Căn cứ địa cách mạng Tân Trào-Tuyên Quang ngày ấy... bây giờ

22/07/2018 16:00

Tân Trào – căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đã 73 năm trôi qua, ký ức về những sự kiện lịch sử ấy vẫn in đậm trong lòng mỗi người dân nơi đây và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) hôm nay đang chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ký ức lịch sử

Những con đường bê tông hóa phẳng phiu, cờ hoa rực rỡ… là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Bà Hoàng Như Loan, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết: Tháng 5 năm 1945, trước những diễn biến mau lẹ và yêu cầu của tình hình cách mạng, Bác Hồ chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Từ Tân Trào, những chủ trương, chỉ thị của Đảng, của Bác đã truyền đi khắp miền đất nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8.1945. Từ ngày 13 đến ngày 15.8.1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 16, 17.8.1945, Quốc dân đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam họp tại đình Tân Trào, đã thảo luận nhất trí thông qua chủ trương của Việt Minh và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch.

Dưới gốc đa Tân Trào chiều 16.8.1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội...

Để hiểu rõ hơn về những ngày lịch sử đó, chúng tôi tìm gặp bà Hoàng Thị Mai, dân tộc Tày, 78 tuổi, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (bà là con dâu cụ Nguyễn Tiến Sự và ngôi nhà của cụ Sự là nơi Bác Hồ đã ở khi Người mới từ Cao Bằng về Tân Trào).

Bà Mai cho biết: "Khi Bác Hồ và những cán bộ về Tân Trào năm 1945, tôi mới 5 tuổi, sau này được nghe bố mẹ kể lại trong thời gian ở nhà bố mẹ tôi, ngày nào Bác cũng làm việc đến tận khuya và dậy rất sớm. Bác ăn cơm cùng với gia đình. Mẹ tôi khi đó rất băn khoăn vì nhà không có nhiều rau xanh để ăn. Bác biết được điều này và biết gia đình có vừng và chè xanh nên đã động viên mẹ tôi: “Thế thì không lo. Ta sẽ dùng măng chấm muối vừng, dùng chè xanh nấu canh lấy nước chan cơm, thế là ngon rồi”. Người cũng nói với bố tôi phải động viên đồng bào dù chạy giặc nhưng cũng phải khẩn trương làm mùa, cần trồng nhiều rau để ăn và nuôi bộ đội nữa. Vì sắp tới bộ đội sẽ về đông hơn. Ngoài ra, Bác còn động viên mẹ tôi cũng như mọi người là phải đi học để có thể tham gia vào công tác đoàn thể, tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc… Sau khi ở nhà bố mẹ tôi khoảng 1 tuần, để bảo đảm bí mật và thuận tiện cho công việc, cuối tháng 5.1945, Người chuyển lên ở và làm việc tại lán Nà Nưa".

Cũng là người được bố mẹ kể lại những sự kiện diễn ra ở Tân Trào năm 1945, ông Hoàng Ngọc, dân tộc Tày, 82 tuổi, thôn Tân Lập, xã Tân Trào tâm sự: "Khi Bác Hồ ở Tân Trào, hầu hết người dân nơi đây không ai biết đó là Bác Hồ đâu, mọi người đều gọi Bác là Ông Ké. Bác rất gần gũi với mọi người. Ngoài thời gian làm việc Người còn cùng với bà con lao động, nói chuyện với chiến sỹ, động viên chị em hăng hái tham gia lao động sản xuất, có lần đi thăm đồng thấy ruộng lúa của người dân bị vỡ bờ, Người đã tự tay đắp lại bờ ruộng cho người dân… Trong ký ức của mỗi người dân chúng tôi Bác Hồ rất vĩ đại và vô cùng giản dị".

Cùng thời điểm đó, hầu hết các gia đình trong thôn Tân Lập đều có cán bộ về ở. Mặc dù lúc ấy cuộc sống của người dân trong thôn còn vô cùng khó khăn, nhưng không ai ngại khó, ngại khổ, mà nhà nhà đều góp gạo, góp muối… để nuôi cán bộ cách mạng. Đặc biệt, người dân trong thôn đều thực hiện “3 không” là không biết, không nói, không thấy để bảo đảm an toàn, bí mật cho Bác Hồ và những cán bộ đang hoạt động tại thôn.

Vinh dự là nơi được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của nước ta trong Cách mạng Tháng Tám nên với những người dân Tân Trào, những ký ức về Bác, về những sự kiện lịch sử đó luôn được người dân địa phương lưu giữ, không bao giờ quên được.

Là người năm xưa đã từng giã gạo, phụ giúp việc nấu cơm cho những cán bộ về họp Quốc dân Đại hội, bà Lưu Thị Khen, dân tộc Tày 89 tuổi, thôn Tân Lập, xã Tân Trào nhớ lại: Trong những ngày diễn ra Đại hội, đình Tân Trào được trang hoàng đẹp hơn, xung quanh đình được che bằng vải. Gian bên phải được bố trí làm nơi họp của Đại hội, gian giữa là nơi triển lãm sách báo cách mạng và vũ khí thu được của địch và gian bên trái được dành làm nơi uống nước ăn cơm của đại biểu. Thay mặt nhân dân cả nước, nhân dân Tân Trào đã cử ra một Đoàn đại biểu mang vịt, gạo, trứng đến chào mừng Đại hội khiến Bác và các đại biểu dự Đại hội vô cùng xúc động. Sau khi họp xong, Đại hội còn tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ trong đình Tân Trào, tạo bầu không khí rất thân mật và thoải mái.

Ngày 17.8.1945, Đại hội bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục, các đại biểu khẩn trương trở về địa phương để lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Chưa bao giờ không khí cách mạng ở Tân Trào lại sôi sục đến vậy, đặc biệt là sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm lễ xuất quân dưới gốc đa Tân Trào, ai cũng hừng hực khí thế quyết giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Nỗ lực xây dựng quê hương

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào hôm nay đang nỗ lực, đoàn kết xây dựng quê hương, khí thế sục sôi trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm xưa, nay đã thành khí thế lao động sản xuất…

Ông Ma Văn Yên, Trưởng thôn Bòng – một trong những thôn điển hình về phát triển kinh tế trên địa bàn xã Tân Trào cho biết: Thôn có 177 hộ dân, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày với 75%. Kinh tế chủ yếu của người dân trong thôn là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tư duy sản xuất, phát triển kinh tế của người dân trong thôn đã có nhiều thay đổi. Nhiều gia đình đã thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… để từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Điển hình  như việc trồng thanh long đã giúp nhiều hộ dân trong thôn thoát nghèo. Nhờ đó, hiện nay số hộ nghèo trong thôn giảm còn 5 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/tháng…

Là hộ đầu tiên ở thôn Bòng đưa thanh long vào trồng và thoát nghèo nhờ cây thanh long, chị Hoàng Thị Phong, dân tộc Nùng chia sẻ: "Năm 2009, xem qua ti vi và đọc sách báo tôi biết đến mô hình trồng thanh long. Qua tìm hiểu  tôi thấy cây thanh long hợp với đất và khí hậu tại địa phương nên tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua giống, phân bón… trồng thử  800 gốc. Sau 2 năm, cây thanh long bắt đầu cho thu hoạch, thấy trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô, trồng sắn trước đó nên gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long. Hiện nay, gia đình tôi đang có 2.000 cây thanh long, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả, với giá trung bình từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, mỗi năm trung bình gia đình tôi thu về trên 250 triệu đồng. Nhờ trồng thanh long nên năm 2013, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, tôi xây được nhà mới, mua trang thiết bị phục vụ sinh hoạt hằng ngày và có tiền cho con đi du học tại Hàn Quốc".

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm qua người dân ở Tân Trào luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Năm 2014, Tân Trào là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới. Về Tân Trào những ngày này, sự thay đổi đã hiện lên rõ rệt.

Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của người dân trên địa bàn xã đã được nâng lên. Hiện tất cả các thôn trên địa bàn xã đều có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; trên 97% hộ dân được sử dụng điện an toàn theo yêu cầu của ngành điện; 100% trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn Quốc gia; 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa; trên 90% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 28,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,49%... cơ cấu ngành nghề tại địa phương ngày càng đang dạng, ngoài sản xuất nông nghiệp Tân Trào còn đang đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, hàng hóa…

Để tiếp tục duy trì và nâng cao những tiêu chí đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới xã sẽ đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân: Tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng và phát triển nhiều mô hình mẫu về phát triển kinh tế để nhân ra diện rộng. Tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất - kinh doanh; phát huy thế mạnh làng nghề sản xuất chế biến chè thôn Vĩnh Tân; phát triển thương hiệu gạo chất lượng cao Tân Trào.

Đồng thời, xã đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng các khu dịch vụ, du lịch phục vụ khách thăm quan khi đến Tân Trào theo hình thức xã hội hóa. Từng bước thay đổi nhận thức, tư duy về kinh doanh, dịch vụ du lịch của người dân địa phương… Phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở Tân Trào đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.

VŨ QUANG ĐÁN (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căn cứ địa cách mạng Tân Trào-Tuyên Quang ngày ấy... bây giờ