Chi cho con người vẫn chiếm tỷ trọng lớn

27/10/2018 10:01

Ngày 26.10, Quốc hội (QH) thảo luận về kinh tế-xã hội.

Vấn đề đổi mới bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đưa ra phân tích, mổ xẻ.

Đại biểu Thăng cho biết qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra về sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy ban Tài chính, ngân sách trình trước QH cho thấy có những tín hiệu đáng mừng, như cơ cấu chi ngân sách nhà nước có chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thật sự mạnh mẽ, tỷ trọng chi thường xuyên trong chi ngân sách nhà nước vẫn còn cao (năm 2017: 64,68%, năm 2018: 64,11%, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 26,2%). Trong bối cảnh, thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, thu nội địa mới chủ yếu đủ chi thường xuyên, làm tăng gánh nặng ngân sách nhà nước và giảm chi đầu tư phát triển một cách đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu làm tỷ lệ chi thường xuyên lớn là do tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối; số lượng người hưởng lương và phụ cấp từ nguồn ngân sách còn rất lớn, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Số lượng người  hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, KDC còn rất nhiều.

Thực hiện nghị quyết Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 56 "Về việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Đây là một nghị quyết rất quan trọng, với các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và lộ trình thực hiện rất cụ thể, thể hiện quyết tâm cao của QH. Thời gian vừa qua, để triển khai thực hiện Nghị quyết của QH, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm chính trị cao, thái độ quyết liệt và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; đã giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục; Bộ Công an giảm 6 tổng cục, 65 đơn vị cấp cục; giảm trên 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 biên chế công chức".

Ở các địa phương, theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, nhất thể hóa, kiêm nhiệm một số chức danh, giảm số lượng cấp phó theo đúng quy định, giảm đầu mối trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, giảm đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị; cơ cấu lại và giảm mạnh đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập; sáp nhập các thôn, KDC có quy mô nhỏ; giảm biên chế và người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Các giải pháp đó đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực về bộ máy tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, đối chiếu với các mục tiêu của Nghị quyết số 56 của QH, các Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương thì còn không ít bất cập, hạn chế. Theo báo cáo của Chính phủ, sau 3 năm, kết quả tinh giản biên chế còn thấp so với mục tiêu tối thiểu 10% vào năm 2021. Đến nay, tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập từ chủ cả về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%. Tổ chức bộ máy bên trong một số bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả. Việc thực hiện xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, đầu mối tổ chức bộ máy, nhất là cơ cấu tổ chức bên trong của nhiều cơ quan, đơn vị vẫn giảm chậm.

Đáng chú ý là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước khá chậm. Trong Nghị quyết số 56 của QH đã nêu rõ: Trong năm 2018, Chính phủ hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; văn bản về tiêu chí để xác định biên chế công chức, số lượng người làm việc, cơ cấu công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; tiêu chí đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở xác định đối tượng tinh giản biên chế.

Tuy nhiên đến nay, nhiều văn bản trong số các văn bản nêu trên chưa được ban hành. Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 56 của QH có hiệu quả, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Cần đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chứ để làm cở sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước, các chủ trương về nhất thể hóa một số chức danh, nhất là việc hợp nhất các cơ quan đảng với cơ quan nhà nước có chức năng và nhiệm vụ tương đồng.

Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là giáo dục đạo học, cao đẳng, dạy nghề; các cơ sở khám chữa bệnh; sự nghiệp khoa học, kỹ thuật. Kiên quyết thực hiện lộ trình chuyển phí thành giá dịch vụ phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí; xây dựng định mức chi phí, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ công; đôn đốc, quyết liệt hơn trong chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về "Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập". Theo đó, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn còn thiếu, chưa đồng bộ để đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Việc cải cách, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước là công việc khó khăn, phức tạp, liên quan trực tiếp tới quyền lực, quyền lợi của nhiều tập thể và cá nhân có liên quan. Vì vậy, tôi đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao của hệ thống chính trị và xã hội, nhất là đối với những người có lợi ích liên quan. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần có quyết tâm chính trị cao, biện pháp thực hiện sáng tạo và quyết liệt. Lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. QH, các đoàn đại biểu QH, các vị đại biểu QH tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 56 của QH bảo đảm thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Chi cho con người vẫn chiếm tỷ trọng lớn