Cài cắm ‘đường lưỡi bò’ phi pháp nằm trong chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc

09/11/2019 10:28

Đối với "đường lưỡi bò", Trung Quốc có rất nhiều phương tiện giáo dục tiêm nhiễm thông tin sai lệch vào đầu người dân ngay từ lứa tuổi nhỏ...

Thời gian qua, hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được Trung Quốc cài cắm ở mọi nơi: từ quần áo, quả địa cầu, bản đồ, bản đồ digital (trên định vị các phương tiện), phim ảnh, sách giáo trình… cho thấy Trung Quốc không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để phổ biến các yêu sách phi lý trên Biển Đông.


Trung Quốc cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp trên rất nhiều tài liệu

Thao túng tài liệu lịch sử

Theo ông Hoàng Việt, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, ngay trong sách vở của chính Trung Quốc có rất nhiều tuyên truyền sai trái. Đối với "đường lưỡi bò", Trung Quốc có rất nhiều phương tiện giáo dục tiêm nhiễm thông tin sai lệch vào đầu người dân ngay từ lứa tuổi nhỏ.

Đối với nước ngoài, theo chuyên gia, các học giả nước ngoài từng nghiên cứu rất kỹ việc Trung Quốc thao túng các tư liệu lịch sử của phương Tây, các tài liệu học thuật của phương Tây viết về Biển Đông.

Khoảng những năm 1950, có những học giả gốc Hoa ở các trường đại học lớn trên thế giới, một số có những vị trí quan trọng trên trường quốc tế, trong đó có tòa án quốc tế, viết những bài viết để cắt xén, chuyển đổi và làm sai lệch những sử liệu của Trung Quốc, miễn sao biện minh cho quan điểm của họ.

Sau này, các học giả phương Tây dựa vào nguồn chính thống không có điều kiện kiểm chứng các tài liệu, sử liệu gốc từ Trung Quốc, nên họ lại trích dẫn từ những tài liệu đó và vô hình trung các tài liệu ủng hộ cho quan điểm của Trung Quốc xuyên suốt một thời gian dài, từ năm 1950 của thế kỷ 20.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Việt, Trung Quốc có một chính sách rõ rệt cho những nghiên cứu sinh và học viên cao học nghiên cứu về Biển Đông, hỗ trợ về tài chính rất lớn để họ có thể ra nước ngoài, viết các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế thể hiện quan điểm của Trung Quốc.

“Việc có các trường hợp rất nhiều báo chí Trung Quốc, rất nhiều ấn phẩm khác nhau không liên quan gì đến 'đường lưỡi bò' bị họ tìm cách lồng ghép 'đường lưỡi bò' cho thấy họ có một chiến lược rõ rệt, xuyên suốt, nhất quán, bài bản. Số liệu thống kê mỗi năm tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc, số luận văn, luận án tiến sĩ nghiên cứu về Biển Đông cũng thể hiện điều này”, ông Việt thông tin tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông mới đây.

Công kích truyền thông thất bại

“Tôi nghĩ như nhiều chuyên gia cũng từng khẳng định đó là sự công kích truyền thông mà mọi người có thể nhìn thấu. Tôi nghĩ người Việt Nam nhận ra sự tuyên truyền ở đây và thế giới cũng vậy. Cách tấn công mềm (charm offensive) của Trung Quốc không thành công như họ muốn mà còn có thể làm tổn thương họ nhiều hơn”, ông James Borton, Trung tâm Ngoại giao Khoa học Đại học Tufts (Mỹ) nói.

Theo chuyên gia, đứng trước sự “công kích truyền thông” từ Trung Quốc, việc đưa thêm nhiều truyền thông quốc tế đến với Việt Nam có đóng góp quan trọng. “Khi hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim (lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên) diễn ra, truyền thông quốc tế có những điều rất tốt để nói về Việt Nam. Khó mà chờ thêm được một hội nghị Trump - Kim thứ hai ở Hà Nội nhưng có những cơ hội khác. Tôi nghĩ các bạn có thể kiểm soát, tôi không muốn dùng từ chiến tranh, sự công kích truyền thông này”, ông Borton cho biết thêm.

Nhà báo Philippines Marites Vitug đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cấm các ấn phẩm có cài cắm "đường lưỡi bò". Chia sẻ thêm về Philippines, bà Vitug cho biết hiện tại đang có những cuộc thảo luận về việc đưa vấn đề này vào chương trình giáo dục, và “đã có những tiếng nói về điều này trên truyền thông, truyền thông chính thống, mạng xã hội” để “mỗi khi Trung Quốc nói gì đó, cần nỗ lực kiểm tra, chỉnh sửa ngay lập tức để sự thật được sáng tỏ”.

“Tôi nghĩ vấn đề của Trung Quốc là họ càng muốn đẩy người dân Trung Quốc xa rời sự thật bao nhiêu, họ càng đi ngược lại những bằng chứng lịch sử bấy nhiêu”, Tiến sĩ Bill Hayton, Chương trình châu Á- Thái Bình Dương, Chatham House (Anh) nói.

Theo VTCNews

(0) Bình luận
Cài cắm ‘đường lưỡi bò’ phi pháp nằm trong chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc