, lấy dân làm gốc 

Ngay từ thời niên thiếu, Bác đã rất cảm thông và chia sẻ với đời sống của người dân xung quanh. Người đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp thế giới, sống với các tầng lớp nhân dân các nước, thấu hiểu nỗi thống khổ của người lao động. Người rút ra nhận xét bất hủ, trên trái đất này rốt cuộc cũng chỉ có hai hạng người: hạng người đi áp bức và hạng người bị áp bức. Người cực lực lên án hạng người đi áp bức và đứng về phía những người bị áp bức, bênh vực họ, kiên quyết chống lại kẻ đi áp bức.

Đối với nhân dân thế giới nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng, Người luôn kính trọng, yêu thương, gần gũi. Người lắng nghe tất cả mọi người dân, lo lắng cho dân từ cơm ăn nước uống, áo mặc, học hành. Người coi niềm vui, hạnh phúc của nhân dân là niềm vui, hạnh phúc của chính mình và đau xót khi biết tin đồng bào bị hạn hán, lũ lụt, mất mùa đói kém; chiến sĩ bị giặc tàn sát… Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gần dân, thương dân, hiểu dân, học dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Bác cũng luôn tin tưởng vào khả năng của dân, nhìn thấy ở nhân dân nguồn sức mạnh vô tận. Từ đó, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. 

Vì thế, Người được tất cả mọi tầng lớp nhân dân khắp mọi miền đất nước luôn kính yêu, gắn bó thân thiết như cha anh, người nhà, người bác, người ông vô cùng kính trọng trong gia đình. 

Tấm gương về cách đào tạo, sử dụng, rèn luyện đội ngũ cán bộ 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương lớn về coi trọng công tác cán bộ. Người luôn đề cao nhận thức và thực hiện cán bộ là gốc của mọi công việc. Cán bộ tốt thì phong trào tốt, cán bộ yếu thì phong trào kém. Do đó, ngay từ ngày đầu thành lập Đảng và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Người luôn coi công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ của Đảng là nhiệm vụ then chốt số một bảo đảm mọi sự thành công. 

Người hết sức thận trọng trong việc lựa chọn cán bộ, giao nhiệm vụ, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Cán bộ được Người đào tạo, rèn luyện đều trưởng thành vững vàng qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, thực đức, thực tài, là nhân cốt của cách mạng. 

Tấm gương nêu gương trong sáng, mẫu mực về công tác cán bộ của Người để lại cho chúng ta bài học quý về việc xem xét, sử dụng, đào tạo, giáo dục cán bộ một cách khách quan, không để tình trạng chạy chức, chạy quyền, lôi kéo, bè cánh, lợi ích nhóm, mất đoàn kết, thiếu trung thực có cơ hội trong công tác cán bộ.

Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Từ khi còn là một thanh niên yêu nước, khi bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, hay là một chính khách, vị lãnh tụ của dân tộc thì Người luôn giữ phong cách ung dung tự tại - một nhà văn hóa lớn ở tầm cao trí tuệ, đỉnh cao nhân cách đạo đức với lối sống thanh cao, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Người luôn kiên định với cuộc sống vật chất, tinh thần giản dị, giữ vững khí tiết của nhà yêu nước, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cao cả của mình. Ngay cả khi là Chủ tịch nước, Người vẫn sống giản dị, thanh cao, gần gũi với mức sống, lối sống của nhân dân, của dân tộc từ cách ăn, mặc, ở, đi lại, cách cư xử; tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vô cùng ân cần, gần gũi, chan hòa. 

Cùng với cần, kiệm, liêm, chính, Bác là một mẫu mực về thực hiện chí công vô tư. Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết tôn trọng của công, không được chiếm công vi tư. Theo Người, tham nhũng, lãng phí là tội nặng nhất, là xấu xa nhất, là ăn cắp của dân. Tham nhũng, chiếm công vi tư là chủ nghĩa cá nhân, là một thứ giặc nội xâm không thể chấp nhận được. 

Bác còn là tấm gương sáng về phong cách sống và làm việc khoa học, cụ thể, chính xác, hiệu quả. Người luôn kết hợp lý luận với thực tế, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả trong công việc. Bác luôn dạy cán bộ, đảng viên phải hiểu biết cuộc sống, phải xuất phát từ cuộc sống và trở về nơi cuộc sống. Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để huấn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên. Theo đó, Người yêu cầu làm việc phải khoa học, không xa rời thực tế, có kế hoạch; các chỉ thị, nghị quyết phải được tổ chức chỉ đạo thực hiện, phải đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm; không “đánh trống bỏ dùi”; không “đầu voi đuôi chuột”… 

Tấm gương về nghệ thuật ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên định 

Ở cương vị lãnh tụ của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện là một nhà ngoại giao tài tình kết hợp nhuần nhuyễn giữa mềm dẻo với kiên định mục tiêu cao cả của dân tộc, tin tưởng vào chân lý của cuộc sống.

Và với chiến lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Người luôn giữ vững, không nhượng bộ bất cứ chút lợi ích cơ bản nào của đất nước, của dân tộc; và đứng vững trên nền tảng đó để ứng phó, tìm biện pháp thích hợp, đi đến mục đích cuối cùng là độc lập chủ quyền chân chính của quốc gia, giữ vững lợi ích của dân tộc.

Nét nổi bật tấm gương nêu gương ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là dựa vào sức mạnh của nhân dân tiến bộ trên thế giới, dựa vào chính nghĩa của cách mạng Việt Nam để tuyên truyền, kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ cách mạng Việt Nam bằng cả sức mạnh vật chất và tinh thần. Đồng thời, Người luôn đứng trên đỉnh cao của sự hiểu biết, nắm chắc tình hình của ta, của đối phương, thực hiện phương châm “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Từ lời nói đến hành động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một tấm gương lớn, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Tấm gương Hồ Chí Minh chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc Việt Nam mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh đã viết trên báo Sao Mai của Đảng Cộng sản Anh, ngày 5.9.1969: Tất cả những người cộng sản bất cứ ở đâu cũng đều tự hào về tấm gương của đồng chí Hồ Chí Minh. Đồng chí là tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong phong trào vĩ đại của chúng ta. Đồng chí là một nhà cách mạng, một nhà yêu nước, một người giàu lòng nhân đạo, một nhà hoạt động quốc tế tận tụy.

MINH DUYÊN (TTXVN)

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.240

(2): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.161

(3): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr.31

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương lớn về sự nêu gương